Nan giải tìm chỗ giữ xe ô tô ở TP.HCM

Thứ Ba, 27/09/2016 13:39  | Vũ Nguyễn

|

(CAO) Mật độ phương tiện giao thông tại TP.HCM ngày càng gia tăng nhưng việc xây dựng các bãi đậu xe lại diễn ra khá chậm. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô tô dừng, đậu bất chấp bảng cấm trên lòng đường lẫn vỉa hè và công viên.

Lượng xe ô tô tại TP.HCM ngày càng gia tăng làm cho hạ tầng đô thị bị thu hẹp. Thiếu chỗ đậu xe là vấn đề nảy sinh đã nhiều năm nay tại thành phố.

Hơn 10 năm qua, phương án ngầm hóa các bãi đậu xe vẫn chưa được triển khai thực hiện. Các tuyến đường vắng nhanh chóng được một số tay “anh chị” tranh giành, phân chia nhau làm nơi dừng,đậu cho ô tô.

Theo ghi nhận, các tuyến đường như Lý Tự Trọng (bệnh viện Nhi Đồng 2), Pasteur (đoạn Võ Thị Sáu - Trần Quốc Toản) nhiều ô tô vẫn ngang nhiên dừng, đậu tại khu vực trung tâm. Mặc dù đã có bảng hướng dẫn chỉ đậu vào những khung giờ cố định nhưng đa phần các ô tô đều ra vào bất kể thời gian. Một số người tự đứng ra thu phí 20.000 đồng/xe. Tương tự tại các quán cà phê, nhà hàng, quán cà phê trên đường Trần Quốc Thảo, Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn Du... đều là tuyến đường cấm đỗ xe nhưng nhân viên đều khẳng định cứ cho xe “đỗ thoải mái”.

Ngoài những tuyến đường khu vực trung tâm TP.HCM, ngay cả những tuyến đường nhỏ như Mạc Thiên Tích (đoạn từ Tản Đà đến Đặng Thái Thân, P.11, Q.5), chính quyền đã đặt bảng cấm đậu nhưng vẫn có một nhóm người ngang nhiên chiếm dụng làm nơi đậu cho những xe có nhu cầu vào Bệnh viện Đại học Y Dược. Tuyến đường chỉ khoảng 100m nhưng hàng chục ô tô chen chúc đậu hàng dài.

Một bãi đậu xe ô tô tại TP.HCM - Ảnh: Vũ Nguyễn 

“Lúc trước mỗi lần gửi xe là về công viên 23-9 (đường Phạm Ngũ Lão) cách chỗ làm khá xa, rất bất tiện nhưng cũng phải chấp nhận. Nhưng đến nay bãi đó đã dẹp nên tôi phải đi gửi ở Trần Hưng Đạo rồi đi xe ôm tới chỗ làm” - anh Quân (28 tuổi, nhân viên tại một tòa nhà trong phố đi bộ Nguyễn Huệ) cho biết về sự bất tiện.

Anh Trần Minh Hậu (tài xế taxi Vinasun) chia sẻ, “Điểm dừng, đậu đón khách cũng không có. Anh em đồng nghiệp phải thuê chỗ đậu ở cây xăng, lòng đường. Việc trả khách xuống những nơi trong trung tâm TP.HCM cũng là điều khó khăn. Đôi khi khách phàn nàn là tài xế cố tình dừng xa điểm họ yêu cầu rồi cho rằng chúng tôi cố tình chạy xa để kiếm thêm tiền. Họ đâu hiểu là nếu mình dừng sai luật thì lại bị phạt”.

Giữ xe giá “chát”

Với áp lực thiếu bãi đậu xe trên địa bàn, TP.HCM phải điều động lực lượng Thanh niên xung phong thầu nhiều vỉa hè, tuyến đường như Trương Định, Hàm Nghi, Nguyễn Chí Thanh… để làm điểm giữ xe. Ngay cả tại gầm cầu Ông Lãnh, Nguyễn Tri Phương, Chà Và… cũng được trưng dụng làm điểm dừng, đậu.

“Tại sao nhiều tuyến đường có 2-3 làn lại không trưng dụng làm điểm đậu xe thu phí. Việc cấm dừng, đậu chưa hẳn là giải pháp tốt trong việc giảm ùn ứ. Điển hình tại trước cổng bệnh viện Nhi Đồng (đường Nguyễn Du, Q.1) khi lực lượng chức năng có mặt, các tài xế lái xe đi gây hỗn loạn cả tuyến đường”- anh Lê Văn T. bức xúc.

Mặc dù trung tâm thương mại, khách sạn tại trung tâm TP.HCM vẫn có bãi đậu xe và cho các phương tiện vãn lai vào đậu với mức giá 2 giờ đầu trở lại tương đối mềm nhưng sau đó mức phí theo giờ lại cộng dồn khá cao. Như tại Vincom mức giá 20.000 đồng/tiếng và ban đêm từ 10 giờ 30 đến 8 giờ 30 sáng hôm sau sẽ có khoảng thu cố định là 180.000 đồng/lượt. Tại bãi đậu xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, mức giá là 30.000 đồng/giờ (chưa thuế VAT).

Anh Minh Thành (ngụ Q.10) chia sẻ,“Có lần vào trung tâm thương mại Vincom chơi, mình gửi xe lúc 20 giờ đến 22 giờ 10 thì lấy xe, bảo vệ xuất phiếu tính 140.000 đồng. Ban đầu "hơi choáng", nhưng hỏi ra thì biết chỉ sau 10 giờ máy sẽ tính thêm tiền gọi là là phí gửi đêm”.

Xe ô tô đậu sát lề trên đường Hàm Nghi - quận 1 - Ảnh: Vũ Nguyễn 

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao vụ một xe ô tô biển số tỉnh đến trung tâm mua sắm Takashimaya (Saigon Centre Q.1) để gửi trong 23 tiếng, với mức giá thanh toán khá choáng là 760.000 đồng. Tại bảng giá có ghi là 20.000 đồng/3 giờ đậu, nhưng sau 6 giờ gửi mức giá sẽ lũy tiến lên cao.

Trong khi đó, những bãi đậu có thu phí thuộc nhà nước giá chỉ 5.000 đồng/lượt, xe có thể đậu cả ngày nhưng việc chỉ thu phí chỗ đậu và không bảo quản phụ tùng cho phương tiện đậu lại là một vấn đề khác. Với việc thu 20.000 đồng/3 giờ đậu thì mức giá này là khá tốt khi chỗ đậu rộng rãi, mát mẻ, không sợ mất tài sản, phụ tùng và không phải để lại chìa khóa.

Người dân thắc mắc vì sao TP.HCM không bổ sung thêm những điểm điểm dừng, đậu tại các tuyến đường lớn trong khu vực trung tâm TP.HCM để đảm bảo việc dừng, đậu theo nhu cầu của người dân. Các tuyến đường dừng ,đậu có thu phí và thậm chí có thể thu phí giờ.

Đơn cử hiện tại những bãi đậu xe có thu phí với mức 5.000 đồng/ngày, thì khi triển khai việc thu phí tại những tuyến đường trọng điểm đơn vị thực hiện có thể đề xuất tính phí theo giờ. Mỗi giờ tính thêm 5.000/lượt, điều này vừa tránh gây lãng phí và giải quyết được nhu cầu của người dân.

Hóa đơn giữ xe gây choáng váng với mức phí 760,000 đồng khi giữ qua đêm 

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP.HCM, bình quân 1 ngày thành phố tăng thêm 1.000 xe gắn máy, 100 xe ô tô. Còn 6 tháng đầu năm 2016, số ô tô như đầu kéo, xe tải tăng 180 chiếc/ngày, có ngày lên 250 chiếc. Điều này dẫn đến nhu cầu bến bãi, chỗ đậu xe tăng theo.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp, giải pháp cụ thể trong việc bổ sung, tăng cường những điểm dừng, đậu để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang