Ngày 19-10, UBND TP. Đà Nẵng có ra thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tại cuộc họp (ngày 7-10) báo cáo một số đồ án kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong đó, đồng ý chủ trương kêu gọi đầu tư khai thác cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi.
Cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, điểm nhấn du lịch
Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giao sở Văn hóa Thể thao và du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan lập phương án kêu gọi các nhà đầu tư đủ năng lực tham gia đầu tư khai thác theo chủ trương nêu trên, khuyến khích nhà đầu có phương án phù hợp với định hướng quy hoạch chung của thành phố, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.
Một góc quy hoạch DA của Cty Mỹ Khê
Kiến trúc sư Đinh Thế Vinh, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị TP. Đà Nẵng nhìn nhận, với việc kêu gọi đầu tư, có càng nhiều nhà đầu tư nộp hồ sơ thì thành phố có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, các dự án phải tuân thủ nghiêm ngặt, phù hợp với quy hoạch thành phố, không nên xây dựng nhà cao tầng ở hai bên vừa choán cảnh quan lại tập trung lưu lượng xây dựng nhiều ảnh hưởng đến quy hoạch thành phố.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi nép mình bên cầu Trần Thị Lý hiện đại
“Với chủ trương xã hội hóa, nhà đầu tư nào đầu tư thu hút được nhiều du khách, để làm sao tạo được dấu ấn, đến Đà Nẵng là phải đến nơi đây thì mới thành công. Lợi thế Đà Nẵng là thành phố của những cây cầu, nhưng những cây cầu khác phần đi bộ chỉ dành được hai bên lề, còn cầu Nguyễn Văn Trỗi dành cả không gian cho đi bộ, thưởng lãm đúng nghĩa thì rất thuận lợi trong việc khai thác dịch vụ du lịch”, ông Vinh nhìn nhận.
Cầu chưa được khai thác nên còn nhếch nhác
“Mục đích đầu tư cho cộng đồng, vừa đẹp cho thành phố, vừa đưa lại nguồn lợi cho doanh nghiệp, hoặc thành phố có những chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì họ sẽ an tâm hơn đầu tư vào dự án mang ý nghĩa văn hóa xã hội này”, ông Vinh gợi ý.
Chiều 21-10, trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, phía sở đang chờ sở Xây dựng và Viện Quy hoạch Đô thị rà soát phương án tổng thể quy hoạch, sau đó mới đề xuất phương án kêu gọi đầu tư tại dự án này. “Hiện một số đơn vị có nộp hồ sơ quy hoạch nhưng chúng tôi chưa xem xét”, ông Vinh nói.
Lộ diện “cầu Hạnh Phúc” trên sông Hàn?
Được biết, ngày 15-10, Công ty Cổ phần Công viên Mỹ Khê (Cty Mỹ Khê, Đà Nẵng) đã trình hồ sơ lên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng xin chủ trương triển khai dự án Khu dịch vụ - công viên cầu Nguyễn Văn Trỗi (gọi tắt là DA) với hạng mục chính là cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi thành cầu Hạnh Phúc có tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng.
Một góc của mô hình cầu Hạnh Phúc
Ông Trần Bảy, Tổng giám đốc Cty Mỹ Khê, cho hay: Cty vừa trình DA gồm 3 hạng mục chính: cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi thành cầu Hạnh Phúc; khu đất phía Tây cầu được xây dựng thành Công viên hòa bình, xây dựng Tượng đài anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi; khu đất phía Đông cầu xây dựng thành công viên thịnh vượng...
Việc giữ lại cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn mang ý nghĩa về văn hóa lịch sử
Theo ông Bảy, trên mặt cầu Nguyễn Văn Trỗi được bố trí thành 5 không gian riêng với 2 nhịp cầu gia đình ở hai đầu cầu nhằm gắn kết hạnh phúc gia đình, tiếp đó là 2 nhịp cầu bằng hữu để các bạn trẻ giao lưu kết bạn và nhịp giữa là nhịp uyên ương - nơi thể hiện tình yêu của các đôi trai gái...
Còn khu công viên hòa bình ở phía Tây cầu đặt tượng Nguyễn Văn Trỗi cao 9m bằng đá điêu khắc nguyên khối; nhà trưng bày hiện vật, tranh ảnh; khu vui chơi thiếu nhi; bãi để xe 2 tầng và các công trình phụ trợ. Khu công viên thịnh vượng ở phía Đông cầu gồm công viên các quầy bán hàng lưu niệm, tiện ích và tòa nhà văn phòng cao 7 tầng…
Nhiều bạn trẻ lên cầu Nguyễn Văn Trỗi chụp ảnh, tuy cầu đang sửa chữa phần nền
Còn ông Lê Quốc Thịnh, Chủ tịch HĐQT Cty Mỹ Khê thì chia sẻ: “DA chúng tôi đưa ra không ảnh hưởng đến dòng sông, lòng sông, nếu được thành phố đồng ý, Cty sẽ thuê đất Nhà nước 50 năm, với mục đích chính phục vụ cộng đồng nên lợi nhuận không đặt lên hàng đầu. Chúng tôi muốn tạo dấu ấn, một điểm vui chơi giải trí, kết nối tình yêu thương nên mới đặt tên cho dự án là cầu Hạnh Phúc. Khách du lịch tới Đà Nẵng sẽ tìm tới Hạnh Phúc”.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi được Hãng thầu RMK của Mỹ xây dựng những năm 1960, gồm 14 nhịp giàn thép Poni có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m, không có lề dành cho người đi bộ.
Đây là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn, được xây dựng nhằm chuyên chở khí tài chiến tranh từ cảng Tiên Sa vào nội đô Đà Nẵng.
Sau ngày đất nước thống nhất, cây cầu mang tên người anh hùng xứ Quảng-Nguyễn Văn Trỗi.
Năm 1978, cầu được dỡ bỏ mặt cầu bằng gỗ, thay bằng kết cấu bêtông cốt thép. Năm 1996, mặt cầu lại được thay bằng các tấm thép để giảm trọng lượng (do kết cấu móng bị yếu).
Theo kế hoạch ban đầu, khi cầu mới Trần Thị Lý xây dựng xong, cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được tháo dỡ. Tuy nhiên, trong lần thị sát công trình này đầu tháng 2-2012, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy lúc bấy giờ đã chỉ đạo Sở GTVT nghiên cứu giữ lại cây cầu có dạng cầu dàn thép Poli này để làm cầu đi bộ, đồng thời bố trí cảnh quan phù hợp, tạo điểm dừng chân cho người dân và du khách có thể thư thái ngắm nhìn vẻ đẹp thành phố.