Lâm Đồng: Sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Thứ Năm, 17/10/2024 11:28

|

(CATP) Ngày 16/10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng khẩn trương ứng phó với nguy cơ cao xảy ra sạt trượt đất tại xã Hiệp Thạnh theo phản ánh của báo chí.

Quản lý chặt hoạt động san gạt, tạo mặt bằng

Cụ thể, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lâm Đồng đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng kiên quyết di dời người dân ra khỏi khu vực chân đồi có nguy cơ sạt trượt đất (trường hợp không chấp hành phải cưỡng chế di dời). Đồng thời, huyện áp dụng các biện pháp không để người dân tự ý quay về khu vực nguy hiểm khi chưa có sự đồng ý của chính quyền địa phương như khóa cổng, lắp rào chắn, bố trí lực lượng túc trực trong khu vực có nguy cơ sạt trượt...

Huyện Đức Trọng tăng cường công tác quản lý về hoạt động san gạt tạo mặt bằng xây dựng và trật tự xây dựng trên địa bàn; dừng ngay các trường hợp đào cắt góc mái đồi để làm nhà ở gây nguy cơ sạt lở; kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng san gạt đất trái phép ở chân mái dốc để tạo mặt bằng xây dựng nhà ở, gây nguy cơ xảy ra sạt lở.

Trước đó, sau thông tin phản ánh của báo chí, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lâm Đồng đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra thực tế tại Tổ 24, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng.

Đường đèo Tà Nung tại Đà Lạt bị sạt lở đến 1/2 mặt đường

Qua kiểm tra cho thấy, khu vực đồi thông có diện tích 35ha thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 277B do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý, bên dưới là khu vực đất sản xuất nông nghiệp và có khoảng 11 căn nhà. Tại thời điểm kiểm tra, chân đồi bị san gạt, kết hợp với thời tiết mưa nhiều dẫn đến các vách sạt, xuất hiện cung trượt và các vết nứt trên mái dốc, gây nguy cơ sạt lở rất lớn trong mùa mưa lũ.

Trước đó, ngày 9/10, tại tổ 24, thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp Thạnh, H.Đức Trọng (Lâm Đồng), chứng kiến đất đá, cây cối từ trên đồi thông sạt lở xuống phía sau nhà các hộ dân. Khu vực đồi thông bị sạt lở này rộng khoảng 35ha, thuộc địa phận xã Hiệp Thạnh, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý. Vị trí này chỉ cách ngã ba Fi Nôm (thuộc quốc lộ 20) vài trăm mét.

Phía sau nhà nhiều hộ ngổn ngang đất đá, cây bụi sạt lở

Ông Vũ Xuân Trường (42 tuổi), nhà sát chân đồi bị sạt lở, cho hay đây không phải lần đầu tiên khu vực này xuất hiện sạt lở. Cách đây khoảng 2 năm, đã xảy ra tình trạng sạt lở và kéo dài đến nay. "Mỗi khi trời mưa to, đất và nước từ trên đồi thông đổ xuống rất nhiều. Tôi phải đưa vợ con đi ở nhờ nhà bà con để đảm bảo an toàn" - ông Trường nói.

Theo quan sát, dù đã hết mưa nhưng khu vực chân đồi sau khu dân cư tổ 24, đất vẫn nhão nhoẹt; đất đá, cây bụi ngổn ngang phía sau nhiều ngôi nhà. Phía trên đồi tiếp tục xuất hiện nhiều vết đất nứt sau những trận mưa lớn vừa qua. Có vị trí đất nứt toác, bề mặt hở từ 20 - 30cm, độ sâu của vết nứt có chỗ từ 2 - 4m, nguy cơ sạt trượt nếu trời mưa kéo dài. Vệt sạt lở tạo thành vòng cung kéo dài khoảng 100m từ phía tổ 24 vòng ra phía sau tổ 30 (thôn Fi Nôm). Khu vực này như bờ taluy dựng đứng, cao khoảng 10m, nhiều điểm đã trượt lở đất đá kéo theo nhiều cây cối.

Di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Ông Lục Thanh Phong (cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh) cho biết, qua thống kê sơ bộ có khoảng 50 - 60 hộ dân trong khu vực thôn Quảng Hiệp và Fi Nôm có nguy cơ bị ảnh hưởng do tình trạng sạt lở đất. Trong đó, khoảng 20 - 30 hộ có nguy cơ cao, nên cơ quan chức năng đã yêu cầu các hộ dân ký cam kết di dời đến nơi an toàn khi trời mưa lớn. Ông Phan Quang Thạnh, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh cho biết, trước tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, địa phương đã gắn biển cảnh báo, vận động bà con di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm khi trời mưa lớn. "Địa phương đang kêu gọi các đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế để hạ tải đồi thông nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực nguy hiểm" - ông Thạnh cho biết thêm.

Người dân vẫn đang sinh sống dưới chân đồi có nguy cơ sạt trượt cao

Hiện nay, tình hình sạt lở ở Lâm Đồng đang diễn biến hết sức nghiêm trọng. Chiều 07/10, UBND xã Lộc Thành tiếp nhận tin báo của người dân về việc xảy ra sự cố sạt lở đất tại một khu vực trên địa bàn thôn 8B. Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã Lộc Thành đã nhanh chóng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm có mặt, ghi nhận hiện trường. Ngay lập tức, các ngành chức năng đã triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho người dân trong khu vực. Qua kiểm tra cho thấy, tại tuyến đường dân sinh trên địa bàn thôn 8B (xã Lộc Thành) có bờ ta luy dương cao từ 6 - 8m xảy ra tình trạng sạt lở đất. Sạt lở khiến hàng chục mét khối đất đổ tràn xuống đường, uy hiếp nhà của gia đình bà Triệu Thị Hạnh ở phía dưới.

Hiện đất trên ta luy dương vẫn đổ xuống đường gây nguy hiểm cho gia đình bà Hạnh và người dân lưu thông qua lại. Sau khi đánh giá vụ sạt lở, UBND xã Lộc Thành đã chủ động hỗ trợ gia đình bà Triệu Thị Hạnh di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tiến hành rào chắn 2 đầu tuyến đường để cảnh báo cho người dân không qua lại khu vực sạt lở. Đặc biệt, UBND xã Lộc Thành đã báo cáo, đề xuất UBND huyện Bảo Lâm triển khai các phương án phòng chống sạt lở bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trong khu vực nói trên.

Cũng hồi đầu tháng này, khối lượng lớn đất đá từ taluy dương ở độ cao khoảng 15m đổ ập xuống mặt đường đèo Prenn, đoạn thuộc phường 3, thành phố Đà Lạt. Tại đây, đất đá cùng nhiều gốc thông đổ ập, tràn lấp 2 làn đường ở hướng từ TP.Hồ Chí Minh đi Đà Lạt. Vụ sạt lở xảy ra sau khi ở thành phố Đà Lạt có trận mưa lớn. Rất may, vụ sạt lở không gây thiệt hại nào về người, phương tiện. Đến 14 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng thành phố Đà Lạt điều động phương tiện đến khu vực hiện trường, tổ chức khơi thông đất đá, giải tỏa giao thông qua khu vực.

Gần 400 điểm có nguy cơ sạt lở

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua rà soát trên địa bàn có gần 400 điểm có nguy cơ sạt lở, nhiều điểm có nguy cơ gây hại đến các công trình dân sinh công cộng, nhà dân. Trong đó, tại TP.Đà Lạt có 50 khu vực đã sạt lở đất cục bộ; TP.Bảo Lộc có 118 khu vực; huyện Đam Rông cũng có 47 khu vực sạt lở...

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cùng với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra tình trạng sạt lở đất, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, tại địa phương này mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình từ 1.750 - 3.150mm/năm. Lâm Đồng cũng là tỉnh có lượng mưa luôn cao hơn bình quân của cả nước. Chính vì lượng mưa cao, kéo dài nhiều ngày nên đã làm nền đất bị yếu, gây sạt lở, sạt trượt.

Để cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét, tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát những công trình tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc có độ chênh ta luy lớn để sớm xử lý. Đồng thời lập bản đồ phân vùng sạt lở, lũ quét để làm cơ sở quản lý quy hoạch, xây dựng công trình; xây dựng hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm sạt lở, ngập lụt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang