Cửa ải dẫn độ trên con đường thực thi công lý:

Kỳ 2: "Bill Gate" của nước Anh chiến thắng trên đất Mỹ

Thứ Ba, 11/06/2024 15:20

|

(CATP) Ngày 06/6/2024, sau khi được Tòa án Mỹ tuyên bố không đủ chứng cứ kết tội trước cáo buộc chỉ đạo việc làm giả tài liệu để "thổi" giá bán Công ty Autonomy của mình vào năm 2011, Tiến sĩ - doanh nhân Mike Lynch, người sáng lập các công ty công nghệ thông tin nổi tiếng như Autonomy, Invoke Capital, Darktrace tuyên bố ông sẽ đấu tranh để xem xét lại thỏa thuận dẫn độ thiếu công bằng giữa 2 quốc gia Anh - Mỹ.

Thương vụ "đầu xuôi, đuôi không lọt"

Vào tháng 5/2023, phía Anh đồng ý việc dẫn độ công dân Mike Lynch sang Mỹ để trở thành bị cáo trong 1 vụ án mà Mike Lynch bị các công tố viên Mỹ cáo buộc là chủ mưu "vụ lừa đảo đa tầng kéo dài nhiều năm" trong quá trình bán Công ty phân tích dữ liệu Autonomy do ông đồng sáng lập vào năm 1996 cho Tập đoàn Hewlett Packard (HP) năm 2011. Giá bán khi thỏa thuận là 7 tỷ bảng Anh (khoảng 11,7 tỷ USD).

Thương vụ HP mua lại Autonomy được xếp vào danh mục 10 thương vụ mua bán sát nhập công ty đình đám nhất thế giới năm 2011. Việc mua lại Autonomy đã được HP đàm phán từ khi Giám đốc điều hành (CEO) Leo Apotheker còn nắm quyền, với mục đích cơ cấu lại hoạt động kinh doanh của hãng theo hướng bỏ "phần cứng" để tập trung hết cho "phần mềm". Sau khi Leo Apotheker ra đi, tân CEO của HP - bà Meg Whitman tiếp quản quá trình hoàn tất thương vụ Autonomy.

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau bà Meg lên tiếng rằng HP đã phát hiện những lỗi kế toán lớn liên quan đến việc mua lại Autonomy khiến họ thua lỗ 5 tỷ USD trong thương vụ này và Autonomy phải chịu trách nhiệm về khoản tiền trên. Theo phía HP, Autonomy đã cố tình tạo ra các lỗi kế toán để che giấu chi phí thực tế. Chẳng hạn, trong một số trường hợp, Autonomy bán phần cứng với giá thua lỗ 10%, nhưng lại ghi vào sổ kế toán là doanh số phần mềm. Phía HP đã báo cáo phát hiện kế toán sai lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) và Cơ quan điều tra gian lận nghiêm trọng (SFO) của Anh, đồng thời cho biết sẽ khởi kiện để thu hồi tiền lại cho cổ đông.

Mike Lynch

Về phần mình, Mike phản bác rằng việc mua bán Autonomy đã được Hội đồng quản trị của HP - trong đó có bà Meg Whitman - thông qua; trước đó các công ty kiểm toán được thuê, gồm Deloitte và KPMG, đã thẩm định Autonomy mà không đưa ra cảnh báo nào; chưa kể trong thương vụ này có sự tư vấn của Frank Quattrone - nhà môi giới công nghệ nổi tiếng nhất, cùng với các ngân hàng như Goldman Sachs, UBS, Citibank, JPMorgan và Bank of America. Mike cho rằng, HP tung vụ này ra chỉ nhằm khiến dư luận không chú ý tới kết quả kinh doanh "tồi tệ nhất trong lịch sử 70 năm" của họ. Theo ông, HP đã nhờ hàng trăm chuyên gia thẩm định vụ mua lại, sau đó điều hành nó cả năm trời, không lý gì lại không thể phát hiện sai lầm lớn như vậy sớm hơn.

Năm 2015, Văn phòng SFO của Anh đã kết thúc cuộc điều tra bắt đầu vào năm 2013 về việc bán Autonomy và tuyên bố "đối với một số khía cạnh của các cáo buộc, SFO đã kết luận dựa trên thông tin có sẵn, không có đủ bằng chứng cho triển vọng kết án thực tế", phần còn lại là việc của phía Mỹ.

Chiến thuật "vào hang bắt cọp" của Mike Lynch

Năm 2018, Sushovan Hussain - Giám đốc tài chính của Mike tại Autonomy - bị kết tội lừa đảo ở Mỹ vì vai trò của ông trong vụ mua bán công ty này. Nhiều tháng sau, chính Mike cũng bị truy tố hình sự với cáo buộc chủ mưu thổi phồng doanh thu của Autonomy để lừa HP trả quá nhiều tiền khi mua. Hành động từ phía Mỹ buộc Mike phải rời khỏi Hội đồng quản trị của Darktrace, Hội đồng Khoa học của Chính phủ Anh và các ủy ban của Hội Khoa học Hoàng gia.

Kể từ đó trở đi, Mike đã chiến đấu cùng lúc trên cả 2 mặt trận. Ngoài việc cố gắng minh oan cho mình trước những cáo buộc gian lận, ông còn trở thành người chỉ trích mạnh mẽ bộ máy tư pháp Mỹ. Không giống như Hussain, Mike đã từ chối đến San Francisco để tham dự các phiên điều trần, buộc Chính phủ Mỹ phải tiến hành thủ tục dẫn độ vào năm 2019. Mike cũng đã không thành công trong việc chống dẫn độ, đỉnh điểm là việc Bộ trưởng Nội vụ khi đó là Priti Patel ra lệnh chuyển ông sang Mỹ vào năm 2022.

Mike cuối cùng cũng đến đất Mỹ vào tháng 5/2023, bỏ lại 2 đứa con gái đang tuổi đi học. Ông buộc phải đeo thẻ ở mắt cá chân và bị an ninh vũ trang theo dõi trong những trường hợp hiếm hoi được phép rời khỏi căn hộ ở San Francisco của mình. Ông cũng bị buộc phải đóng tiền bảo lãnh 50 triệu USD.

Trong thời gian chuẩn bị cho phiên tòa, Mike phải đối mặt với hàng loạt trở ngại về pháp lý. Chẳng hạn ông bị từ chối cung cấp dữ liệu về Autonomy sau khi HP mua lại - nhờ những dữ liệu này, Mike có thể làm sáng tỏ những bất cập trong việc HP quản lý Autonomy sau khi mua lại nó.

Những ngày cuối cùng của phiên tòa kéo dài 11 tuần, chính Mike đã đứng ra tranh biện. Ông nói trước tòa: "Vai trò của tôi luôn là tầm nhìn về công nghệ. Tôi không phải là kế toán. Tôi không tham gia vào các quyết định kế toán và tôi không phải là nhân viên bán hàng... Tôi có thể viết mã khá tốt, ngay cả bây giờ, nhưng tôi không thể bán kẹo bơ cứng".

Cuối cùng, tòa đã bị thuyết phục và tuyên bố không đủ bằng chứng để kết Mike Lynch vào 15 tội lừa đảo, gian dối với mức án phạt 25 năm tù. Hơn thế, Mike Lynch có kế hoạch thuyết phục các bộ trưởng cải cách hiệp ước dẫn độ giữa Anh với Mỹ - bản hiệp ước được coi là một chiều với Mỹ, được Chính phủ đảng Lao động của ông Tony Blair khi ấy đồng ý vào năm 2003. Theo quy định của hiệp ước này, việc dẫn độ công dân Anh sang Mỹ dễ dàng hơn nhiều so với việc Anh dẫn độ người Mỹ về xét xử ở nước mình.

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Nữ sinh viên Nhật bị người tình Chile sát hại trên đất Pháp
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang