TPHCM: Quyết liệt dẹp nạn lấn chiếm kênh rạch

Thứ Ba, 25/04/2023 08:02

|

(CATP) Nhiều năm qua, TPHCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để chỉnh trang đô thị, cải tạo và làm hồi sinh những dòng kênh bị ô nhiễm. Tuy vậy, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, nhiều dòng kênh vẫn đang đầy rác thải và bốc mùi nồng nặc. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng san lấp, lấn chiếm, đồng thời tạo quỹ đất xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh rạch, TPHCM sẽ cắm mốc gần 72km bờ sông Sài Gòn từ khu vực cầu Bình Phước đến ranh giới tỉnh Tây Ninh.

Ô nhiễm từ nguồn nước thải

Mỗi ngày, TPHCM có gần 3 triệu m3 nước thải, nhưng chỉ 12,6% trong số đó được xử lý, còn lại được xả thẳng ra kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường. Dòng chảy tại thành phố hầu hết kết nối với các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước là rất khó kiểm soát, đòi hỏi cần sự nỗ lực của chính quyền địa phương...

TPHCM phấn đấu đến năm 2025, khoảng 80% tổng lượng nước thải của thành phố (khoảng 2.580.000m3/ngày) sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải và dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2) hoàn thành vào năm 2024.

Lý giải tình trạng tái ô nhiễm các dòng kênh, rạch tại TPHCM, các chuyên gia về môi trường cho rằng, đó là hệ quả tất yếu của việc chưa xử lý triệt để nước thải trước khi xả ra môi trường. Cụ thể, tuyến cống bao dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 1) đã được hoàn thành với dự kiến thu gom toàn bộ lượng nước thải của các quận ven kênh như 1, 2, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận... Thế nhưng, do chưa hoàn thành giai đoạn 2 (xây nhà máy xử lý nước thải) nên khi đưa về trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), nước thải chỉ được lược bớt rác và bơm ra sông Sài Gòn để pha loãng ô nhiễm.

Tương tự, đối với kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, Nhà máy Bình Hưng (giai đoạn 1) mới chỉ xử lý nước thải cho lưu vực 1.000ha tại các quận 1, 3, 5 và một phần quận 10, 11. Còn lưu vực rộng 2.000ha thuộc các quận 6, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh vẫn phải chờ triển khai giai đoạn tiếp theo. Dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng chưa có nhà máy xử lý nước thải nên phần lớn nước thải sinh hoạt từ các hộ dân dọc các kênh này đều đổ trực tiếp ra kênh, gây ô nhiễm.

Một đoạn kênh tại quận 7 bị lấn chiếm

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho biết, theo quy hoạch đã được phê duyệt, ở 12 lưu vực thoát nước của TP sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải, nhưng đến nay chỉ có 3 nhà máy được xây xong và hoạt động chưa hết công suất, gồm: Bình Hưng (công suất 141.000m3/ngày), Bình Hưng Hòa (30.000m3/ngày) và Tham Lương - Bến Cát (15.000m3/ngày). Bên cạnh đó, còn có một số trạm xử lý nước thải phân tán trong khu dân cư.

Còn theo Sở Xây dựng TPHCM, lượng nước thải đô thị phát sinh của thành phố chủ yếu từ 2 nguồn là hoạt động sinh hoạt hằng ngày và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nguồn nước thải chưa được xử lý xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân. Nếu không hoàn thiện hạ tầng thu gom, tách biệt các nguồn nước thải (nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp) và không có giải pháp xử lý triệt để nước thải trước khi xả ra môi trường thì không thể giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm sông, kênh, rạch trên địa bàn.

Nan giải lấn chiếm kênh rạch

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND các địa phương liên quan và Thanh tra Sở GTVT về tăng cường xử lý các công trình xây dựng không phép trên hành lang an toàn bờ sông, kênh, rạch ở thành phố. Theo báo cáo của Trung tâm quản lý đường thủy (thuộc Sở GTVT TPHCM), hiện có 107 trường hợp công trình xây dựng, san lấp lấn chiếm vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch ở TP.Thủ Đức và 8 quận, huyện.

Một nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động

Nằm cạnh những tòa chung cư cao tầng, ở ngay khu trung tâm quận 4 là những dãy nhà lụp xụp, hầu hết lợp tôn và được xây dựng trên mặt nước của các tuyến rạch Ông Lớn, rạch Xáng, rạch Bàng... Tình trạng hàng nghìn căn nhà xây lấn ngay trên mặt nước chứ không phải ở hành lang bảo vệ kênh rạch khu vực này thực tế đã diễn ra hàng chục năm qua. Tuy nhiên, đây không phải là khu vực duy nhất, bởi nhiều tuyến kênh, rạch, sông khác ở TPHCM cũng xảy ra tình trạng tương tự, với quy mô và mức độ khác nhau. Như tuyến rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) được lên kế hoạch cải tạo khoảng 20 năm qua nhưng không thể thực hiện được vì vướng nhiều căn nhà lấn chiếm ven mặt nước của rạch. Việc lấn chiếm này là bài toán nan giải cho chính quyền địa phương và cũng là nguyên nhân chính khiến rạch Xuyên Tâm biến thành "rạch chết" bởi ô nhiễm môi trường, rác thải, tù đọng nước...

Ngoài tình trạng lấn chiếm rõ ràng và kéo dài như một số khu vực kể trên, dọc các tuyến sông, kênh, rạch ở TPHCM còn bị lấn chiếm làm quán ăn, nhà hàng, quán cà phê theo hình thức "view sông". Việc lấn chiếm này khá phổ biến. Có nhiều công trình tạm bợ nhưng đã gây ảnh hưởng lớn đến dòng chảy chính. Tình trạng này cũng không kém phần nan giải bởi thời gian qua, TP không có một hành lang bảo vệ sông ngòi, kênh, rạch đủ mạnh, khiến những hộ dân sinh sống gần sông có điều kiện lấn chiếm. Đặc biệt thời gian tới, khi những dự án hạ tầng liên quan tới khu vực ven sông, kênh, rạch được thực hiện sẽ rất khó khăn để giải tỏa và lấy lại quỹ đất.

Rác thải gây ô nhiễm kênh, rạch

Qua khảo sát, địa phương có công trình vi phạm nhiều nhất là huyện Bình Chánh (30 trường hợp). Tiếp theo, lần lượt là huyện Nhà Bè (25 trường hợp), TP.Thủ Đức (18 trường hợp), quận 12 (8 trường hợp), quận 7 (7 trường hợp), huyện Củ Chi (7 trường hợp), huyện Cần Giờ (5 trường hợp), huyện Hóc Môn (4 trường hợp) và quận Bình Thạnh (3 trường hợp).

Để tránh tình trạng lấn chiếm, dự kiến trong giai đoạn 2023 - 2024, TPHCM sẽ cắm mốc hành lang bảo vệ 59 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 553km. Trong đó, sông Sài Gòn là tuyến lớn nhất được cắm mốc trên chiều dài gần 72km, từ khu vực cầu Bình Phước (TP.Thủ Đức) đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh. Một số tuyến sông rạch khác cũng được cắm mốc như: Soài Rạp dài gần 60km; sông Lòng Tàu dài 32km và hơn 7km sông Đồng Nai; rạch Tôm, kênh Cây Khô, rạch Bà Lớn... Việc xử lý các trường hợp vi phạm không chỉ đảm bảo an toàn cho hành lang sông, kênh, rạch mà còn đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân sống ven sông, kênh khi nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở, nhất là vào mùa mưa. Các công trình vi phạm kể trên đa số tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai cắm mốc trong năm 2023 cần được thực hiện đồng bộ, công khai, dân chủ, đảm bảo an toàn về bảo vệ sự ổn định của bờ sông, kênh rạch, đồng thời đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân có liên quan. Phải được thể hiện trên nền bản đồ địa chính và thực địa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức trong tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, hỗ trợ cung cấp hồ sơ, dữ liệu, bản đồ các dự án đầu tư được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, đã triển khai nằm trong chỉ giới hành lang bảo vệ sông suối, kênh rạch, hồ công cộng; ra thông báo đến các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực khảo sát định vị cắm mốc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công thực hiện nhiệm vụ.

Việc cắm mốc ranh giới hành lang để phân định không gian của 59 tuyến sông, kênh chính trên địa bàn TPHCM sẽ giúp xử lý các hành vi lấn chiếm, bảo vệ không gian ven sông và quỹ đất khi thực hiện các công trình giao thông công cộng, công trình thoát nước, đường điện... Theo nhiều ý kiến, việc cắm mốc hành lang ven sông, kênh ở TPHCM là cần thiết và quan trọng nhưng khá muộn. Bởi nhiều năm qua, tình trạng lấn chiếm, sử dụng hành lang kênh rạch đã diễn ra phổ biến và ở gần như tất cả các sông, kênh trên địa bàn, với nhiều mức độ khác nhau.

Bình luận (0)

Lên đầu trang