Giải đáp pháp luật:

Hậu quả của hợp đồng giả cách

Thứ Hai, 24/04/2023 18:12

|

Hỏi: Biết tôi cần tiền đầu tư kinh doanh, ông T. đồng ý cho tôi vay và đề nghị tôi ký hợp đồng chuyển nhượng đất để làm tin. Hai bên thỏa thuận sau khi trả hết vốn và lãi sẽ ra công chứng hủy hợp đồng, trả lại đất cho tôi. Tuy nhiên, ông T. lén lút làm thủ tục sang tên đất rồi thế chấp cho ngân hàng. Tôi có thể hủy hợp đồng chuyển nhượng đất không, vì đây là hợp đồng giả cách? (Nghiêm Hoài An, quận 12).

Trả lời: Pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể về hợp đồng giả cách. Căn cứ từ thực tế và khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo thì hợp đồng giả cách được hiểu là hợp đồng mà các bên thực hiện nhằm mục đích che giấu đi một hợp đồng khác và thông qua hợp đồng đó để chuộc lợi, chiếm đoạt tài sản.

Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Bản chất của hợp đồng giả cách là giao dịch dân sự vô hiệu. Hậu quả pháp lý được giải quyết theo Điều 131 BLDS như sau:

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Thông thường, các đối tượng cho vay sẽ dụ dỗ người vay tiến hành thủ tục mua bán, chuyển nhượng đúng pháp luật, ký hợp đồng công chứng hợp pháp. Ngược lại, bên đi vay không có chứng cứ gì để chứng minh chuyện mua bán, chuyển nhượng đó chỉ là giả tạo nhằm đảm bảo cho khoản vay.

Nếu chứng minh được hợp đồng chuyển nhượng đất là hợp đồng giả tạo thì bạn có thể kiện ra tòa án yêu cầu hủy hợp đồng này. Tòa án sẽ đánh giá hợp đồng nào là giả tạo, hợp đồng nào là thực, các bên có hoàn toàn tự nguyện hay có sự cưỡng ép khi kí kết hợp đồng hay không để tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Nghiêm trọng hơn, nếu chứng minh bên cho vay có sự đe dọa, dùng vũ lực ép buộc bên vay tài sản ký hợp đồng bảo đảm thì có thể xử lý trách nhiệm hình sự.

Bình luận (0)

Lên đầu trang