Những đồng xu nhỏ mang tấm lòng cao cả

Thứ Bảy, 03/05/2025 08:14

|

(CATP)  Với tôi, ngày 30/4/1975 không chỉ là cột mốc quan trọng trong dòng chảy lịch sử, dấu ấn khuyên son trong lòng mọi người dân Việt Nam. Có nước mắt, tiếng cười cho buổi đoàn viên, cho ngày thống nhất, và đâu đó còn có cả những góc khuất, sự ngậm ngùi mất mát chia ly, đó cũng chính là hệ quả tất yếu của sự biến đổi thời cuộc...

50 năm qua, “thành ngữ 30/4/75” cứ lặp đi lặp lại trong ta mỗi độ tháng tư về, lòng cứ không  thôi xao xuyến, bâng khuâng nhớ về một thời thanh xuân “đầu súng trăng treo”, một thời máu xương hòa nước mắt, một thời thắt lưng buộc bụng, tất cả dành cho tiền tuyến. Dòng chảy thời gian cứ tư lự trôi qua nhưng lòng ta lắng lại, phút giây miền nhớ cứ miên man, ngậm ngùi nghĩ về máu xương người nằm xuống cho hôm nay đất nước vẹn toàn. Nhớ về cha tôi với những ngày tháng bưng biền kháng chiến... Người đã nhập cuộc với lời thơ “Tiểu đoàn 307” hào sảng, nhớ vở kịch thơ “chiếc áo đêm trăng” với lượng người xem khủng, mỗi luợt công diễn có trên ngàn người xem, ông đã góp phần làm nên nền văn học Nam bộ kháng chiến. 

Nhớ mẹ tôi - người đàn bà đã đi xuyên qua tâm bão của hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Bà đã đi qua xà lim khám tối, thân thể mang đầy thương tích tù đày. Ngày trở về, bà chỉ còn lại cho mình, chiếc bóng mòn một nửa, con không cha, vợ vắng bóng chồng.  Lại nhớ về ngoại tôi người có công với cách mạng, tham gia nuôi chứa tổ chức cách mạng những ngày phôi thai, đến luật 10/59 bà mất trong cảnh màn trời chiếu đất siêu mồ lạc mả. Nhớ bà mẹ nghèo mù lòa, bà Ba Nhạn, ở Trà Vinh, nơi nhau rún mẹ tôi. Những ngày đầu khó khăn của cách mạng, bà Ba thường nhịn tiền ăn trầu, nhín từng đồng xu lẻ tiền ăn xôi mỗi sáng, tằn tiện tiền tiêu vặt hàng ngày mà con cháu cho, bà dành dụm từng đồng điếu, xỏ thành xâu gởi cho mẹ tôi ủng hộ kháng chiến. Và hôm nay trong không khí lộng lẫy cờ hoa đón mừng 50 năm giải phóng đất nước, rưng rưng nhớ về từng đồng xu nhỏ sâu nặng tình dân. 

Trong muôn vàn câu chuyện ủng hộ kháng chiến ngày đó, có câu chuyện cười ra nước mắt. Câu chuyện của nhà sư Phạm Khánh Sơn trụ trì chùa Long Sơn Tự ở Bang Tra. Chùa Long Sơn Tự vốn rất nghèo, vẻn vẹn có năm nhân khẩu, sư Khánh Sơn chủ trì, ni cô chủ chùa, cô Mười, con gái của Cai tổng Huệ, còn có ni cô (cô hai), cùng với hai chú tiểu. Nhà chùa sống chủ yếu dựa vào hai nghề làm tương chao và bửa cau mướn, số tiền kiếm được vừa đủ trang trải cuộc sống nhà chùa. Tuy vậy nhà chùa vẫn chắt mót từng đồng xu trong số tiền quỹ ít ỏi đó, đưa cho sư Khánh Sơn mang qua Trà Vinh giao cho mẹ tôi chuyển cho kháng chiến. Một hôm ni cô Mười từ Bang Tra qua trà Vinh bán cau khô, tìm đến nhà ngoại tôi, trong câu chuyện đàm đạo, ni cô vô tình cho biết, hiện dư luận địa phương đặt nghi vấn giáo thọ Khánh Sơn có vợ con ở Trà Vinh nên thường xuyên kiếm cớ qua Lưỡng Xuyên Phật học để chăm sóc gia đình. Nếu không thì sư sống khắc khổ chắt mót tiện tặn để làm gì. 

Chừng đó mọi người mới bật ngửa vì “nỗi oan Thị Kính” mà giáo thọ Khánh Sơn đang hứng chịu. Trong lúc búa rìu dư luận, sư Khánh Sơn còn đang lúng túng, thì được nghe đồng chí Bí thư tỉnh ủy Võ Hoàng phổ biến chủ trương chuẩn bị cho sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa. Sư Khánh Sơn được lời như cởi tấm lòng, nhẹ nhàng cắt phăng cục rối “oan Thị Kính”, vui mừng hưởng ứng lời kêu gọi của cuộc kháng chiến. Tuy vậy, Sư lo lắng vì chưa tìm ra biện pháp vận động “tài chính” hữu hiệu. Sau nhiều đêm suy nghĩ, trước mắt sư Khánh Sơn đành đưa ra “quyết định hạ sách”. Sáng sớm, sau thời kinh, chưa kịp trà nước, sư với vẻ mặt ưu tư, gấp gáp tìm đến ni cô chủ chùa hỏi, có phải trong chùa ta có một tượng Phật lâu đời?

Ni cô nghe sư trụ trì hỏi chuyện có vẻ căng thẳng, cô công nhận: trong chùa ta có một tượng Phật ngồi đâu lưng với pho tượng Phật tổ là lâu năm, không biết có từ đời nào mà khi tôi lớn lên đã thấy có sẵn trong nhà, sau này mới dời về chùa đây. Sư trụ trì chấp tay vẻ cẩn trọng: “Mô Phật, đêm qua tôi mơ thấy có một vị Sư Tổ về báo mộng, trong chùa ta có một cốt Phật lâu năm nay đã thành quỷ hay phá hại trong chùa, sanh ra bất an, trêu chọc quấy phá phật tử đến chùa làm cho họ cãi vã hay đau ốm bất thường. 

Ni cô chủ chùa nghe thấy thế lo lắng, nghĩ hèn chi ni cô và cô Hai thường hay bất hòa vì những chuyện không đâu, cô bán tín bán nghi, đêm nằm cũng mộng thấy y như lời sư trụ trì. Tin trong chùa có quỉ nhập tượng Phật truyền tai nhau, lần lượt mỗi người trong chùa đều nằm mộng thấy cùng một sự việc. Mọi người đâm ra sợ hãi, ni cô chủ chùa bàn với sư trụ trì đem hiến tặng pho tượng Phật cho các chùa lớn bên Trà Vinh để tránh tiếng xì xào của các chùa quanh đây. Sư trụ trì chỉ chờ có vậy liền bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Một buổi chiều, mọi người đang họp ở nhà ngoại tôi (văn phòng tỉnh ủy) thì có một chiếc xe kéo ngừng trước cửa, sư Khánh Sơn cùng với anh phu xe khệ nệ khiêng xuống một kiệng hàng, bên ngoài được phủ kín lá chuối, ỳ ạch đi vào nhà. 

Mọi người ngừng cuộc họp ra nhà ngoài, chào khách. Sư Khánh Sơn vội chấp tay ngang ngực: “Mô Phật, nhà chùa không có chi để góp vào việc chế tạo vũ khí, trong chùa chỉ có pho tượng nầy khá lớn, không biết nó có phải làm bằng đồng bằng thau không? Nói đến đây sư mỉm cười: vì nó mà tôi mang tội vọng ngữ. May có các thầy ở đây, tôi xin giao nó lại cho các thầy để dùng vào cuộc khởi nghĩa. Một đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy xúc động nói với sư Khánh Sơn: “Tôi thay mặt cho Đảng nhận và cảm ơn món quà quý này của nhà chùa. Sau khi nhà sư Khánh Sơn đi khỏi, mọi người bàn nhau đem cưa pho tượng Phật ra nhiều mảnh để che mắt địch, tiện bề chuyên chở. Khi lưỡi cưa sắt đưa vào pho tượng, thật bất ngờ bên trong pho tượng đúc bằng xi măng, bề ngoài được áp một lớp đồng mỏng. Báo hại bà ngoại tôi (bà Gia Lạc) phải đến “vấn kế” thím Năm Vạn Tuế Chành. 

Giờ đây, trong không khí vui tươi, rộn rã cờ hoa rợp bóng phố phường để chào đón ngày 30/4 lịch sử, một phút lắng lòng “ôn cố tri tân” như một biểu trưng uống nước nhớ nguồn. Còn với tôi, cụm từ “30/4” mang nội hàm phong phú vượt khỏi nghĩa gốc chỉ mốc thời gian ngày tháng. Nó còn là biểu tượng cho một giai đoạn lịch sử trọng đại, mang ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc về khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, là sự chuyển mình của đất nước. Thịt da cốt cách của cụm từ “30/4” xứng đáng trở thành thành ngữ hiện đại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang