(CAO) Viện nghiên cứu Tâm Anh và Viện nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford hợp tác đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, trao đổi kiến thức chuyên môn giữa các nhà khoa học.
Ngày 10/9/2023, tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Vi sinh và Chống Dịch Stanford (ViRx@Stanford) cùng Viện nghiên cứu Tâm Anh thuộc Hệ thống BVĐK Tâm Anh (TAMRI). Thỏa thuận được xây dựng trên khuôn khổ hợp tác khoa học và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
“Sự kiện này là một dấu ấn quan trọng trong hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và Mỹ”, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, chuyên gia cấp cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Lễ ký kết hợp tác giữa Viện nghiên cứu Tâm Anh và Viện nghiên cứu Vi sinh & Chống dịch Stanford.
Theo đó, Viện nghiên cứu Vi sinh & Chống dịch Stanford và Viện nghiên cứu Tâm Anh thuộc Hệ thống BVĐK Tâm Anh sẽ đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học; nghiên cứu phát triển các loại thuốc phòng và trị bệnh; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng hệ thống phòng lab hiện đại cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng thuốc tại Viện nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ Stanford.
Trong khuôn khổ lễ ký kết, Viện Vi sinh và Chống dịch Stanford cam kết sẽ cập nhật những thành tựu mới, đưa những phương pháp điều trị mới nhất trong lĩnh vực viêm gan, bệnh truyền nhiễm, và ung thư về Việt Nam thông qua hợp tác với Viện nghiên cứu Tâm Anh.
Giáo sư Jeffrey S. Glenn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Vi sinh & Chống dịch Stanford cho biết: “Các phát minh khoa học, sáng kiến đổi mới và sáng tạo từ các phòng nghiên cứu thành công sẽ mang lại lợi ích to lớn cho loài người. Việc đưa các nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng thuốc mới về Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để người dân Việt Nam có cơ hội sớm tiếp cận với những phương pháp chữa bệnh mới và tốt trên thế giới.”
Giáo sư Jeffrey S. Glenn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Vi sinh & Chống dịch Stanford (bên trái) phát biểu trong buổi lễ ký kết hợp tác. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Thỏa thuận hợp tác giữa Viện nghiên cứu Tâm Anh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với Viện Vi sinh - Chống dịch Đại học Stanford sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu y tế bền vững, giảm gánh nặng của ngành y tế khi ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm sinh học trong nước.
Giáo sư Jeffrey S. Glenn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Vi sinh & Chống dịch Stanford tham quan BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
GS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Tâm Anh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, hai bên đều cùng nhìn thấy sự đồng thuận trong mục tiêu chung là phụng sự khoa học và phục vụ con người.
Trên cơ sở đó, hai bên đã đi đến đàm phán để thống nhất kế hoạch trong việc nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng thuốc mới và các phương pháp chẩn đoán bệnh.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Ngay sau lễ ký kết này, chúng tôi sẽ bắt tay cùng nhau để sớm thực hiện những dự án quan trọng, tăng cường trao đổi đào tạo, trao đổi hợp tác chuyên môn giữa các nhà khoa học của hai bên tại Việt Nam và Mỹ, thắt chặt hơn nữa hợp tác về khoa học, giáo dục, y tế và kinh tế giữa hai quốc gia.”
Ngoài ra, sự hợp tác giữa Viện Vi sinh - Chống dịch Đại học Stanford đồng hành cùng Viện nghiên cứu Tâm Anh còn mở ra cơ hội phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu thuốc và quản lý dữ liệu bệnh viện. Dựa vào trí tuệ nhân tạo, các nhà nghiên cứu có thể đưa ra các kết quả phân tích có giá trị để giúp tìm ra các liệu pháp điều trị mới hoặc cải thiện quá trình nghiên cứu y học.
Nói về tầm quan trọng của AI trong y học hiện nay, Tiến sĩ Lương Minh Thắng - Cố vấn cấp cao AI của Viện nghiên cứu Vi sinh & Chống dịch Stanford cho biết: “Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các nghiên cứu khoa học sẽ góp phần rút ngắn thời gian nghiên cứu, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Từ đó, quá trình nghiên cứu phát triển thuốc, vắc xin được tiết giảm thời gian và giá thành.”
Viện nghiên cứu Vi sinh & Chống dịch Stanford là một viện nghiên cứu của Mỹ, có nhiều sáng kiến an ninh sinh học vì mục tiêu phòng chống đại dịch. Không chỉ tập trung vào phát triển tiền lâm sàng các phương pháp trị liệu mới để chống lại các bệnh do virus gây ra, Viện còn nghiên cứu các thuốc mới điều trị ung thư, sốt xuất huyết, viêm gan…
Viện nghiên cứu Tâm Anh – TAMRI là viện nghiên cứu khoa học được thành lập từ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, có mục tiêu thực hiện các nghiên cứu liên quan đến bệnh lý, vắc xin; tiến hành thử nghiệm lâm sàng các phương pháp phòng ngừa và điều trị mới.
Việc tập hợp các nguồn lực, kiến thức và kinh nghiệm của 2 đơn vị hợp tác chắc chắn sẽ mang lại những kết quả đột phá và đóng góp đáng kể cho các hoạt động nghiên cứu nhằm hướng tới thúc đẩy tiến bộ y tế ở cả hai quốc gia.