Hồi 23 giờ ngày 11/11/1976... Cơn đau dữ dội chụp lên thân thể chị. Chị bứt xé, kêu gào trong hoảng loạn, mê man. Cơn đau như một con quỷ tàn ác tiếp tục bấu vào bụng, vào tim chị, tăng cường độ hành hạ cơ thể chị cho đến lúc chị kiệt sức, buông thõng, ngất lịm...
Vừa sinh ra đã xa mẹ
Tỉnh lại, chị thấy người nhẹ nhõm, bàng hoàng như vừa ra khỏi cơn mê. Tiếng trẻ con oe oe khóc bên cạnh làm chị giật mình. Chị sực nhớ ra bây giờ mình đã làm mẹ. Chị quay lại phía con, đó là một bé gái gầy nhỏ. Chị cầm những ngón tay nhỏ xíu, hồng hồng mới dễ thương làm sao! Bé vẫn oe oe khóc, chị cố dành chút sức lực còn lại sau cơn vượt cạn để vuốt ve, ru dỗ con, nhưng nó vẫn không nín. Tiếng khóc dai dẳng thống thiết như xoáy vào tim, óc chị. Chị xót xa nhìn con, bất lực! Chị vuốt ve cái đầu bé xíu của nó, chợt phát hiện nơi thái dương con có cục máu bầm. Tìm ra nguyên nhân gây đau đớn cho con, chị hốt hoảng gọi y tá. Một cô y tá bước vào, nghe chị trình bày chưa hết câu, cô lật đật bồng bé đi nhanh về khu dưỡng nhi để chăm sóc đặc biệt. Lúc đó là 5 giờ 5 ngày 12/11/1976...
Hôm sau, sức khỏe đã khá hơn, chị lần mò lên lầu thăm con. Các nhân viên bệnh viện ngăn chị lại. Họ giải thích: "Mới sinh, leo lầu dễ sa dạ con...". Chị khóc như mưa. Từ hôm đó, vì lý do sức khỏe, chị bị cách ly khỏi con mình. Chị khóc rất nhiều, nhưng bệnh viện rút kinh nghiệm lần trước và không cho chị lên thăm con nữa. Một tuần lễ sau, chị được xuất viện trước, trong khi đứa bé sức khỏe ngày càng xấu, được nuôi trong lồng kính. Bệnh viện hẹn chị một tháng sau quay lại đón con về.
Bức thư kể nỗi niềm mất con của chị K.
Trở về nhà, nỗi thương nhớ con làm chị đau đớn khôn nguôi. Ngực chị căng sữa, nhức nhối, chị nhớ đến bàn tay với những ngón nhỏ xíu hồng hồng của con. Nhớ đến vệt bầm tàn nhẫn nơi thái dương đang hành hạ con, chị khao khát được thấy, được vuốt ve, ôm ấp con, được dành cho con dòng sữa đầu đời đang căng trào trên ngực. Ngày tháng trôi qua chậm chạp trong chờ đợi, thương nhớ vô bờ của chị. Đến ngày hẹn với Bệnh viện Từ Dũ, chị càng héo hắt. Mẹ và em gái chị phải thay chị lên đón cháu về. Hai người đi từ sáng sớm, chị ở nhà nơm nớp chờ đợi, đếm từng tiếng "kinh, kong" của chiếc đồng hồ già cỗi. Thế rồi mẹ và em gái chị đã về. Hai người phờ phạc với những đôi mắt như kẻ mất hồn. Mẹ chị nhìn chị trân trân rồi mệt mỏi lắc đầu: "...Họ nói cháu nó... chết rồi con ơi!". Chị ngã lăn, bất tỉnh.
Bất ngờ gặp… ân nhân!
12 năm đi qua như một giấc mơ, chị đã có thêm đứa con thứ hai - một đứa bé xinh đẹp, khỏe mạnh. Chị thường cảm ơn Trời, Phật đã cho mình một niềm an ủi lớn lao. Có ai hiểu rằng trong 12 năm đằng đẵng ấy, hình ảnh đứa con đầu lòng gần gũi chị trong giây phút ngắn ngủi đó là nỗi ám ảnh không thể phôi phai. Trong 12 năm đó chưa bao giờ chị được một lần vui thật sự. Tiếng khóc dai dẳng thống thiết của đứa con bất hạnh cứ vang mãi, vang mãi trong tiềm thức của chị. Thế rồi một ngày đẹp trời, định mệnh đã dẫn dắt chị gặp lại bà Nguyễn Thị H. - nữ y tá đã giúp đỡ chị trong lần sinh nở đầu tiên. Thấy bà, nỗi đau mất con của chị lại trào lên, chị khóc! Người y tá già hôm ấy đã báo cho chị một cái tin kinh khủng: Đứa con của chị vẫn còn sống! Bà kể, chị nghe như nuốt từng lời, như không dám tin đó là sự thật: "Thật ra cháu không chết. Chính tôi là người đã đặt tên cháu là Nguyễn Thị H. (lấy tên tôi) và đưa cháu lên cô nhi viện ở Gò Vấp...".
Cha chị - một cán bộ về hưu rất hiểu nỗi lòng của con gái. Ông đã cùng chị lặn lội tìm cháu ngoại khắp các cơ sở từ thiện đóng trên địa bàn Q.Gò Vấp, từ Hội Dục Anh, Hội người mù, Hội người già... Mỗi nơi, chị lại được người ta dành cho những cái nhìn cảm thông và những cái lắc đầu buồn bã. May mắn sao, một cô giáo ở Trường Mầm non Gò Vấp đã khẳng định mình từng chăm sóc cháu H. và chuyển cháu cho cô nhi viện ở Thủ Đức từ năm 1983. Chị cùng cha hấp tấp lên Thủ Đức...
Công văn ngày 27/3/1989 của Nhà trẻ mồ côi Thủ Đức gửi Báo Công an TPHCM và Báo Tuổi Trẻ, đề nghị tìm giúp cháu H. bị "mất tích"
Đến lớp Mầm non 1 (Nhà trẻ mồ côi Thủ Đức), nhìn các cháu đang nô giỡn, cảm giác ngộp thở đè nặng lên ngực chị, chị té xỉu. Khi hồi tỉnh, người ta đưa chị xem một xấp hình các cháu mồ côi của trường đang sinh hoạt, múa hát. Bằng một linh cảm không thể giải thích được của người mẹ, chị chỉ ngay tấm hình cháu bé mặc áo đầm đang ôm bó hoa múa trên sân khấu (ảnh chụp năm 1985). Mọi người xung quanh đều công nhận cháu bé có khuôn mặt giống chị, hồ sơ được lật ra để truy lại tiểu sử của bé và cái tên Nguyễn Thị H., số ký danh 209..., sinh ngày 11/11/1976 tại Bệnh viện Từ Dũ... xóa tan chút nghi ngờ còn sót lại trong mỗi người. Lúc đó là đầu năm 1989...
Tìm lại được con! Không ai có thể tả nổi sự sung sướng tột cùng của chị khi ấy. Chị vừa khóc vừa cười, đòi được gặp con ngay. Nhưng... một lần nữa định mệnh lại thò bàn tay độc ác vào tình mẫu tử thiêng liêng vô bờ của chị. Cách đấy hơn 3 năm, vào ngày 21/8/1986, cháu H. đã bị... bắt cóc! Chị lại chịu đau đớn lần thứ hai. Lần này, mức độ còn dữ dội hơn lần trước. Nhưng tình thương và hy vọng trong chị bùng lên mạnh mẽ. Chị đến Công an huyện Thủ Đức và cuộc tìm kiếm bước sang giai đoạn có sự hỗ trợ tích cực của ngành Công an. Suốt một năm trời đằng đẵng, đều đặn mỗi tuần, gia đình chị đều cử người đến Đội Cảnh sát hình sự - Công an huyện Thủ Đức chờ tin. Nhưng rồi thời gian cứ trôi, cứ trôi, lạnh lùng, tàn nhẫn trên sự trông mong, chờ đợi khổ sở của chị...
Vụ bắt cóc bí ẩn
Sau khi Báo Công an TPHCM phát hành kỳ báo số 428 (ngày 28/9/1994) có đăng bài viết về nỗi đau của chị K. - người mẹ đang khổ sở tìm đứa con bị thất lạc 18 năm trước, được sự giúp đỡ tích cực của Ban Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi đã có thêm tư liệu để làm sáng tỏ một số vấn đề. Theo đó, chị K. - thiếu phụ sinh ra bé H. vào năm 1976 là cô học trò 18 tuổi. Sau một lần lỡ dại với kẻ bạc tình, cô đã có con. Vì thể diện gia đình, cha mẹ cô đã dựng lên "màn kịch" đón cháu về rồi tuyên bố cháu đã chết (!), nhưng ông ngoại lại ký giấy đề nghị bệnh viện nuôi cháu giúp vì gia đình không có khả năng nuôi dưỡng.
Bài đầu trong loạt phóng sự điều tra tìm kiếm bé H. đăng trên Báo Công an TPHCM ngày 28/9/1994
Những năm ấy rất khó khăn, cán bộ, công nhân viên của bệnh viện phải đi xin sữa nuôi cháu suốt 3 tháng. Lúc cháu bé cứng cáp, họ mới chuyển đến cô nhi viện ở Gò Vấp, sau đó chuyển tiếp đến Nhà trẻ mồ côi Thủ Đức. Phần ông bà ngoại bé H., sau khi áp dụng biện pháp ích kỷ với con, cháu, đã ân hận khôn nguôi. May sao họ gặp được một nhân viên của Phòng Y vụ - Bệnh viện Từ Dũ và bắt đầu cuộc tìm kiếm cháu bé bất hạnh ấy. Vấn đề nhầm lẫn trẻ sơ sinh như người mẹ đã cung cấp cho phóng viên là không thể xảy ra, vì Bệnh viện Từ Dũ rất coi trọng việc quản lý, lưu giữ từng hồ sơ. Bộ hồ sơ ố vàng mà bệnh viện cho chúng tôi xem đã khẳng định điều đó.
Vụ bé H. bị "bắt cóc" diễn ra như sau: Năm 1986, một trận dịch đã làm đa số học sinh của Nhà trẻ mồ côi Thủ Đức bị sưng quai bị. Các em được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức để điều trị. Bé Nguyễn Thị H. khi đó 10 tuổi cùng chung cảnh ngộ như các em mồ côi khác, trong lòng H. luôn ao ước có một mái ấm gia đình. Một hôm đang chạy chơi trong bệnh viện, H. gặp một ông già khoảng 60 tuổi, gầy, cao, tóc muối tiêu. Biết H. là trẻ mồ côi, ông già thường tỏ vẻ âu yếm và hay cho quà H. Hôm ấy, ông già cho H. quả cam rồi vuốt tóc cháu, hỏi:
- Nhà ông sướng lắm, có tivi, tủ lạnh, nhiều đồ chơi. Con có muốn về ở với ông không?
H. gật đầu. Mấy hôm sau, khi H. đã khỏe hẳn, ông già cho người lén đưa H. trốn khỏi bệnh viện. Ông đưa bé H. về nhà mình ở xã Phú Lập (huyện Tân Phú, Đồng Nai).
(Còn tiếp...)