Chuyện ly kỳ sau vụ bắt cóc:

Kỳ cuối: Rắc rối từ "mẹ” thành… "chị”!

Thứ Năm, 20/06/2024 11:03

|

(CATP) Từ khi cô bé H. (lúc này là năm 1994 đã 18 tuổi) tìm được gia đình ruột thịt, cứ nghĩ H. sẽ được bù đắp 18 năm lưu lạc, gian khổ bằng những ngày ấm êm, nhung lụa trong một gia đình khá giả, lòng tôi lại rộn lên niềm vui. Rồi một hôm, trực ban đơn vị gọi vào số nội bộ, báo cô bé H. đến "tìm chú Long", tôi từ phòng làm việc đi ra với háo hức và niềm tin: "Hôm nay, chắc H. đã mập lên, trắng ra, ăn mặc sang trọng và có thể đi xe hơi đến tòa soạn như các tiểu thư”... Thế nhưng khi tôi ra đến phòng khách nhỏ gần cổng thì kinh ngạc thấy H. vẫn nguyên vẹn: lam lũ, khổ sở và đi cùng với một số cán bộ công an, dân phòng của P.Bến Thành (Q1)!

Hai sự cố không ngờ

Ngay hôm gặp lại "thiên thần" do mình rứt ruột sinh ra sau 18 năm mong nhớ, tôi cứ ngỡ chị K. (mẹ của H.) sẽ ngất đi vì sung sướng, hạnh phúc. Thế nhưng trước mắt tôi và bà Huỳnh Ngọc Mỹ (nguyên Giám đốc Nhà trẻ mồ côi Thủ Đức, người đã ký công văn gửi Báo Công an TPHCM và Báo Tuổi Trẻ nhờ tìm giúp bé H. bị "mất tích" vào năm 1989), cuộc tái ngộ giữa hai mẹ con khá bất ngờ. Sau khi hai mẹ con nắm tay nhau, khóc, người mẹ nói với con gái: "Con cứ gọi mẹ cho thỏa niềm khao khát đi! Lát về nhà không được gọi mẹ nữa, chỉ được gọi bằng... chị!"...

Không chỉ cô bé H. mà cả tôi và bà Mỹ đều ngạc nhiên. Chị K. giải thích với con: "Vì sau khi bị thất lạc con, mẹ đã lấy chồng, sanh thêm em con. Mẹ không thể nói với họ con là con riêng của mẹ được. Con thông cảm gọi mẹ bằng "chị" một thời gian, chờ mẹ sắp xếp...". Khi cả ba người chúng tôi vẫn thắc mắc, chị K. bất đắc dĩ nói: "Về nhà, con sẽ là con rơi của ông ngoại. Ông ngoại thời trước có chức quyền nên bị người ta dụ dỗ có con, hiểu chưa?"... Cô bé H. 18 tuổi nhưng vẫn bé choắt như đứa trẻ chưa dậy thì đã òa khóc khi nghe lời mẹ dặn. Cô phụng phịu một lát rồi cũng quệt nước mắt, theo mẹ lên ôtô về nhà.

Cô bé H. cười rạng rỡ lúc tìm được mẹ ruột

Trở lại với chuyện H. quay trở lại tòa soạn Báo Công an TPHCM cùng công an, dân phòng P.Bến Thành, Q1. Họ cho biết H. ra chợ Bến Thành ăn, uống xong không có tiền trả nên chủ tiệm gọi công an, dân phòng. H. nói với những người thực thi công vụ là có "chú” làm việc tại Báo Công an TPHCM, sẽ đến đó xin tiền chú trả! Thế là H. được lên xe máy để các anh công an, dân phòng chở lại tòa soạn gặp tôi. Tôi kể họ nghe về số phận ly kỳ của cô bé, xin được trả tiền ăn, uống của cô. Nhưng họ không lấy tiền, hiểu ra sự việc, chỉ cười rồi ra về. Khi chỉ còn tôi với H., H. mếu máo kể:

- Nhà mẹ con giàu lắm, bữa nào cũng ăn hơn cả đám giỗ ở quê...

H. kể khá dài, tóm tắt là cô về nhà, đóng vai "em của mẹ” được vài tuần thì xảy ra chuyện lớn. Từ nhỏ quen sống bần hàn, cơ cực ở vùng sâu nghèo khó. Giờ được ăn ở trong ngôi nhà sang trọng, tiện nghi hiện đại, cô luôn làm hư hỏng hoặc gây rắc rối với mọi thứ. Trong mỗi bữa ăn, trước những món ngon thơm lừng thì cái đói dồn lại suốt 18 năm làm cô không thể kiềm chế. Cô ham hố, vồ vập, ngấu nghiến kiểu "thổ dân" trước con mắt kinh hoàng của người chồng và con sau của mẹ. Mẹ cô ngượng ngùng, xấu hổ với "đứa em rơi" như từ một thế giới xa xưa, hoang dã trở về ngồi trước mâm cơm văn minh, kiểu cách. Lúc đầu, mẹ nhắc nhở "em ăn từ tốn thôi" hoặc "món đó chưa ai ăn em à, đừng lấy nhiều thế!"... H. im lặng, "giảm tốc"...

Nhưng có một hôm, ông chồng của mẹ hết chịu nỗi nên nhìn em bằng ánh mắt khinh khi rồi buông đũa đứng lên với nét mặt giận dữ. Thấy chồng như vậy, bà mẹ muốn xoa dịu nên quay sang trách móc H... Thế là H. nổi điên, nhảy lên bàn ăn, đứng chống nạnh, xỉ tay, chửi lại mẹ: "Bà là đồ độc ác, đẻ tui ra rồi bỏ tui để tui phải lưu lạc, khổ sở suốt 18 năm. Bây giờ mang tui về đây nhưng lại bắt tui gọi bằng "chị” để lừa dối chồng, con. Bà mới là người không ra gì nên đừng chửi tui nữa". Ông chồng sững sờ trước những lời vừa nghe. Ông yêu cầu vợ giải thích. Thế là bùng nổ! Bà mẹ gom hết quần áo của H. bỏ vào túi xách, thảy cho cô cọc tiền và một câu nói lạnh như băng:

- Xin lỗi, tôi đã nhận nhầm người. Cô cầm 10 triệu đền bù cho sự nhầm lẫn của tôi rồi... biến đi!

Cô bé H. quỳ xuống xin lỗi, năn nỉ, khóc lóc. Nhưng người mẹ đã đẩy cô ra ngoài, khóa cổng lại... H. ngồi trước cổng biệt thự rất lâu với hy vọng mẹ nguôi giận sẽ mở cửa cho vào. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra nên cô thất thểu bỏ đi.

Làm ơn mắc oán

Đó cũng là thời điểm tác giả bài viết này nhận cuộc gọi của chị K. Cứ ngỡ chị lại năn nỉ tôi nhận phần thưởng là 10 lượng vàng hoặc chiếc Honda Dream màu nho còn nguyên thùng nên tôi từ chối: "Đã nói sẽ không nhận phần quà cảm ơn của chị rồi mà, chị đừng ép tôi nữa!". Ai ngờ chị K. mắng xối xả: "Ông là gã nhà báo xấu xa. Ông mang một con nhỏ bụi đời, vô học ép tôi phải nhận nó là con... Ông đến đây xem nó phá nát gia đình tôi rồi nè! Ông vừa lòng chưa?".

Tôi bàng hoàng, không ngờ sự việc lại diễn ra như vậy. Tôi muốn giải thích rằng H. chắc chắn là con của chị K., chính chị và nguyên giám đốc Nhà trẻ mồ côi Thủ Đức viết thư, làm công văn nhờ Báo Công an TPHCM tìm lại đứa con bị thất lạc sau 18 năm của chị, chứ chúng tôi làm sao ép chị được! Nhưng các cuộc gọi lại đều bị chị K. dập máy, không nghe (thời đó chỉ gọi bằng điện thoại bàn vì chưa có ĐTDĐ). Bây giờ được H. kể lại ngọn nguồn, tôi mới hiểu vì sao chị K. lại đổi món quà 10 lượng vàng cảm ơn thành lời trách móc nặng nề như thế! Đây cũng là một trong những chuyện khó tin mà có thật xảy ra với nghề báo của tôi. Một kỷ niệm người xưa gọi là "làm ơn mắc oán"!

Trở lại câu chuyện của H., cô bé đã đón xe đò trở về nhà ông Sáu Tý và những gia đình từng cưu mang cô ở xã Phú Lập (huyện Tân Phú, Đồng Nai). Cô đã rủ những người bạn gái nghèo khó ngày xưa ra chợ xã mua sắm hết sạch 10 triệu đồng (tương đương hơn 150 triệu đồng nếu tính theo giá vàng tháng 5/2024). Cô ở đó chơi vài ngày rồi dùng những đồng tiền sót lại đón xe về TPHCM. Cô vào chợ Bến Thành với cái đói cồn cào, liều kêu quán bán bún và chè để ăn, xong không có tiền trả, bị chủ tiệm trình báo công an, dân phòng như đã kể ở phần trên.

Bìa tiểu thuyết được viết lại từ câu chuyện của H.

Sau đó, H. xin tôi vài trăm ngàn đồng, nói để đi tìm việc làm. Chừng hơn tuần sau thì H. quay lại tòa soạn, mếu máo than:

- Con đi phụ bán cơm ở Bến xe Miền Đông mà bà chủ ác quá, tạt nước sôi làm con bị phỏng...

Tôi nhờ các đồng nghiệp nữ ở bộ phận công tác bạn đọc dẫn H. vào nhà vệ sinh kiểm tra thì thấy H. bị phỏng nhẹ, nên đưa ra Trạm Y tế P.Bến Thành nhờ xức thuốc. Tôi đến Công an Phường 26 (Q.Bình Thạnh) trình báo vụ bà chủ quán cơm bạo hành H., đề nghị xử lý bà chủ quán. Cháu H. lại nói với tôi: "Tại con không có giấy tờ nên xin việc khó quá! Chú có thể nhờ ai làm giúp chứng minh nhân dân cho con không?". Việc này không dễ, nhưng vì nghĩ H. là "duyên nợ" nên tôi vẫn cố giúp. Ai ngờ khi H. quay lại thì không phải để cảm ơn mà là tống tiền người đã cho cô ấy nhập hộ khẩu vào nhà để làm chứng minh nhân dân. Người đó thân với tôi nên họ mới giúp. May mà bạn tôi kịp phát hiện, không cho H. thực hiện ý đồ xấu đó.

Tôi gọi H. là "duyên nợ" bởi từ bài đầu trong loạt phóng sự điều tra viết về H., tôi đã nhầm lẫn tai hại, cứ tưởng Bệnh viện Từ Dũ thiếu trách nhiệm, làm mất đứa trẻ sơ sinh con chị K., nên trong bài có câu chữ trách móc. Đến lúc được đọc từng trang hồ sơ đã ố vàng sau 18 năm, tôi mới biết chính ông ngoại cháu bé vì muốn giữ thể diện gia đình và tạo điều kiện cho con gái mình (chị K.) lấy chồng sau khi mang thai bất đắc dĩ, nên bày ra "kịch bản" nói rằng đứa bé đã chết (trong lúc ông ký các giấy tờ đề nghị Bệnh viện Từ Dũ đưa H. vào viện mồ côi). Đến lúc tuổi già sắp đoàn tụ với tổ tiên thì ông mới ân hận, day dứt và kể sự thật với chị K. Chị K. lần tìm đến Nhà trẻ mồ côi Thủ Đức thì H. đã bị "bắt cóc" trước đó 6 năm!

Tôi phải xin lỗi Ban Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ vì không xác minh, đưa tin một chiều. Nhờ phải đính chính lại bài báo viết sai nên tôi đã trở thành... rể của Bệnh viện Từ Dũ. Đó là lý do tôi luôn coi H. là "duyên nợ" và cố giúp cô bé trong khả năng của mình. H. nhỏ hơn 12 tuổi nhưng cứ gọi tôi là chú...

Mong ước cô bé được hạnh phúc

Mấy năm sau, H. giúp việc nhà cho một người đàn ông Đài Loan ở Q.Bình Thạnh và hay bị ông ta chửi mắng. Rồi H. lại đến tòa soạn gặp tôi lần nữa vào khoảng năm 1996. H. nói:

- Chú hãy giúp con một lần nữa thôi, con sẽ không bao giờ làm phiền chú nữa!

Tôi hỏi:

- H. tính đi đâu, làm gì?

H. đáp:

- Con sẽ vào chùa làm công quả, sau đó sẽ đi tu. Còn chùa ở đâu con không thể cho chú biết.

Từ đó đến nay tôi không còn gặp H., nhưng hình ảnh và câu chuyện về cô bé "lá ngọc cành vàng" bị bỏ rơi, "bắt cóc", lưu lạc 18 năm rồi lại tiếp tục lưu lạc, khổ sở cứ làm tôi nhớ mãi. Hai mươi năm sau, tôi đã viết câu chuyện kỳ lạ này thành tiểu thuyết Đứa con thời hậu chiến (NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản năm 2015). Trong tác phẩm của tôi, H. đã nỗ lực tu tập trở thành sư cô có bằng thạc sĩ Phật học và cao lớn, xinh đẹp hơn trước rất nhiều. Đó cũng chính là ước mơ của tôi dành cho H. - một nhân vật rất đặc biệt trong hành trình dài 36 năm viết báo, viết văn của tôi. Trong những năm tháng đại dịch Covid-19 khốc liệt, tôi vẫn thầm cầu mong cho H. được bình an và vượt qua nghịch cảnh để có được hạnh phúc. H. sinh năm 1976, nay cũng đã 48 tuổi rồi. Nhìn lại câu chuyện hơn 30 năm trước, cứ như một giấc mơ. Thật bồi hồi, xúc động!

Kỳ 2: Chặng đời lưu lạc gian nan của cô bé H.
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang