Toàn cảnh điều tra vụ đại án Vạn Thịnh Phát - Giai đoạn 2

Kỳ 3: Chạy dòng tiền "khống" tạo lập trái phiếu "khống" bán cho nhà đầu tư

Thứ Tư, 12/06/2024 15:45

|

(CATP) Như đề cập ở bài trước, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm dùng thủ thuật "Giải quỹ” để rút tiền thật từ ngân hàng. "Chiêu thức" này nhằm cắt đứt dòng tiền, che giấu mục đích sử dụng tiền, cũng như thủ thuật các dòng tiền "khống" tạo lập trái chủ... lập 25 gói trái phiếu "khống" bán cho hàng chục ngàn nhà đầu tư, sau đó dùng các thủ đoạn khác để chiếm đoạt.

Trương Mỹ Lan ra chủ trương… "lừa đảo"

Theo điều tra và các chứng cứ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, năm 2018, Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (viết tắt Tập đoàn VTP) ra chủ trương, họp bàn với các nhân sự cấp cao của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB), Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và Tập đoàn VTP để lựa chọn Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (Công ty An Đông) phát hành trái phiếu với giá trị từ 10.000 - 15.000 tỉ đồng, lựa chọn 5 công ty trái chủ sơ cấp là VIPD, VN GROUP, DUC, Tập đoàn Đầu tư VTP, WMC và 1 công ty đối tác là SPG, lên phương án dòng tiền "khống" tại Ngân hàng SCB để hợp thức tư cách trái chủ sơ cấp và mục đích phát hành trái phiếu, từ đó tạo lập các gói trái phiếu "khống" để bán cho nhà đầu tư. Sau đó, trên cơ sở đề xuất của Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Trương Mỹ Lan tiếp tục cho sử dụng Công ty An Đông, Công ty Sunny World, Công ty Quang Thuận và Công ty Setra để phát hành trái phiếu "khống", không có tài sản bảo đảm. Tổng cộng, 4 công ty đã phát hành 25 gói trái phiếu "khống" cho hàng chục ngàn nhà đầu tư, với số tiền hiện nay bị lừa đảo chiếm đoạt lên đến hơn 30 ngàn tỉ đồng.

Trong đó, các đối tượng đã "xử lý kỹ thuật" với kiểm toán nhằm sửa báo cáo tài chính và điều chỉnh kết quả kiểm toán để đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định. Trên cơ sở họp bàn, các tổ chức phát hành thuộc Tập đoàn VTP ký kết hợp đồng tư vấn, phát hành trái phiếu với Công ty Chứng khoán TVSI nhằm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, công bố thông tin phát hành trái phiếu và thực hiện chức năng đại diện tổ chức phát hành ký kết hợp đồng mua/bán, chuyển nhượng với các trái chủ thứ cấp (người dân) theo quy định pháp luật, giúp các công ty thuộc Tập đoàn VTP phát hành sản phẩm tài chính là các gói trái phiếu và báo cáo Bộ Tài chính (Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính), Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Trương Mỹ Lan bị tuyên tử hình tại phiên tòa xét xử vụ án (giai đoạn 1) 

Để lách quy định, các đối tượng lên phương án lập, ký kết các hợp đồng kinh tế "khống" (mua bán cổ phần, trái phiếu, vay tiền) giữa các tổ chức phát hành với các trái chủ sơ cấp, các công ty đối tác và cá nhân được thuê ký "khống" nhằm hợp thức mục đích phát hành trái phiếu là dùng tiền vốn trái phiếu đầu tư các dự án sinh lời; lập, ký "khống" các chứng từ giao dịch, như nộp, rút tiền mặt, chuyển khoản. Các đối tượng hoạch toán "khống" giao dịch trên hệ thống Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành trong cùng một ngày sao cho cân đối sổ quỹ tiền mặt, nhằm tạo nguồn tiền hơn 30.869 tỉ đồng cho các trái chủ sơ cấp chuyển tiền cho 4 tổ chức phát hành để mua toàn bộ 308.691.388 trái phiếu, hợp pháp hóa tư cách trái chủ sơ cấp, từ đó hoàn thành việc tạo lập 25 gói trái phiếu "khống" và bán ra cho hàng ngàn nhà đầu tư cá nhân, tổ chức (trái chủ thứ cấp). Trong đó, các gói trái phiếu Công ty An Đông, Quang Thuận và Setra đã thông qua Công ty Chứng khoán TVSI - Đại diện tổ chức phát hành, trực tiếp ký hợp đồng bán trái phiếu và thu tiền từ hàng ngàn nhà đầu tư; gói trái phiếu Sunny World được chuyển nhượng cho một ngân hàng để đầu tư, bán ra thị trường.

Với vai trò là Tổng Giám đốc, điều hành chung hoạt động của Ngân hàng SCB, bị can Võ Tấn Hoàng Văn đã trực tiếp chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ bán hàng của Ngân hàng SCB xây dựng phương án đào tạo hơn 2.000 nhân viên bán hàng tại 239 chi nhánh Ngân hàng SCB trên toàn quốc về sản phẩm trái phiếu và tư vấn, tiếp thị, mời chào khách hàng mua sản phẩm trái phiếu.

Dòng tiền "khống"

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, với kết quả điều tra xác định, toàn bộ các giao dịch nộp/rút tiền mặt/chuyển tiền tại Ngân hàng SCB liên quan đến dòng tiền hơn 30.869 tỉ đồng nêu trên đều là "khống", không có tiền mặt nộp/rút thực tế mà chỉ đi lệch dòng tiền để cân đối sổ quỹ tiền mặt hàng ngày tại Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành. Theo phương thức đi lệch, cá nhân ký nộp tiền mặt vào tài khoản trái chủ sơ cấp để cho vay, góp vốn. Trái chủ sơ cấp chuyển tiền đến tổ chức phát hành để mua sơ cấp toàn bộ 308.691.388 trái phiếu. Tổ chức phát hành chuyển tiền đến công ty đối tác để đầu tư thực hiện dự án sinh lời. Công ty đối tác (có thể tiếp tục chuyển tiền cho đối tác trung gian) chuyển tiền cho các cá nhân theo hợp đồng "hứa chuyển nhượng cổ phần" và các cá nhân ký chứng từ rút tiền, hoàn tất dòng tiền "khống".

Thông qua các hợp đồng hợp tác, mua bán trái phiếu, cổ phần, các đối tượng thao túng, sử dụng hệ thống, nguồn lực, nhân sự, quy trình làm việc của Công ty Chứng khoán TVSI và Ngân hàng SCB làm công cụ để bán sản phẩm trái phiếu đến người dân và thu tiền về, sử dụng hết tiền vốn trái phiếu vào các mục đích khác, không đúng mục đích theo phương án phát hành. Như vậy, đã vi phạm Nghị định của Chính phủ; Nguyên tắc phát hành trái phiếu; Trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành; Nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp; Trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Võ Tấn Hoàng Văn chỉ đạo tiếp thị, mời chào bán trái phiếu

Giữa Ngân hàng SCB và Công ty Chứng khoán TVSI ký kết các hợp đồng hợp tác về việc Ngân hàng SCB hỗ trợ tìm kiếm, tư vấn, giới thiệu để khách hàng ký kết hợp đồng mua bán trái phiếu với Công ty Chứng khoán TVSI - Đại diện tổ chức phát hành. Sau khi khách hàng đồng ý mua trái phiếu và ký kết hợp đồng với Công ty Chứng khoán TVSI, dòng tiền huy động được từ hàng ngàn trái chủ như sau: Trái chủ chuyển tiền cho Công ty Chứng khoán TVSI để mua trái phiếu, Công ty Chứng khoán TVSI chuyển tiền cho các công ty trái chủ sơ cấp hoặc các công ty mua lại trái phiếu từ trái chủ sơ cấp, các công ty chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức trả tiền cho vay, mua cổ phần và các cá nhân rút tiền... Toàn bộ việc sử dụng tiền trái phiếu đã được các đối tượng ghi chép, theo dõi với cách đặt tên là "Bond WMC", "Bond VTP", "Bond VNG", "Bond VIPD", "Bond SETRA", "Bond Sunny"... đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an thu thập theo quy định của pháp luật.

Công an TPHCM bảo vệ trật tự an toàn suốt phiên tòa Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1)

Thủ đoạn rút tiền

Như vậy, sau khi Công ty Chứng khoán TVSI chuyển tiền về, các đối tượng đã thực hiện giao dịch rút tiền để sử dụng tại Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành bằng 2 phương thức. Đó là thủ đoạn rút tiền mặt trực tiếp, đưa xuống hầm giao cho Bùi Văn Dũng là lái xe của Trương Mỹ Lan chở về nhà riêng hoặc điểm đến chỉ định, ngoài ra có thể đưa trực tiếp cho Nguyễn Phương Hồng là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB nhận hoặc một số cá nhân mà Nguyễn Phương Hồng yêu cầu giao trực tiếp tại chi nhánh. Phương thức, thủ đoạn thứ hai là cho các cá nhân được thuê đứng tên ký chứng từ rút tiền mặt, nộp tiền mặt vào các tài khoản chỉ định, sau đó tiếp tục đi lệnh chuyển tiền vào các tài khoản để sử dụng cho các mục đích, như trả nợ khoản vay, thanh toán thẻ tín dụng, chuyển tiền cho các công ty, cá nhân cụ thể... (không rút/nộp tiền mặt thực tế mà chỉ đứng tên ký chứng từ rút/nộp tiền).

Bằng 2 phương thức, thủ đoạn nêu trên, các đối tượng đã che giấu được dòng tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu cũng như những tổ chức, cá nhân hoặc tài khoản được thụ hưởng tiền bán trái phiếu. Như vậy, với chuỗi hành vi, thủ đoạn liên tiếp nêu trên, các đối tượng đã hoàn thành hành vi gian dối trong hoạt động phát hành 25 gói trái phiếu "khống" của Công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra, bán cho nhà đầu tư, thu về tổng số tiền hơn 30.869 tỉ đồng để sử dụng, đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỉ đồng của 35.824 trái chủ và không có khả năng thu hồi. Đây là hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đã hoàn thành kể từ khi các công ty trái chủ sơ cấp nhận được tiền bán trái phiếu cho các nhà đầu tư thứ cấp.

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để lừa bằng chiêu lãi suất cao
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang