Quảng Nam:

Nuôi tôm tràn lan khiến nước sinh hoạt bị nhiễm mặn

Chủ Nhật, 09/10/2016 00:30  | Nguyễn Thắng

|

(CAO) Những năm gần đây, nhiều hộ dân xã Tam Tiến (H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) tự ý phá đất vườn để làm ao hồ nuôi tôm gây nên hậu quả nghiên trọng khi nước trong vùng nuôi tôm bị nhiễm mặn khiến đời sống sinh hoạt gặp khó khăn.

Năm 2012, khi giá tôm thẻ chân trắng bắt đầu nhảy vọt, nhiều hộ dân của xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) bắt đầu đổ xô phá đất vườn để đào ao nuôi tôm. Sau vụ đầu, con tôm phát triển tốt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng sau mỗi lứa nuôi. Thấy có lợi “khủng” nhiều hộ dân đã ào ạt phá vườn thông để đào ao nuôi tôm.

Theo số liệu do UBND xã Tam Tiến cung cấp, tính đến thời điểm hiện nay, ở địa phương này có 360 ha diện tích người dân nuôi tôm lót bạt, và có 20 ha không được cấp phép. Tình trạng nuôi tôm tràn lan ở địa phương đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vì đa số các hộ dân ở đây nuôi tôm theo kiểu nhỏ lẻ, nước hồ tôm không qua xử lý đã thải trực tiếp xuống sông Trường Giang khiến cho dòng sông có mau đen kịt ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo quan sát, nhiều hồ tôm được đào ở giữa khu rừng thông, có nhiều hồ tôm lại được đào sát hè nhà người dân. Cũng chính vì vậy, người dân đã đầu tư hàng trăm mét đường ống nhựa dẫn nước cùng với máy bơm công suất lớn hoạt động liên tục ngày đêm để bơm nước vào hồ tôm.

Lại thêm tình trạng hút mạch nước ngọt tại khu vực gần hồ nuôi tôm làm cho sự hao hụt mạch nước ngầm ngày càng diễn ra nghiêm trọng tại vùng giáp với bờ biển. Thêm vào đó, để dung hòa độ mặn, người dân còn làm thêm hệ thống giếng hút nước mặn từ biển đưa vào ao tôm đã làm tình trạng mặn hóa tại khu vực diễn ra ngày càng nhanh hơn.

Tình trạng nuôi tôm tran lan không theo quy hoạch đã khiến môi trường bị ô nhiễm, nước sinh hoạt của người dân cũng bị nhiễm mặm nghiêm trọng - Ảnh: Nguyễn Thắng 

Bà Trần Thị Lan (58 tuổi, ngụ thôn Bình Phú, xã Tam Tiến H. Núi Thành) cho biết “Trước đây, ở đây có xuất hiện tình trạng nước giếng bị nhiễm mặn, nhưng bắt đầu khi người dân ở đây đổ xô ra nuôi tôm thì nước giếng bắt đầu có dấu hiệu mặn dần. Khi thấy nước giếng có dấu hiệu mặn tôi đã thuê người khoan giếng mới sâu 30m nhưng cũng bị nhiễm mặn”.

Cùng quan điểm với bà Lan, ông Tạ Tan (71 tuổi, thôn Bình Phú, xã Tam Tiến, H. Núi Thành) cũng cho biết, từ khi hồ tôm trên địa ban bắt đầu rầm rộ thi toàn bộ nước dưới giếng khoan của ông bắt đâu xuất hiện độ mặn đến nay không sử dụng được nữa.

Nước nhiễm mặn gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân địa phương - Ảnh: Nguyễn Thắng 

Trao đổi vê vấn đề này, ông Nguyễn Giúp – Chủ tịch UBND xã Tam tiến cho biết: “Thực trạng nuôi tôm nuôi tôm ở địa phương đã diễn ra từ lâu và hầu hết là các hộ nuôi tôm theo kiểu nhỏ lẻ nên không có đủ điều kiện xây dựng hệ thống xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Việc người dân phản ánh nước sinh hoạt trong vùng nuôi tôm bị nhiễm mặn là có thật. Mặc dù người dân địa phương đã phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng cho đến nay vấn đề xử lí tình trạng này vẫn là bài toán nan giải.

Trước mắt phải cần thời gian và vận động người dân tiến hành việc nuôi tôm phải thực hiện làm các hồ xử lí thải trước khi đưa ra sông, giảm tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm trên sông Trường Giang không chỉ có chất thải từ việc nuôi tôm của các hộ dân mà còn nhiều nguyên nhân khác, cũng như việc xả thải từ các khu công nghiệp trên địa bàn huyện”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang