Ngán ngẩm với những trào lưu "câu view" quái đản

Chủ Nhật, 03/11/2024 09:46  | Hải Văn

|

(CATP) Bất chấp sức khỏe và những giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục, không ít TikToker, Youtuber… không ngần ngại đưa các "clip bẩn", quái đản lên mạng xã hội để "câu view", "câu like" khiến ai nấy đều ngán ngẫm.

Rùng mình mốt "ăn tươi nuốt sống"

Sau mốt "ăn thùng uống vại", không ít Youtuber, TikToker chuyển sang trào lưu "ăn tươi nuốt sống" hay còn gọi mukbang. Người thực hiện mukbang trực tiếp ăn uống thực phẩm tươi sống trước camera và tương tác với khán giả qua nền tảng trực tuyến. Trào lưu này bắt đầu phổ biến tại Hàn Quốc từ năm 2010, sau đó nhanh chóng trở thành "hiện tượng mạng" nở rộ khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ăn đồ sống vốn không còn xa lạ, nhưng khác với sashimi, tiết canh hay gỏi..., một số Youtuber, TikToker đã biến tấu mukbang thành những món ăn kinh dị không khác gì thời ăn lông ở lỗ. Một tài khoản có tên "duclay..." post lên mạng những clip gây sốc. Trong đó, nam thanh niên cầm con cá diêu hồng còn sống đưa lên miệng nhai rau ráu. Thịt cá chưa chín làm anh này nhăn mặt cạp từng miếng khó nhọc khiến nhiều người xem than trời. Hết ăn cá diêu hồng, anh ta chuyển sang nhai nguyên con cá nục còn tươi rói. Máu me, nội tạng từ cá tứa ra làm người xem buồn nôn.

Tài khoản "minhthu198..." chỉ trích gay gắt: "Bình thường, thịt, cá làm không kỹ, nấu chưa chín đã khó ăn rồi, đằng này ảnh cầm nguyên con cá sống bỏ vô nhiệm nhai nhồm nhoàm rồi lại khen ngon, sao có người quái đản vậy chứ? Nhìn ảnh ăn cũng thấy tội cho ảnh nhưng mà là tội chưa xử".

"Bắt pen" - trào lưu nguy hiểm cần lên án

Tài khoản có tên "hoangnamrv12..." còn đăng nhiều clip mukbang các loại thịt, cá sống ghê rợn hơn khiến ai nấy nổi da gà. Theo đó, nam thanh niên cầm con cá diêu hồng và tôm còn sống nhai sồn sột mà chẳng cần quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước đó, anh ta từng gây tranh cãi khi review cảnh mình ăn thịt heo, cá ngừ sống, trứng vịt lộn một cách ngon lành. Ớn lạnh nhất là màn anh ta cầm cả con cá trê được khứa từng khúc rồi đưa lên miệng cạp ngấu nghiến làm người xem rùng mình. Trong quá trình mukbang, anh này luôn miệng kêu gọi dân tình like, follow cho mình.

Tài khoản con tên "boyktk"... bức xúc: "Cá sông, cá ruộng vốn sống ở ao hồ, đầm lầy nước bẩn có nhiều ký sinh trùng. Việc "ăn tươi nuốt sống" không những mất vệ sinh, phản khoa học mà còn có nguy cơ nhiễm giun sán rất cao. Chỉ vì kiếm tiền mà bất chấp sức khỏe làm nhiều cái khó coi quá! Mọi người không nên follow cho những kiểu ăn tạp này, bởi như vậy chúng ta đang tiếp tay cho họ làm ra những clip có nội dung có hại".

Không chỉ cánh mày râu, nhiều nữ TikToker cũng đăng tải clip mukbang đồ sống thu hút người xem. Trên kênh "tocvang hoe..." thường xuyên đăng tải các clip ăn uống đồ tươi sống như: đuông dừa, óc heo, gỏi thịt bò, bạch tuộc... Mỗi lần mukbang, nữ chủ kênh dùng tay bốc từng cái óc heo còn máu, những con đuông dừa ngọ nguậy hay chiếc râu bạch tuộc ngoe nguẩy rồi bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến.

Tương tự, kênh TikTok có tên "SpicyK..." cũng thường xuyên thực hiện các clip ăn mực, bò, trứng, tôm, cá... sống. Những clip gây sốc này thu hút hàng triệu người theo dõi, kèm theo đó là những bình luận trái chiều. Tuy nhiên, đa phần bị cư dân mạng "ném đá”, khuyên chủ kênh dừng ngay trò "câu view", "câu like" rẻ tiền nếu không muốn rước họa vào thân.

Bên cạnh một số cá nhân còn có những người lợi dụng văn hóa ẩm thực vùng miền để thực hiện các clip ăn uống mất vệ sinh, phản khoa học. Tại kênh Sa Pa TV, để thực hiện món "cá nhảy Tây Bắc", một nhóm nam giới bắt cá ở ao, hồ bùn lầy rồi bắt cá còn sống ra ăn ngay trên bờ cùng với rau ráng, nước chấm. Nhiều con cá to bằng cổ tay đang bơi, nhảy đành đạch bị họ chộp lấy nhai, máu me bắn cả lên mặt trông phản cảm. Không chỉ ăn cá sống, những người này còn ăn nội tạng dê, bò, rết, cua sống... Trong lúc ăn, họ liên tục kêu gọi người xem bấm like và chia sẻ những clip kinh dị này.

Sau mốt "ăn thùng uống vại", trào lưu "ăn tươi nuốt sống" làm mưa làm gió trên mạng xã hội

Tài khoản "nuirungtaybac" cho biết: "Ở Tây Bắc, cá nhảy được xem là món đặc sản được nhiều người ưa thích. Thế nhưng món này được chế biến rất công phu. Cá được vớt từ vùng nước trong như cá sống ở sông, suối đầu nguồn. Cá làm món ăn là những loài cá bé. Sau khi vớt về, người ta nhốt trong nước sạch 2-3 ngày để cá nhả hết chất bẩn. Khi ăn, họ sử dụng nước cốt chanh, giấm để diệt khuẩn và ký sinh trùng. Cá được ăn kèm với rau rừng có tác dụng khử tanh và khử khuẩn. Không phải cứ bắt cá dưới ao hồ, đầm lầy lên bỏ vô miệng nhai rồi "gắn mác" đặc sản Tây Bắc là được. Làm như vậy xúc phạm văn hóa ẩm thực của bà con và tự rước họa vào thân".

Cũng vì bất chấp hậu quả để thực hiện mukbang hải sản sống kiếm tiền mà chủ tài khoản "yenmukbang..." nhận về cái kết đắng. Nữ TikToker cho biết, sau khi ăn đồ sống không lâu thì cô bị nhiễm giun sán, cổ nổi mụn, mình mẩy đầy mẩn ngứa khó chịu. Cô khuyên mọi người không nên vì kiếm tiền mà bất chấp dư luận lẫn sức khỏe bản thân.

Thiếu hiểu biết pháp luật

Bên cạnh nội dung "ăn tươi nuốt sống" còn những clip liên quan đến các khía cạnh khác trong xã hội như: ghen tuông, tiểu tam, bạo lực học đường, triết lý nhảm... với nội dung phản cảm, dị hợm, thiếu hiểu biết pháp luật, gây "ô nhiễm văn hóa" cộng đồng mạng.

Trong chủ đề liên quan đến giáo dục, một số TikToker tự nhập vai làm giáo viên, học sinh..., đôi bên trò chuyện bằng những câu phản giáo dục. Chẳng hạn, tại tài khoản H.H.O, một TikToker nhập vai giáo viên nói: "Nếu không thích học giờ của tôi thì đi ra ngoài, tui đâu có ép". Người nhập vai học sinh đáp: "Trời... Sao cô không nói sớm, em đi nha cô”. Giáo viên nói: "Đứa nào nói nhiều thì đi ra khỏi lớp cho tui". Học sinh đáp: "Dạ em mời cô ra khỏi lớp. Nãy giờ cô nói nhiều nhất". Giáo viên nói: "Anh chị có ngon thì lên đây giảng bài để tui xuống dưới làm học sinh cho". Học sinh đáp: "Em My (tên của giáo viên trong clip) xuống đây ngồi để tui lên giảng bài lẹ lên". Giáo viên dặn: "Không có hỏi bài nhau nha. Đoàn kết là chết hết". Học sinh trả lời: "Kệ. Chết một đống còn hơn sống một mình". Sau mỗi màn đối đáp cực gắt, giáo viên liền dành cho học sinh một cái tát nổ đôm đốp.

Gần đây, mạng xã hội TikTok xuất hiện trào lưu "bắt pen" - một trò mạo hiểm nhưng vẫn thu hút nhiều người, nhất là học sinh. Trong trò này, một người đứng yên để người khác dùng hai tay ấn mạnh vào động mạch cảnh ở cổ tạo cảm giác lâng lâng, lơ mơ và cuối cùng lịm đi. Ngày 14/10/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đưa ra cảnh báo về trào lưu nguy hiểm chết người này. Theo CDC Hà Nội, người bị "bắt pen" có thể đối mặt với hàng loạt nguy cơ ngưng tim, thiếu máu não, tổn thương não, đột quỵ..., thậm chí tử vong.

Đóng vai CSGT nhưng vô tư để lộ hình xăm

Theo PGS.TS Bùi Thị An (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII), các trào lưu trên đều thiếu chuẩn mực, đáng báo động. Do đó, bên cạnh tăng cường quản lý mạng xã hội, gia đình và nhà trường cần vào cuộc để ngăn chặn, kiểm soát và định hướng con em mình vào những việc bổ ích, có ý nghĩa, không nên đua đòi theo các trào lưu nguy hại.

Liên quan đến các vấn đề gia đình, xã hội, vừa qua, một nhóm thanh niên ở miền Tây liên tục đưa lên mạng xã hội nhiều clip ngắn liên quan đến những chuyện trong đời sống thường ngày ở vùng quê. Ban đầu, các clip nhận được nhiều lời khen của người xem vì nội dung dễ hiểu, giản dị, khung cảnh giản dị, người diễn tự nhiên, dí dỏm. Tuy nhiên, càng ngày nhóm thanh niên càng làm lố, nội dung xàm nhảm khiến nhiều người ngao ngán.

Trong nhiều clip xoay quanh chuyện vợ chồng, gia đình, thay vì đưa những câu chuyện thương yêu lan tỏa tinh thần nhân văn thì họ lại chọn nội dung tình, tiền, ghen tuông, chửi bới nhau ra rả. Người vợ không ngần ngại gọi chồng bằng mày, xưng tao; người chồng thì lười biếng, siêng ăn nhác làm, rượu chè be bét. Trong nhiều clip, người diễn ăn mặc dị hợm, phấn son lòe loẹt. Không những vậy, khi đóng vai lực lượng Cảnh sát giao thông, có người còn vô tư để lộ hình xăm - một trong những điều cấm của ngành Công an.

Nhằm tăng cường quản lý, chấn chỉnh và kịp thời xử lý các sai phạm của nền tảng TikTok, giữa năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện nhiều sai phạm của nền tảng này. Đại diện Công ty TikTok cam kết khắc phục các sai phạm trong 30 ngày, nhưng đến nay nhiều clip "bẩn", phản cảm vẫn xuất hiện nhan nhản.

Ông Lê Quang Tự Do (Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh: "Trong trường hợp các nền tảng xuyên biên giới không tuân thủ các quy định pháp luật, sẽ không được chào đón tại Việt Nam".

Trong lúc cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, xử lý thì người dùng các nền tảng mạng xã hội, sáng tạo nội dung số cần tuân thủ những quy định của pháp luật, nhất là việc không nên đưa nội dung "bẩn", độc hại lên mạng xã hội để "câu view", "câu like", gây ảnh hưởng xấu đến người xem, nhất là giới trẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang