Ưu tiên thanh toán nợ và lãi trái phiếu
Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (viết tắt Tập đoàn VTP) với chủ trương cho sử dụng Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (Công ty An Đông) để phát hành trái phiếu. Ban đầu đề xuất phát hành trái phiếu Công ty An Đông từ 10.000 - 15.000 tỉ đồng. Nhưng sau đó, do tình hình thực tế phát sinh nhiều áp lực tài chính nên đã phát hành trái phiếu Công ty An Đông lên tới 25.000 tỉ đồng và cùng nhiều công ty khác, như Sunny World, Quang Thuận, Setra... Tranh thủ bữa cơm trưa ở trụ sở Tập đoàn VTP (số 19 - 20 Trần Hưng Đạo, P.Cô Giang, Q1, TPHCM), Trương Mỹ Lan mời Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Ngân hàng SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Nguyễn Tiến Thành (Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI) và Hồ Bửu Phương (Phó Tổng Giám đốc, phụ trách tài chính của Tập đoàn VTP). Tại bữa cơm trưa này, Trương Mỹ Lan ra chủ trương đồng ý cho mượn Công ty An Đông để phát hành trái phiếu, huy động nguồn tiền cho hoạt động của Ngân hàng SCB, giao cho các cá nhân chủ động nghiên cứu thực hiện.
Trương Mỹ Lan xin chịu trách nhiệm, khắc phục trả nợ gốc và lãi trái phiếu cho bị hại
Trong đó, Võ Tấn Hoàng Văn có vai trò chỉ đạo, điều hành Ngân hàng SCB triển khai thực hiện việc giới thiệu, tư vấn, bán trái phiếu do các công ty thuộc Tập đoàn VTP phát hành cho người dân. Nguyễn Phương Hồng có vai trò chủ trì, phối hợp với các bên liên quan để lên phương án thực hiện việc phát hành trái phiếu, điều phối, đi dòng tiền và sử dụng tiền thu được từ huy động trái phiếu, quản lý theo dõi việc sử dụng tiền. Nguyễn Tiến Thành có vai trò chỉ đạo, điều hành Công ty Chứng khoán TVSI để lập hồ sơ tư vấn, phát hành trái phiếu, thực hiện các trình tự, thủ tục, hồ sơ phát hành trái phiếu... Hồ Bưu Phương phụ trách tài chính có vai trò đầu mối hướng dẫn bộ phận kế toán các công ty thuộc Tập đoàn VTP chuẩn bị hồ sơ, pháp lý, báo cáo tài chính và thực hiện các giao dịch chuyển tiền theo phương án dòng tiền.
Đối với các bị can khác trong vụ án (Giai đoạn 2) là người nhà, nhân viên dưới quyền đã tham gia việc tạo lập, phát hành trái phiếu (lập, ký các hồ sơ, thủ tục, hợp đồng, chứng từ, đi dòng tiền khống...), Trương Mỹ Lan xác nhận họ không được biết về mục đích phát hành trái phiếu, không được Lan bàn bạc, trao đổi, không được sử dụng tiền từ phát hành trái phiếu mà chỉ được biết về việc Lan đồng ý cho phát hành trái phiếu, tin tưởng và chấp hành thực hiện các công việc theo chức danh hiện tại của mình.
Quá trình làm việc với Cơ quan điều tra, Trương Mỹ Lan thừa nhận việc Lan ra chủ trương phát hành trái phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn VTP là trái quy định pháp luật, vì không dùng tiền phát hành trái phiếu vào việc đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu thực tế để bảo đảm cho việc trả nợ trái phiếu, mà dùng để xử lý các khoản tài chính cho Ngân hàng SCB, dẫn đến không có khả năng chi trả. Trương Mỹ Lan xin chịu trách nhiệm về sai phạm của mình và việc trả nợ trái phiếu cho các trái chủ bằng hình thức sử dụng toàn bộ các khoản tiền, tài sản của Trương Mỹ Lan đã bị kê biên, phong tỏa, ngăn chặn, thu giữ và toàn bộ các khoản tiền, tài sản mà TAND TPHCM đã tuyên trước đó. Bản án hình sự sơ thẩm (Giai đoạn 1) đã tuyên các cá nhân, tổ chức phải trả lại hoặc bồi thường cho Trương Mỹ Lan để ưu tiên thanh toán nợ và lãi trái phiếu cho các trái chủ. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan mong muốn những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc sử dụng tiền huy động được từ trái phiếu của các công ty này cũng phải cùng có trách nhiệm để bảo đảm việc trả hết nợ và lãi trái phiếu cho người dân.
Ăn năn hối cải
Hành vi phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của Trương Mỹ Lan, với số tiền hơn 30.081 tỉ đồng, theo Cơ quan điều tra, xét thấy xuyên suốt vụ án từ Giai đoạn 1 đến Giai đoạn 2, Trương Mỹ Lan đã có sự chuyển biến về nhận thức và ý thức pháp luật, đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình trong việc ra chủ trương phát hành trái phiếu, sử dụng sai mục đích, dẫn đến gây hậu quả đặc biệt lớn cho người dân. Đồng thời, Trương Mỹ Lan đã nhận trách nhiệm về việc đền bù thiệt hại, hoàn trả lại tiền cho các trái chủ, xin sử dụng các tài sản kê biên, phong tỏa, ngăn chặn hoặc thu hồi trong cả vụ án để ưu tiên trả nợ cho các trái chủ. Trương Mỹ Lan thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt. Tập đoàn VTP và gia đình đã nộp tiền khắc phục một phần hậu quả, vì vậy Cơ quan điều tra đề nghị xem xét khi lượng hình.
Các bị cáo bị xét xử Giai đoạn 1
Tương tự với sự ăn năn hối cải của Trương Mỹ Lan tại Giai đoạn 2 điều tra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, bị can Võ Tấn Hoàng Văn xuyên suốt vụ án từ Giai đoạn 1 đến Giai đoạn 2, vai trò là người làm công hưởng lương, làm theo chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi. Văn đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo và hợp tác tích cực với Cơ quan điều tra, đã khắc phục một phần hậu quả, có nhân thân tốt nên cũng được đề nghị xem xét khi lượng hình. Hay bị can Hồ Bửu Phương, Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luân, Nguyễn Phương Anh, Bùi Đức Khoa, Thái Thị Thanh Thảo... đều thể hiện việc ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo.
Riêng với kết quả điều tra Giai đoạn 2 xác định, 3 cá nhân đã chết là Nguyễn Phương Hồng (Thành viên HĐQT, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng SCB, nguyên Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Tiến Thành (Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB, nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI) và Nguyễn Ngọc Dương (Tổng Giám đốc Công ty SPG) phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tuy bị đình chỉ điều tra bị can, nhưng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã rà soát và áp dụng các biện pháp đối với tài sản của 3 cá nhân này. Đối với Nguyễn Phương Hồng, đã kê biên 2,5 triệu cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, ngăn chặn giao dịch tài khoản ngân hàng. Hay đối với Nguyễn Tiến Thành, ngăn chặn giao dịch 8,7 triệu cổ phần, ngăn chặn giao dịch tài khoản ngân hàng... và Nguyễn Ngọc Dương đã ngăn chặn giao dịch tài khoản ngân hàng, ngoài ra quá trình giải quyết vụ việc Nguyễn Ngọc Dương chết, Công an đã thu giữ 216 miếng kim loại màu vàng, 6 sổ tiết kiệm đứng tên ông Dương với giá trị 132 tỉ đồng, cùng nhiều giấy tờ liên quan đến nhà đất tại TPHCM và Long An. Cơ quan điều tra làm việc với người nhà của 3 cá nhân này, gia đình đều đồng ý duy trì biện pháp đối với tài sản nêu trên và chuyển cho Tòa án quyết định.
Bảo vệ an ninh trật tự phiên tòa vụ đại án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Trong những trường hợp chưa có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự, có hơn 2.000 nhân viên bán hàng thuộc 239 chi nhánh Ngân hàng SCB trên toàn quốc. Qua kiểm tra nội dung tài liệu tập huấn, cũng như các kế hoạch, chương trình triển khai công tác tư vấn, bán hàng của Ngân hàng SCB, thấy nội dung tài liệu tập huấn, tư vấn là chính thống, đúng quy định pháp luật, chưa thấy có dấu hiệu của việc tư vấn, đào tạo những nội dung sai sự thật nhằm lừa đảo, dẫn dụ khách hàng mua trái phiếu để chiếm đoạt. Mặt khác, kết quả điều tra xác định những nhân viên thuộc Hội sở Ngân hàng SCB trực tiếp tham gia vào việc đề xuất, phê duyệt chủ trương hợp tác với Công ty Chứng khoán TVSI, xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn và hơn 2.000 nhân viên bán hàng thuộc 239 chi nhánh Ngân hàng SCB trên toàn quốc chỉ thực hiện công việc theo quy trình làm việc của Ngân hàng SCB và nhiệm vụ được phân công, không được thông báo hoặc tham gia họp bàn về chủ trương, mục đích phát hành trái phiếu, không tham gia vào chuỗi các hành vi gian dối, lừa đảo của các đối tượng trong giai đoạn tạo lập trái phiếu khống, cũng như không được hưởng lợi ích vật chất gì, là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của cấp trên, nên chưa có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự.
(Còn tiếp...)
(CATP) Như đề cập ở bài trước, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm dùng thủ thuật "Giải quỹ” để rút tiền thật từ ngân hàng. "Chiêu thức" này nhằm cắt đứt dòng tiền, che giấu mục đích sử dụng tiền, cũng như thủ thuật các dòng tiền "khống" tạo lập trái chủ... lập 25 gói trái phiếu "khống" bán cho hàng chục ngàn nhà đầu tư, sau đó dùng các thủ đoạn khác để chiếm đoạt.