Chuyện ly kỳ sau vụ bắt cóc:

Kỳ 2: Chặng đời lưu lạc gian nan của cô bé H.

Thứ Tư, 19/06/2024 11:58

|

(CATP) Khác với lời hứa ban đầu, Sáu Tý (tên ông già "bắt cóc" bé H.) là chủ một gia đình nghèo khổ, có 6 đứa con. Sáu Tý nuôi H. được vài tháng rồi cho một người cùng xã tên Nguyễn Thủ nuôi. Ông Thủ và vợ là bà Loan vốn không con, xin được đứa con nuôi 7 tháng tuổi, cần H. về chăm nom đứa nhỏ ấy. Bà Loan thương H., cho đi học. Riêng ông Thủ thường la mắng H.

Quãng đời nghèo khó

Bé H. học đến lớp 3, chơi thân với đứa bạn tên Hiền trong lớp. Biết H. không cha, không mẹ, đang sống nửa ở đợ, nửa con nuôi nên Hiền thương lắm, có củ khoai, lóng mía đều dành phần cho bạn. Một hôm, Hiền về xin ba cho H. được về nhà mình ở. Ba Hiền đồng ý. Hiền vui mừng đến lớp đón H. về. Nhà Hiền nghèo, có ba chị em, nay thêm H. nữa nên gia đình phải bữa đói, bữa no. Cha mẹ Hiền rất thương H. và thời gian đầu Hiền cũng rất thương cô bạn nhỏ bơ vơ, nhưng lần hồi cái nghèo đã làm Hiền đối xử với H. khác hơn. Cô bé H. khi ấy đã 15 tuổi, biết tự ái nên không ở nhà Hiền nữa mà đi ở mướn cho các gia đình quanh xóm. Ở mướn có tự do hơn, nhưng nỗi thèm khác một mái ấm gia đình đã kéo H. trở về với gia đình ông Thủ.

Năm 17 tuổi, H. được một ông già ở cùng xã Phú Lập (huyện Tân Phú, Đồng Nai) đưa về nuôi. Ông ta thương H., nhưng người con dâu trong nhà sợ H. chia phần thừa kế gia sản nên thường tìm cách hành hạ cô bé. Một lần bị chị ta vu cáo ăn cắp băng cassette nên H. bị đuổi khỏi nhà. Người con gái ruột của chủ dẫn H. đến TPHCM, giới thiệu ở mướn cho một gia đình gần Bến xe Miền Đông. Đây là những ngày cực khổ nhất của H. Hàng ngày, cô bé phải làm việc quần quật từ 3 giờ sáng đến 22 - 23 giờ đêm, chỗ ngủ đặt sát chuồng heo, lõng bõng nước, hôi hám và ước sũng mỗi khi mưa dột. Bà chủ nhà dáng "hộ pháp" thích dùng nắm tay to lớn, cứng như sắt nện lên đầu H. mỗi khi phật lòng. Còn ông chủ hiền lành hơn, thấy vậy khuyên H. nên tìm chỗ khác làm vì: "Ở đây rủi bả nóng đánh mày chết, mệt thêm!".

Cô bé H. đổi chỗ làm thuê. Chủ mới thấy cô đã 18 tuổi, yêu cầu có giấy tờ tùy thân. H. lại trở về xã Phú Lập. Sau khi nghe H. trình bày hoàn cảnh, bà Chủ tịch Hội Phụ nữ xã là Lê Thị Tố Huệ bỏ công dắt H. về lại Nhà trẻ mồ côi Thủ Đức, dự định xin lại những giấy tờ cần thiết cho cô gái. Tại đây, do hiểu lầm mục đích nên bảo vệ lại chỉ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong lúc mệt mỏi vì chuyện thủ tục hành chính, H. chợt nhớ đến bà Huỳnh Ngọc Mỹ vốn là Giám đốc Nhà trẻ mồ côi Thủ Đức trước kia và là mẹ nuôi của H. lúc chưa bị "bắt cóc".

Bà Huỳnh Ngọc Mỹ (bìa phải) cùng chị K và cô bé H. ngày đoàn tụ 29/9/1994

May mắn đến bất ngờ

Bà Ngọc Mỹ từ khi chứng kiến sự hy vọng và thất vọng của người phụ nữ trẻ tìm con, lòng bà không nguôi ân hận. Với vai trò Giám đốc Nhà trẻ mồ côi Thủ Đức khi ấy, bà tự thấy mình có trách nhiệm đối với sự mất tích của bé H. Cảnh người mẹ run rẩy vuốt ve bức ảnh đứa con thất lạc sau 13 năm (1976 - 1989), chờ đợi nghe tin con, ngất xỉu khi hy vọng vừa lóe lên đã bị dập tắt... ám ảnh bà cho đến những năm về hưu. Được gặp H. trọn vẹn hình hài vào trưa 15/9/1994, bà Ngọc Mỹ không kiềm được nước mắt. Bộ hồ sơ về cháu H. và lá thư của mẹ cháu vẫn luôn được bà nâng niu với hy vọng một ngày nào đó H. sẽ trở về với gia đình! Chính vì vậy bà mừng rỡ giữ luôn cháu H. trong nhà như nuôi dưỡng một hy vọng nhân đạo, một cách chuộc lại lỗi lầm mà mình đã gián tiếp gây ra!

Ngay hôm sau, bà Ngọc Mỹ chuyển bộ hồ sơ đó cho Báo Công an TPHCM. Sau khi xác minh, Báo Công an TPHCM đăng bài thông tin tiếp về sự việc. Nhờ số lượng phát hành rất lớn (khoảng 700.000 tờ/kỳ) nên sau bài báo đầu tiên, ông Sáu Tý - người "bắt cóc" cháu H. đã lộ diện (chúng tôi sẽ nói ở phần sau).

Sống với gia đình "má Hai" (bà Ngọc Mỹ), H. được mọi người trong nhà thương, được mặc những bộ quần áo lành lặn, sạch sẽ, được ăn những món ăn ngon. Nhưng với thói quen của một cô bé quen nhọc nhằn, lao khổ, cô vẫn thích ăn cơm với muối ớt - món ăn "chủ lực" của thời ấu thơ, thích dậy sớm làm việc nhà... Sau những năm tháng lưu lạc nếm đủ cay đắng cuộc đời, ngoài yêu thích lao động, ham học, H. vẫn giữ được tấm lòng nhân hậu. Khi mọi người căm tức, đòi thưa ông Sáu Tý - người đã "bắt cóc" và gây xáo trộn cuộc đời H., cô can ngăn:

- Thông cảm cho ông Sáu. Ổng già rồi, lại nghèo khổ lắm, cho ổng khổ thêm làm gì...

Mọi người trong nhà "má Hai" thắc mắc về mái đầu không còn tóc của H., cô chỉ im lặng lắc đầu. Cho đến một hôm, cô nói thật:

- Thân gái đơn độc, phải ở đợ tứ phương, con phải làm cho người ta thấy mình xấu xí. Nếu con mà đẹp chắc không còn lành lặn đến hôm nay...

19 giờ ngày 29/9/1994, sau kỳ đầu đăng trên Báo Công an TPHCM, gia đình H. đã tìm lại được đứa con bất hạnh lưu lạc 18 năm qua của mình. Vì những khúc mắc phức tạp trong nội bộ gia đình nên cuộc đoàn tụ diễn ra im lặng, kín đáo. H. vừa vui vừa buồn, bỡ ngỡ bước vào một căn nhà đầy đủ tiện nghi, bước vào sự chờ đợi khắc khoải, những dày vò, ray rứt và cả sự ngạc nhiên vô hạn của ông bà, chú, bác, anh em... Mỗi người trong gia đình nhìn H. với một ý nghĩ khác nhau. Mong rằng kể từ nay cái tên H. không còn là sự mỉa mai của số phận dành cho một chặng đời quá đỗi gian truân!

Kỳ cuối của loạt bài được Báo Công an TPHCM đăng về vụ "bắt cóc" năm 1994

Trước khi chia tay với chúng tôi, H. vui vẻ nói:

- Con sẽ đi học lại. Thời buổi văn minh không có chữ không làm được việc gì.

Ngoài trời mưa rơi rơi, lần đầu tiên trong đời H. được trú mưa dưới một mái ấm gia đình của mình thật sự.

Trở lại vụ "bắt cóc"

Khoảng tháng 10/1986, lúc đang ở vùng kinh tế mới, ông Sáu Tý bị bệnh sán móc, có đến TPHCM điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức. Ông mang theo một đứa con trai 3 tuổi tên Cu Nam để lúc đau ốm đỡ cô quạnh. Cu Nam thường đến chơi với các em khác của Nhà trẻ mồ côi Thủ Đức đang điều trị bệnh quai bị ở phòng bên và thân với bé H. Lúc ông Sáu Tý xuất viện, do quyến luyến với Cu Nam nên H. xin ông được theo cùng. Biết H. là trẻ mồ côi nên ông đồng ý cho đi theo về quê. Do đã có nhiều con nên ông nuôi H. được thời gian ngắn rồi mời đại diện ấp và bà con đến làm chứng để cho H. làm con nuôi của vợ chồng ông Thủ - bà Loan. Thấm thoát 8 năm trôi qua, H. trưởng thành trong gian truân, khó nhọc. Ông Sáu Tý cũng như bà con trong ấp cũng quên dần lý do xuất hiện cô bé mồ côi ở cái vùng quê nắng bụi, mưa bùn, xa xôi hẻo lánh này. Cho đến một hôm, bà con trong ấp xôn xao vì một tin lạ. Ông Sáu Tý đang ở trong rẫy, nghe con vào thông báo:

- Cha ơi, ngoài xóm đồn cha là "mẹ mìn" chuyên bắt cóc trẻ con!

Ông Sáu Tý bán tín bán nghi, vội vã bỏ rẫy trở về. Dọc đường gặp những người quen, ông thấy họ nhìn mình chằm chằm, e ngại, khác với sự vồn vã vốn có xưa nay. Ông mơ hồ nhận ra một điều gì đó có can hệ đến mình. Đến 11 giờ ngày 07/10/1994, một thanh niên trạc 27 - 28 tuổi, cao, gầy, xộc vào nhà ông Sáu Tý, nhìn ông trừng trừng. Nhận ra đó là anh Nguyễn Bảy (người ở Miền Trung vào làm mướn trong rẫy lâu nay), ông Sáu Tý hỏi:

- Mày đó hả Bảy? Ngồi uống nước đi con!

Bảy nhún vai, trả lời cộc lốc:

- Không cần!

Thái độ giận dữ của cậu ta làm ông Sáu Tý chợt nhớ đến trước đây mọi người thường vui miệng cặp đôi "nhỏ H." với Bảy. Do cô bé H. không chịu nên hay cự lại Bảy nên ông Sáu Tý thường đứng về phía H. và phê phán cậu ta: "Thằng này lớn rồi mà hay giỡn với con nít!". Có lẽ vì chuyện đó mà nay Bảy hậm hực với ông chăng?

- Dân ở đây nhiều người đọc Báo Công an TPHCM nên biết chuyện ông bắt cóc con H. Ông đã vi phạm pháp luật mà không hề biết. Bà con rất căm ghét "mẹ mìn", nên tốt nhất là ông ra công an đầu thú và nhờ che chở... - Bảy nghiêm giọng nói.

Ông Sáu Tý chẳng kịp suy nghĩ thêm, chạy luôn ra trụ sở Công an xã. Tại đây, ông đã viết đơn xin đầu thú. 4 giờ sáng hôm sau, ông lặng lẽ đi khỏi địa phương đến TPHCM. Do không chuẩn bị kịp tiền bạc nên ông phải xin đi xe nhờ từng chặng và ngủ trên đường hết hai đêm. Ngày thứ ba, ông mới đến tòa soạn Báo Công an TPHCM với vẻ mặt phờ phạc, lo âu. Sau khi đưa đơn xin đầu thú, ông trình bày:

- Quả thật là hồi đó tôi chỉ thấy cháu H. mồ côi, đáng thương nên cho đi theo, chứ không có dụng ý bắt cóc. Nay tôi biết lỗi của mình nên tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chỉ mong bà con trong xã đừng nghĩ xấu và trừng trị tôi...

Sau khi được Ban Biên tập Báo Công an TPHCM an ủi, động viên và giúp cho 200 ngàn đồng (thời điểm năm 1994 gần bằng nửa chỉ vàng) về xe, ông Sáu Tý xúc động nói:

- Là một sĩ quan chế độ cũ học tập cải tạo về, lúc đến tòa soạn, tôi nghĩ là sẽ bị các anh gọi điện báo cảnh sát hình sự đến bắt tôi nên tôi nói luôn nguyện vọng muốn ở tù của mình để được coi là thành khẩn khai báo. Thật bất ngờ khi tôi không bị trừng phạt mà còn được an ủi, được cho tiền, được hứa giúp đỡ giải tỏa buồn phiền...

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Nỗi niềm của người mẹ mất con
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang