(CAO) Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, việc các bác sĩ được Bộ Y tế cử đến miền Trung mong muốn ở lại "chiến đấu" đến hết dịch là nghĩa vụ cũng là mong muốn hết sức bình thường.
Đến sáng 5-8, Việt Nam đã ghi nhận có 672 ca nhiễm Covid-19, có 8 bệnh nhân tử vong (Đà Nẵng 7 ca; Quảng Nam 1 ca). Trước tình hình Đà Nẵng, Quảng Nam trở thành “ổ dịch” của cả nước với nhiều ca nhiễm và tử vong, Bộ Y tế, các bệnh viện lớn trong cả nước đã chi viện nhiều chuyên gia giỏi, cán bộ, nhân viên y tế cho miền Trung.
Sáng 5-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng đã trả lời báo chí một số vấn đề xung quanh công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như hoạt động của đoàn công tác của Bộ Y tế tại Đà Nẵng.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trả lời báo chí sáng nay về công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, báo cáo của các Sở Y tế và Bộ Y tế trong giai đoạn 1 đã mua đầy đủ trang thiết bị.
“Một số cơ sở sản xuất trong nước đang được huy động để sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó những cá nhân và tổ chức đã hỗ trợ nhập các trang thiết bị từ nước ngoài ủng hộ cho công tác phòng chống dịch. Nhiều đơn vị trong nước đã tăng cường sản xuất để giúp đỡ ngành Y đảm bảo đầy đủ trang thiết bị y tế”, Thứ trưởng cho biết.
Trả lời về kế hoạch điều trị cho các cán bộ y tế mắc COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin: “Đối với các y, bác sĩ mắc COVID-19, Bộ Y tế cũng chỉ định điều trị như các bệnh nhân COVID-19 khác. Tuy nhiên các cơ sở điều trị sẽ bố trí khu cách ly riêng để đảm bảo thời gian điều trị, hồi phục đảm bảo phục hồi sức khỏe cho các bác sĩ để sớm tiếp tục quay lại phục vụ công tác phòng chống dịch”.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác chống dịch tại các cơ sở.
Trong những ngày qua, Thứ trưởng đã khảo sát, làm việc, chỉ đạo đối với nhiều bệnh viện tại TP Đà Nẵng.
“TP Đà Nẵng có 3 bệnh viện công lớn nhất đã bị phong tỏa vì COVID-19, như vậy áp lực cho các cơ sở y tế khác tại địa phương là rất lớn trong công tác đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do vậy, Bộ Y tế đề xuất với Sở Y tế Đà Nẵng tận dụng các cơ sở y tế hiện có, đặc biệt là hệ thống bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Gia Đình và Bệnh viện Vinmec tham gia vào công tác thu dung khám bệnh, chữa bệnh và tiếp nhận các trường hợp nhiễm COVID-19, F1 tại bệnh viện Đà Nẵng”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.
Nói về việc xây dựng Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Đối với việc xây dựng bệnh viện nói chung và bệnh viện dã chiến nói riêng mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho người bệnh trong đó có quy trình tiếp nhận, xử lý và thu dung điều trị.
Ngoài ra còn phải bố trí phân luồng bệnh nhân và nhân viên y tế một cách hợp lý nhất đảm bảo môi trường y tế an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên khi thực hiện các quy trình về y tế cho người bệnh.
Bộ Y tế đã thị sát Bệnh viện dã chiến ở Cung thể thao Tiên Sơn, đây là một quyết định kịp thời và đúng đắn của lãnh đạo TP.Đà Nẵng. Cơ sở này rất thoáng mát, có nhiều cửa để thông khí tránh việc virus phát tán”.
Đặc biệt, khi nhắc đến việc chủ động xin Thủ tướng ở lại Đà Nẵng công tác đến khi hết dịch, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, không chỉ bản thân Thứ trưởng mà tất cả các thầy thuốc được Bộ Y tế cử đến miền Trung đều có nguyện vọng muốn ở lại tham gia công tác phòng chống dịch cho đến khi hết dịch. Đây là nghĩa vụ và cũng là mong muốn hết sức bình thường của thầy thuốc để đảm bảo giúp đẩy lùi dịch bệnh tại miền Trung.