Nguy cơ mất xe và sét đánh khi đi soi ếch đầu mùa mưa

Thứ Ba, 27/05/2025 11:39

|

(CATP) Mưa xuống, không hẹn mà gặp, nhiều thanh niên với đầy đủ dụng cụ đèn, nơm chụp cá, loa tay, túi đựng, cây chỉa... cùng nhau ngồi hàng giờ chờ dứt cơn mưa ở khu vực cánh đồng rộng để soi ếch. Người đông, ếch cá không nhiều nên có khi cả đêm chỉ bắt được 2 - 3 con nho nhỏ, chẳng bõ công.

Anh Trần Văn Quỳnh (SN 1986, ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, Long An) được bạn bè đặt tên là trùm "săn bắt ếch", thừa nhận: Vài năm gần đây, việc cạnh tranh nhau để tìm điểm bắt ếch và bắt được nhiều ếch đầu mùa càng trở nên khó khăn. Dân kinh nghiệm lâu năm khác xa với mới vào nghề, còn dân thích ham vui thì đi chủ yếu "phá làng, phá xóm" đèn rọi lung tung chứ cả đêm chẳng bắt được 1 con cá, dù bé tí.

Sáng 26/5, anh Quỳnh ngồi uống ly cà phê ven lộ kể bí quyết vào nghề mà nhiều người "chinh chiến" ban đêm ít khi biết đến. Theo đó, phải thường xuyên nghe dự báo thời tiết trên đài, cái quan trọng nhất vẫn là nhìn mây đón mưa xuất hiện thời điểm nào, ở đâu. Chỉ cần định hướng nơi có mưa là anh em tức tốc chạy xe máy tốc hành về vùng này để "xí chỗ" khu đất ruộng. "Tôi cùng vào chung nhóm, ngồi vây quanh từng góc bờ ruộng báo hiệu cho dân soi khác không đi vô khu vực đã có chủ”, anh nói. Để nhận biết nơi nào ếch đang lẩn trốn, mình phải tự đi tìm xung quanh. Đầu tiên, xuống ruộng xem đám nào gốc rạ của lúa thu hoạch còn nhiều, đất trống vị trí gần bờ ao, con kênh và mương nước nơi đó sẽ có cả bầy ếch chờ cơn mưa ngập là nhảy lên ruộng kêu rân trời, anh Quỳnh chỉ cách.

Một số hình ảnh đi soi ếch đầu mùa

Anh Đặng Trọng Tính (SN 1984, ngụ ấp 6, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) cho rằng, kinh nghiệm lâu năm luôn đem hiệu quả, còn ai mới ra nghề thì đi suốt đêm chưa chắc đã bắt được con nào. Theo anh, dân "tự phát" giờ nhiều lắm, thấy trời mưa là mua đèn, mua loa, chuẩn bị túi xách đi tới sáng về tay không. "Làm như ếch, cá nằm sẵn chờ mình tới bắt nên đi sẽ có. Chuyện đó không bao giờ. Ngoài việc họ không bắt được, còn phá anh em khác khi pha đèn lung tung", anh nói.

Sau cơn mưa kéo dài tối 25/5, một số xã Mỹ Thạnh, Mỹ Lạc, Long Thuận (thuộc vùng sâu huyện Thủ Thừa), xã Quê Mỹ Thạnh, Lạc Tấn, Tân Bình (huyện Tân Trụ) nước ngập, có nơi hơn 40 cm như vùng đất ấp Bà Mía, Bà Nghiệm (xã Mỹ Lạc). Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi chạy xe máy theo dòng người đi soi ếch từ Quốc lộ 1 lên khu vực này 20km. Mưa vừa tạnh hạt, nhiều ánh đèn pha qua 2 cánh đồng ruộng trống mênh mông, đã thấy hàng trăm thanh niên đứng cạnh xe máy, bắt đầu đi xuống ruộng để "hành nghề". Không ai nói với ai lời nào, đêm khuya chỉ còn tiếng loa phát giọng ếch kêu đều đều nhử "con mồi" rời khỏi hang.

