Sự thật phũ phàng về những "chuyến bay giải cứu"

Thứ Hai, 26/12/2022 15:51

|

(CATP) Hoạt động của các đối tượng trong vụ án này rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng, xảy ra trong thời gian dài. Các đối tượng đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tốn nhiều thời gian trong công tác điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.

Ngày 22-12, Cơ quan An ninh điều tra (CQĐT) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản về tội "nhận hối lộ" và Phạm Bích Hằng, Giám đốc Công ty Cổ phần Vina Mi Chi về tội "Đưa hối lộ".

Như vậy sau hơn 11 tháng điều tra, CQĐT đã khởi tố 37 bị can thuộc 8 bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp sai phạm khi thực hiện các "chuyến bay giải cứu". Trong đó có các bị can thuộc các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, UBND TP Hà Nội...

Hiện Bộ Công an vẫn đang mở rộng vụ án "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan khi thực hiện các "chuyến bay giải cứu" trong đại dịch Covid-19. Tất cả cho thấy quy mô và tính chất vụ án rất lớn và nghiêm trọng. Một vụ án xét về tính chất còn nguy hiểm, gây tác động rất lớn về mặt xã hội, nghiêm trọng hơn cả vụ án Việt Á.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, đầu tháng 12-2021, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các cơ quan chức năng trong và ngoài nước đã tổ chức khoảng 1.000 chuyến bay, đưa gần 240.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Hai ông Vũ Hồng Nam và Tô Anh Dũng (ảnh dưới)

Mục đích và ý nghĩa tốt đẹp của những chuyến bay giải cứu công dân trong đại dịch Covid-19 là không thể nghi ngờ. Việc làm này thể hiện sự chăm lo chu đáo của Chính phủ với công dân Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện tính nhân văn sâu sắc mà ít quốc gia nào có thể làm được trong đại dịch. Thế nhưng, chủ trương tốt đẹp đã bị nhiều cán bộ biến chất làm cho hoen ố, mất uy tín với người dân lẫn với quốc tế, khi họ bất chấp tất cả, biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền và họ phải trả giá!

Ngay từ khi những chuyến bay giải cứu công dân Việt ở nước ngoài được tiến hành, dư luận và người Việt ở nước ngoài đã ngạc nhiên vì sao mang danh là những chuyến bay "giải cứu", có tính nhân đạo nhưng giá vé lại quá đắt như vậy. Đơn cử, giá vé máy bay của Vietnam Airlines từ Canada và Mỹ về Việt Nam dao động từ 52 - 58 triệu đồng/vé, cao gấp đôi so với mức giá trước đây, khoảng 25 - 30 triệu đồng/vé. Tương tự, giá vé máy bay từ Hàn Quốc và Úc về Việt Nam cũng lên tới 18 - 20 triệu đồng/vé...

Nhiều hành khách trở về từ Nga cho biết, tại thời điểm chưa có dịch Covid-19, giá vé máy bay 2 chiều Matxcơva - Hà Nội dao động từ 600 - 1.200 USD tùy thời điểm. Tuy nhiên, trong thời gian bay giải cứu, nhiều khách phải mua vé máy bay với giá lên tới 1.300 USD/chiều. Trung bình, để mua một "gói hồi hương" gồm vé máy bay và chi phí cách ly y tế 7 ngày tại khách sạn 3 sao, hành khách từ Mỹ, châu Âu phải trả khoảng 90 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với bình thường.

Dù có mức giá cao như vậy nhưng với các chuyến bay giải cứu, không phải có tiền là mua được vé, phải "quen biết" hoặc "đi cửa sau" mới có. Nhiều người Việt ở nước ngoài khi ấy tìm cách về nước với giá rẻ hơn nhiều, như bay về Phnom Penh (Campuchia), sau đó bay về Việt Nam, tổng chi phí kể cả cách ly 7 ngày chưa đến 30 triệu đồng.

Trong khi đó các hãng bay khẳng định không đặt nặng vấn đề lợi nhuận với các chuyến bay giải cứu, giá vé cao là do phát sinh nhiều chi phí và những quy định khắt khe về phòng chống dịch. Tuy nhiên thực tế không phải vậy, khi đến nay đã có 37 bị can liên quan đến vụ án "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến những chuyến bay giải cứu.

Ngoài ra, ngay trong đại dịch (12-2020), ba cán bộ tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga lại có hành vi buôn rượu ngoại và thuốc lá qua chuyến bay giải cứu mang số hiệu QH9195 từ Matxcơva (Nga) về sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). Mới đây, vụ án này đã bị khởi tố.

Công dân Việt Nam trở về nước trên một chuyến bay giải cứu. Ảnh: VNA

Dư luận ngạc nhiên trong vụ án này, CQĐT đã khởi tố, bắt tạm giam ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội để điều tra về tội "Nhận hối lộ". Trong thông cáo vừa phát đi hôm 22-12, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội cho biết, ông Chử Xuân Dũng đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; lợi dụng chức vụ quyền hạn vi phạm trong quá trình chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân từ nước ngoài về nước cách ly tại Hà Nội. Trong vụ án này, có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp du lịch bị khởi tố về tội "Đưa hối lộ", đã phần nào hé lộ nguyên nhân ông Dũng bị bắt.

Hai nhân vật vật khác rất đáng chú ý là ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Vũ Hồng Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ năm 2014, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, cùng bị CQĐT khởi tố, bắt tạm giam về tội "Nhận hối lộ".

Một nhân vật khác cũng khá nổi tiếng liên quan vụ việc, bị kỷ luật khiển trách là ông Phạm Sanh Châu - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, Nepal và Bhutan. Trong đại dịch Covid-19, với tư cách là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, tháng 3-2020, khi Ấn Độ phong tỏa vì Covid-19, ông Châu đã cùng với cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức một chiến dịch giải cứu lớn, kết nối phương tiện, đưa hàng trăm người Việt di chuyển về thủ đô New Delhi để lên một chuyến bay duy nhất về Việt Nam.

Đây là vụ án rất phức tạp, không kém vụ Việt Á về tính chất và quy mô phạm tội, các bị can bị khởi tố, tạm giam bước đầu đã nhận tội và phối hợp với CQĐT. Hoạt động của các đối tượng trong vụ án này rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng, xảy ra trong thời gian dài. Các đối tượng đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tốn nhiều thời gian trong công tác điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang