(CATP) Những năm gần đây, việc nuôi Kumanthong (tên gọi khác là "quỷ linh nhi") đã trở thành trào lưu được nhiều hội, nhóm săn đón. Không ít bạn trẻ sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để rước những con "búp bê ma" về cung phụng, kết quả sau thời gian đắm chìm trong việc "hầu hạ” những vật vô tri vô giác kia, nhiều người mới ngậm ngùi nhận ra mình đã ăn quả lừa đắng chát từ những kẻ "buôn thần bán thánh".
Đồ chơi không dành cho trẻ em
Chỉ cần gõ vài dòng tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội về việc nuôi Kumanthong, lập tức thế giới về loại búp bê huyền bí này xuất hiện dày đặc, thử liên hệ với 1 người bán tự nhận là "phù thủy Kumanthong", chúng tôi được giới thiệu cho 2 loại Kumathong còn được biết với cái tên khác là Lukthep. Trong đó, Kumanthong trắng được xem là loại búp bê chuyên đem đến sự tốt lành, may mắn cho người nuôi bởi những thứ chứa bên trong là các nguyên liệu từ thiên nhiên, thảo mộc do thầy bùa hiền trấn yểm, loại này có giá khá rẻ: chỉ vài triệu đồng cho một Kumanthong.
Tuy nhiên, người bán cũng tiết lộ Kumanthong này ít người chọn vì "quá lành" nên linh lực không cao. Loại thứ hai là Kumanthong đen, giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng vì luyện bên trong là bào thai chết yểu, hoặc tóc và xương của người chết nên linh lực rất cao, do được trấn yểm bởi các thầy bùa kinh nghiệm lâu năm. Chính vì được tạo nên từ những thứ đặc biệt nên người nuôi Kumanthong này phải chú ý nhiều điều kiêng kị, như mỗi ngày phải cho Kumanthong ăn uống, tắm rửa, đi đâu cũng phải mang theo và đối xử như con ruột. Nếu Kumanthong vui thì có thể giúp người nuôi đạt được ý nguyện; còn làm Kumanthong buồn, giận sẽ gặp xui xẻo, thậm chí tai họa sát thân. Loại này theo lời người bán là "hàng đặc biệt" nên muốn mua phải đặt cọc trước và chờ khá lâu mới "thỉnh" được.
Sau khi nghe chúng tôi bày tỏ sự nghi ngờ về tính hiệu quả của Kumanthong thì người bán chuyển giọng vừa hù dọa vừa có phần khó chịu khi cho rằng "không tin thì tốt nhất đừng nuôi, chứ nuôi mà không chăm sóc, làm bé buồn, bé giận thì dễ bị quật lắm nhé” (!). Hầu hết các chủ bùa phép bán Kumanthong trên mạng đều khẳng định Kumathong họ bán có nguồn gốc từ xứ chùa vàng, được các thầy bùa cao tay yểm trấn, do đó chắc chắn sẽ đem lại tài lộc, may mắn cho người nuôi.
Nhiều người không ngại đem Kumanthong ra đường dạo chơi
Quan sát sẽ thấy những trang bán hàng về Kumanthong đều "sặc" mùi mê tín dị đoan khi đăng tải những đoạn clip mô tả sinh hoạt hàng ngày của các Kumanthong như tự uống nước, sữa và điều khiển các loại đồ chơi dành cho trẻ em, mục đích để người mua tin tưởng vào linh lực có thật của các Kumanthong, từ đó sẵn sàng bỏ tiền bạc, công sức nuôi dưỡng các loại bùa phép này.
Tiền mất, tật mang
Tin rằng Kumanthong có thể giúp mình gặp may mắn thuận lợi trong công việc, tình cảm, nên chị Nguyễn Thị T. (ở Cần Thơ) vẫn cố gắng vay mượn bạn bè, người quen "tậu" cho mình 1 Kumanthong mà theo lời người bán thì "cứ yên tâm, bảo đảm nuôi bé vài tháng là tiền vô như nước, tình cảm dạt dào ngay" (!). Sau khi bỏ ra gần chục triệu đồng, chị T. cũng "rước" được Kumanthong như ý. Từ đó, mỗi ngày chị đều phải 3 bữa thành khẩn "cơm bưng, nước rót" chăm bẵm Kumanthong mà chị gọi bằng cái tên thân thiết là "bé Ti", chưa kể mỗi tháng còn phải làm theo lời thầy là mua đồ ăn "đặc biệt" và quần áo mới chỉ có bán ở chỗ thầy thì búp bê mới ưng ý, cứ như vậy ròng rã suốt hơn 3 tháng trời cung phụng, mua sắm hầu hạ Kumanthong, chị T. dần rơi vào cảnh nợ nần, khánh kiệt.
Điều đáng nói là, mặc dù tốn nhiều thời gian công sức nhưng công việc của chị cũng chẳng mấy tốt hơn, đã thế vì nuôi Kumanthong nên chị và người yêu bất đồng quan điểm, dẫn đến chia tay. Đến lúc này, vì quá ngán ngẩm, chị T. quyết định đem cho người khác con búp bê, nhưng oái oăm thay chẳng ai dám nhận, khi chị đem rao trên các diễn đàn thì bị rất nhiều người "hù dọa" cho biết "nếu tự ý cho hoặc vứt đi sẽ bị Kumanthong về báo oán, dễ bị điên" khiến chị T. vô cùng lo sợ. Kết quả sau một thời gian nuôi không được, bỏ không xong, chị T. rơi vào cảnh trầm cảm khiến cuộc sống gia đình đảo lộn.
Cũng vì tin vào Kumanthong mà anh Nguyễn Minh L. (ngụ Q. Bình Thạnh) phải trốn chui trốn lủi vì nợ nần. Năm 2020, nghe bạn bè rỉ tai về linh lực của loại búp bê bùa phép này, anh lên mạng tìm kiếm và đặt mua 1 "bé” với giá gần 50 triệu đồng, sau đó anh làm theo hướng dẫn của người bán để xin "số". Kết quả chẳng những không gặp may, mà anh liên tục thua đậm, phải vay mượn xã hội đen để "gỡ", đến khi nợ nần bủa vây, anh L. phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mỗi ngày.
Mới đây nhất, ngày 6-4 Công an TP.Cần Thơ đã tạm giữ lô hàng chứa 71 búp bê có nhiều hình vẽ nghi là Kumanthong, số hàng này do Thái Thị Yến N. (SN 1997, ngụ Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) là chủ sở hữu. N. là thành viên của nhiều hội nhóm chuyên mua bán các mặt hàng liên quan đến loại bùa Kumathong, Công an TP.Cần Thơ đã niêm phong, tạm giữ số búp bê trên điều tra làm rõ để xử lý.
Mỗi cá nhân đều có quyền tự do về tín ngưỡng, tuy nhiên cần tỉnh táo để tránh bị lợi dụng trở thành "con mồi" béo bở cho những kẻ trục lợi, buôn thần bán thánh.