Năm khỉ nói chuyện voọc trên “bán đảo Tề thiên”- Kỳ 2: Sống chung cùng voọc

Thứ Ba, 09/02/2016 08:36  | Xuân Hoài

|

(CAO) Tại bán đảo Sơn Trà, có một nhóm nghiên cứu ăn ngủ cùng voọc và họ đã có nhiều dấu ấn khó quên về loài “nữ hoàng linh trưởng” có độ tinh khôn bậc nhất trong các loài động vật này.

Đắm đuối với voọc

Năm 2006, nhóm bảo tồn linh trưởng thuộc Hội Động vật học Frankfurt (Đức) do anh Hà Thăng Long đại diện tại Việt Nam có ý tưởng bảo tồn không gian xanh, hợp tác với các tổ chức nước ngoài nên đã lập nên tổ chức Nước Việt xanh (GreenViet) do anh Trần Hữu Vỹ làm giám đốc, Lê Thị Trang làm phó giám đốc.

Khi thành lập, GreenViet thực hiện chương trình bảo tồn voọc chà vá chân xám ở khu bảo tồn Kon Ka Kinh (tỉnh Gia Lai).

Theo chị Trang, tại Việt Nam có 3 loài voọc chà vá đó là chân xám (khu vực cao nguyên), chân đen (miền Nam) và chân nâu (từ Quảng Nam đến Hà Tĩnh). Do bán đảo (BĐ) Sơn Trà có đặc thù riêng nên không có chỗ nào dễ quan sát voọc như ở Đà Nẵng, là lợi thế, cũng là nguy cơ không hề nhỏ.

Từ những nỗi niềm đó, năm 2012, GreenViet thực hiện chương trình tại BĐ Sơn Trà. Bởi đây là khu vực đoạn cuối của núi Hải Vân nằm tách biệt, cắt sinh cảnh, cộng với sự phát triển kinh tế xã hội ảnh hưởng đến môi trường nên nguy cơ tiệt chủng loài voọc chà vá chân nâu rất cao.

Là người hơn mười năm “đắm đuối” với voọc, chị Lê Thị Trang cũng như nhiều cộng sự nắm rất nhiều kiến thức về loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm này.Theo dự án nghiên cứu của GreenViet, hiện tại BĐ Sơn Trà có khoảng 200-300 cá thể voọc chà vá chân nâu. Loài voọc chuyên ăn thực vật, chỉ sống nơi hoang dã, sống theo gia đình. Trên giống phả hệ, loài voọc này có 96% giống con người.

Một cá thể voọc và con trên cây ở Sơn Trả - Ảnh: Xuân Hoài 

Cấu trúc đàn 5 đến 11 cá thể, trong đó cá thể đực (bố) là đầu đàn, bởi vậy, nếu con bố chết thì đàn voọc đó rất dễ bị tuyệt tự. Voọc bố thường ăn nhanh, chỉ ăn một nửa chùm lá cây phía trên rồi giục đi, sau đó leo lên cây cao nhất để canh chừng, nếu thấy đàn khác tới hoặc ai tấn công thì voọc bố đứng ra bảo vệ hoặc dọa đàn khác bỏ đi, nếu chúng không đi thì voọc bố sẽ đưa cả đàn đi chỗ khác.

Còn voọc mẹ, voọc con (cái) thì ăn nhởn nhơ, luôn trong tâm thế được chở che. Loài voọc này 2-3 năm mới sinh một lần, mỗi lần 1 con, nguồn thức ăn của voọc sơ sinh cũng là sữa mẹ.

Con đực được voọc bố trang bị… bản lĩnh ngay từ nhỏ, khi lớn lên 2-3 năm lại ra ở riêng, lập đàn mới. Rồi lại sinh sôi nảy nở ra một gia đình mới. Tuy nhiên, theo anh em nhóm nghiên cứu GreenViet cũng chứng kiến một số đàn toàn con đực suốt ngày chọc phá nhau làm náo loạn cả khu rừng, chúng thường ăn nhanh để đi đùa nghịch với đàn khác.

Thú vị với voọc

Tập tính sinh hoạt của chúng thường ăn lá cây, ngủ trên cây (vì có bộ lông dày nên không sợ mưa). Khoảng 4-5 giờ sáng khi mặt trời gần lên là chúng đã dậy, ăn ở trên cây sau đó tản dần đi ăn những cây khác.

Đến 11-12 giờ thì chúng ngồi nghỉ, sau đó dậy ăn đến khoảng 17 giờ 30 chiều lại nghỉ. Theo nghiên cứu, 1 năm chúng không đi quá trong vòng bán kính 1 km. Sở dĩ chúng ta dễ có cơ hội thấy voọc như ở BĐ Sơn Trà, là bởi có đường bao quanh, và sở thích của voọc là đứng ở cây cao nhất, hướng ra phía ánh sáng, thoáng đãng.

Nhóm nghiên cứu về voọc chà vá chân nâu của GreenViet gồm Bùi Văn Tuấn, trưởng phòng nghiên cứu, Nguyễn An Tâm, cán bộ nghiên cứu của GreenViet. Ngoài ra, có Jonathan B.Clayton hỗ trợ và PhD.Minnesota đang nghiên cứu tiến sĩ.

GreeViet muốn tìm hiểu tập tính, thu mẫu để nghiên cứu sâu về ADN của 5 đàn, phải mất gần một năm trời làm quen. Trong đó 6 tháng nhận diện chọn đàn, 6 tháng nhóm nghiên cứu cứ lẻo đẻo đi theo. Ban đầu chúng trốn tránh bỏ đi, lâu không thấy làm hại chúng nên mưa dầm thấm lâu, chúng không còn xa lánh nữa mà thân thiện hơn.

Từ đó “thân” nhau thì chúng mới cho lại gần (cách khoảng 10m). Nhóm nghiên cứu chỉ tập trung vào 5 đàn, trong đó đặt tên cho 5 voọc bố theo đặc điểm dễ nhận biết của chúng như sẹo phải, sẹo trái, mặt xấu, đàn học tập…

Chị Trang cho biết: Sang năm thứ hai, chúng đi đâu, ăn, ngủ như thế nào thì nhóm nghiên cứu đều ở phía dưới thu nhặt từ mẫu thức ăn thừa, mẫu nước tiểu, phân… để nghiên cứu, phân tích. Thức ăn mà chúng thích nhất là lá cây chò (ngư dân thường hay lấy mũ để quét lên thuyền để không cho nước tràn vào nên nguy cơ người dân lấy mủ không đúng cách gây hư hại loài cây này thì voọc chà vá chân nâu cũng mất đi nguồn thức ăn ưa thích).

Anh em nhóm nghiên cứu hầu như ở dài ngày trong rừng, phải cử người đưa thức ăn đến tại chỗ, nhiều lúc ngủ trong rừng cả tuần liền mặc cho rắn rít, vắt, sâu bu bám khắp người.

Theo anh Tuấn, voọc chà vá chân nâu có nhiều đặc tính giống con người: khi voọc mẹ sinh ra chăm con cũng tương tự như con người vậy, cho voọc con bú ti mẹ, tỉa long, “nói chuyện”…

Lá cây chò,lá cây ưa thích của loài voọc- Ảnh: Xuân Hoài 

Anh Tuấn kể lại: “Chiều trước khi đi ngủ, thấy cảnh hai anh em voọc con đùa nghịch, nhảy ra ngoài cành, có một con rơi xuống đất, voọc bố nhào xuống ôm voọc em lên rồi gằm gừ (la mắng) voọc anh, con này sợ bị đánh nên lủi thủi với vẻ mặt rất tội nghiệp.Có lần chúng ngủ ở trên cành, còn dưới này anh em đang say sưa thì chúng tè ngay trên mặt, khiến ai cũng giật mình, nhưng thấy vui”.

“Có một số tình tiết thú vị và cả những điều chưa rõ do thời gian nghiên cứu mới một vài năm chưa thể nói hết điều gì. Trong quá trình nghiên cứu thu nhận được, như đàn xấu xí con đực có 5 vợ, nhưng nó lấy vợ ở đâu, đàn nào, hoặc là lấy con cái trong đàn?

Con đực lớn 2-3 tuổi đã tách đàn còn con cái lớn liệu có tách đàn hay lấy bố thì nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu, phân tích từ gen mới biết được. Đây là quá trình lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Mới nghiên cứu hơn 2 năm nay, hiện đang hết kinh phí và tiếp tục tìm nguồn để thực hiện quá trình nghiên cứu tiếp”, chị Trang chia sẻ.

“Ước mơ, ý tưởng lớn của PhD.Minnesota là muốn xây dựng ngân hàng ADN về linh trưởng trên toàn cầu với mục đích phục vụ khoa học, đối chứng gen, phát hiện, so sánh, tìm hiểu loài. Càng nghiên cứu, càng “sống chung” với loài voọc chà vá chân nâu ngày càng thấy yêu thương chúng, coi chúng như người bạn”, chị Trang tâm sự.

Chạy trên đường ngắm voọc- Ảnh: Xuân Hoài 

Ngoài PhD.Minnesota bảo vệ xuất sắc nghiên cứu sinh tiến sĩ về voọc chà vá chân nâu, với chiến dịch bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu, Lê Thị Trang (28 tuổi, trú quận Liên Chiấu u, TP Đà Nẵng) đã nhận giải thưởng quốc tế Nhà bảo tồn trẻ xuất sắc thế giới- Future For Nature Award 2015.

Nhiều anh em của GreenViet được ghi nhận, khen thưởng xứng đáng với công việc nghiên cứu, bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu tại BĐ Sơn Trà.

Ăn, ngủ cùng voọc - Ảnh: Xuân Hoài

Bình luận (0)

Lên đầu trang