Tiếng ếch bằng loa vang vọng cả vùng. "Đám ruộng trước mặt có 5 - 6 cây đèn của nhóm thanh niên ngồi 4 góc bờ, họ tới sớm "xí phần" trước rồi. Dù chẳng có ai quy định, nhưng dân đi soi tự ngầm hiểu với nhau, chỗ này mấy anh đó chọn, xem như bắt khi nào không còn ếch mới rời đi" - anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1987, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) cho biết.

Mưa rỉ rả suốt từ 20 giờ đến khuya mới dứt hạt. Giữa cánh đồng trống gió thổi rì rào, chúng tôi cảm giác lạnh buốt nên đành chạy vào chòi nuôi vịt ngồi chờ đợi. Ánh đèn pha cùng tiếng loa gọi ếch giảm dần lúc đồng hồ đã điểm 3 giờ sáng, nhóm bạn có người đã bắt được 2 - 3kg, anh nhiều nhất được 5kg cùng một số cá rô đồng. "Thôi về, gần sáng rồi!" - anh Tính chạy chung một lượt, nhưng khác cánh đồng gặp lại vui mừng. Chuyến này tương đối thành công, bắt 5kg ếch đem chợ bán giá 150.000/kg thu lợi 750.000 đồng, còn gần 1kg cá đồng đem về nhà nấu ăn. Anh Quỳnh thuộc hàng lão luyện bắt tới... 6,5kg ếch và hơn 2kg cá lóc, rô lên ruộng.

Tuy nhiên, còn rất nhiều "đồng nghiệp" khác lại hiện lên gương mặt buồn thấy rõ: "Tụi tôi ở tận Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Còn có mấy anh huyện Bình Chánh (TPHCM) xuống mà chỉ bắt có 2 - 3 con, đợt này xem như trắng tay". Dân trong nghề soi ếch cho biết, chỉ vào cơn mưa đầu mùa, nước vừa ngập ruộng là đi soi chứ vào mùa mưa chính thức thì nghề này xem như mai một.

Trên đường về qua xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa), chúng tôi bắt gặp vài chị phụ nữ cũng rọi đèn bắt ếch. "Đi hai tiếng chỉ bắt được con nhái bằng ngón tay" - chị Thảo cười vui. Hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng mất trộm xe máy, những người đi soi vào sâu trong cánh đồng, dựng phương tiện bên ngoài, đó là cơ hộ cho đối tượng gây án. Dù chiếc xe giá trị không cao, nhưng có nạn nhân ở xa, cách nơi soi ếch hàng trăm cây số, việc mất "cần câu cơm" đêm khuya, đi về sẽ rất bất tiện...

Mùa mưa năm 2024, đã có 3 vụ sét đánh chết người ở Long An

Khoảng 15 giờ ngày 03/5/2024, anh Phạm Văn Chương (37 tuổi, quê thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) đến khu vực xã biên giới Thái Bình Trung (H.Vĩnh Hưng, Long An) để đi đặt lợp bắt ếch. Thời điểm này trời đang chuyển mưa, sau đó mưa rất lớn khu vực cánh đồng ruộng của xã. Mưa kèm theo giông lốc và sét đã đánh trúng nơi anh Chương đang đi, nạn nhân té ngã bất tỉnh, được người dân địa phương đưa đến bệnh viện huyện Vĩnh Hưng nhưng không qua khỏi.

Khoảng 1 giờ ngày 26/5/2024, anh Trần Quốc Tâm (46 tuổi, ngụ ấp Phú Xuân 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) cùng nhóm bạn ngụ xã Phú Ngãi Trị (huyện Châu Thành) sang cánh đồng trống ấp 5, xã Quê Mỹ Thạnh để soi ếch. Lúc này, trời vẫn còn mưa nhẹ kèm theo sấm chớp nên rất đông người vây quanh khu vực ruộng có nhiều tiếng ếch kêu. Anh Tâm tách nhóm đi một mình vào sâu trong bờ ruộng, sấm sét liên tục sau đó đã đánh trúng nạn nhân. Anh Tâm tay còn cầm đèn soi, ngã gục xuống ruộng nước, tử vong tại chỗ.

Trước đó, lúc 6 giờ ngày 21/5/2024, ông P.V.S (55 tuái, ngụ xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, Long An) đang đi ra ruộng xới đất để chuẩn bị xạ lúa thì bị sét đánh trúng, tử vong ngay bờ đê.

Bình luận (0)

Lên đầu trang