(CATP) Nhằm kịp thời phối hợp, chỉ đạo đối với công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính (CHPLTTHC) và thi hành án hành chính (THAHC), Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM (UBNDTP) Phan Văn Mãi vừa ký ban hành công văn (CV) yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố (TP), chủ tịch UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức thực hiện một số nội dung quan trọng.
Cụ thể, Chủ tịch UBNDTP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND tiếp tục tổ chức quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án (TA) và Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ; các chỉ đạo của UBNDTP về CHPLTTHC và THAHC, đặc biệt là việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho TA trong các vụ án hành chính (VAHC), chấp hành quy định về tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, bảo đảm tham gia đầy đủ các vụ việc do TA nhân dân có thẩm quyền tổ chức đối thoại, tổ chức phiên tòa trực tuyến theo chỉ đạo của UBNDTP tại CV3196/UBND-NCPC ngày 09/9/2022 về việc CHPLTTHC.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng ban hành, tham mưu ban hành các quyết định hành chính (QĐHC), thực hiện hành vi hành chính (HVHC) của UBND, chủ tịch UBND và các cơ quan hành chính trên địa bàn TP; hạn chế tối đa sai sót, vi phạm trong quá trình ban hành, tham mưu ban hành QĐHC, thực hiện HVHC làm phát sinh khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính (VAHC); xem xét xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý trong việc tham mưu ban hành các QĐHC, thực hiện HVHC bị TA tuyên hủy.
(Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Tiếp theo, cần chấp hành nghiêm pháp luật về THAHC, rà soát, tập trung tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của TA về VAHC đã có hiệu lực pháp luật thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, chủ tịch UBND, các sở, ban, ngành TP; trong đó khẩn trương rà soát, tổ chức thi hành các bản án, QĐHC có hiệu lực thi hành còn tồn đọng từ năm 2023 trở về trước.
Đối với các vụ việc gặp khó khăn trong quá trình thi hành, UBND, chủ tịch UBND cần xem xét, xin ý kiến UBNDTP hoặc các cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc (nhất là các bản án đã kéo dài nhiều năm). Song song với đó, các sở, ban, ngành TP tăng cường phối hợp, thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, có ý kiến giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc đối với các cơ quan, đơn vị phải thi hành án (THA) khi có đề nghị và chỉ đạo của UBNDTP, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến việc quản lý nhà, công sản, đất đai. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền phải báo cáo, đề xuất bằng văn bản xin ý kiến hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương để làm căn cứ tổ chức thực hiện.
UBNDTP còn nhấn mạnh, các sở ban ngành có liên quan nên chủ động thông báo và thường xuyên cập nhật kết quả THA cho các cơ quan theo dõi THA; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan về quá trình và kết quả THA theo yêu cầu của cơ quan THA dân sự cùng các cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, Sở Tư pháp được giao cập nhật tình hình CHPLTTHC và THAHC, định kỳ tổng hợp, đánh giá tình hình CHPLTTHC và kết quả THAHC từ thông tin, số liệu của sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức; đề nghị Cục THA dân sự TP phối hợp cung cấp thông tin, tình hình THAHC để tham mưu UBNDTP báo cáo theo yêu cầu của Bộ Tư pháp. Sở Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức có hành vi chậm THA, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của TA (nếu có) theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP; xem xét tham mưu xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý của UBNDTP trong việc tham mưu ban hành các QĐHC, thực hiện HVHC bị TA tuyên hủy.