Việt Nam nằm trong "vùng sỏi thế giới"

Thứ Bảy, 22/08/2020 11:47  | Ngô Đồng

|

(CAO) Theo một thống kê y học, tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu ở Việt Nam từ 2-12%, trong đó sỏi thận chiếm đến 40%. Các khảo sát cho thấy, Việt Nam nằm trong vùng có tỉ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu cao, gọi là “Vùng sỏi thế giới”.

Tỷ lệ mắc bệnh phụ thuộc vào các yếu tố như địa lý, khí hậu, chủng tộc, chế độ ăn uống và di truyền. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm góp phần làm tăng tỷ lệ sỏi niệu tại nước ta. 

Theo PGS.TS.BS.Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Tiết niệu-Thận học Việt Nam, với sỏi thận có kích thước nhỏ, người bệnh có thể được điều trị bằng cách cho uống nước nhiều và dùng thuốc tan sỏi hoặc tống xuất sỏi. Đối với sỏi thận có kích thước lớn, không thể điều trị bằng phương pháp nội khoa, các phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi thận qua da, phẫu thuật nội soi hay mổ mở được lựa chọn.

Trong phẫu thuật tán sỏi thận qua da, bác sĩ tạo ra một đường hầm tiếp cận viên sỏi từ ngoài da tại vùng hông lưng. Đường hầm có kích thước khoảng 1cm nên vết rạch da rất nhỏ, bác sĩ sẽ đưa thiết bị vào qua đường hầm này để tán vỡ vụn sỏi và lấy các mảnh nhỏ ra ngoài.

Trong khi đó, nếu mổ mở, người bệnh sẽ phải chịu một đường mổ dài khoảng 15cm ở vùng hông lưng. Vết mổ cắt đứt cơ vùng hông lưng, tổn thương thần kinh, xương sườn số 12 và mô xung quanh thận. Trong mổ mở, các lớp cân, cơ dùng dao điện để cắt đốt, bể thận hoặc kèm chủ mô thận được xẻ ra để lấy sỏi.

PGS.TS.BS.Vũ Lê Chuyên phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu cho người bệnh

Nội soi tán sỏi thận qua da là phương pháp được ưu tiên lựa chọn hiện nay trên thế giới trong phẫu thuật điều trị sỏi thận với nhiều ưu điểm vượt trội so với mổ mở kinh điển. Bên cạnh những lợi ích, người bệnh cũng cần biết là phương pháp này vẫn có tỷ lệ nhỏ nguy cơ nhiễm khuẩn, chảy máu, tổn thương cơ quan lân cận, thậm chí tử vong...

Chảy máu là một biến chứng đáng kể sau tán sỏi thận qua da, vì thận là một cơ quan chứa nhiều máu. Nguyên nhân do rò động mạch hoặc giả phình mạch, cần thuyên tắc động mạch xảy ra ở khoảng 1% trường hợp. Không hiếm các trường hợp chảy máu nặng phải truyền máu, thậm chí cắt thận hoặc tử vong.

Nhiễm khuẩn huyết cũng là một biến chứng cần lưu ý sau lấy sỏi thận qua da với tỷ lệ ghi nhận trong y văn từ 0,97%–4,7%. Nếu tình trạng đáp ứng kháng sinh kém, người bệnh có nguy cơ tử vong.

Tỷ lệ tử vong sau tán sỏi thận qua da từ 0,05% đến 0,8%, thường liên quan đến nhiễm khuẩn khó kiểm soát sau mổ. Thậm chí biến chứng nhiễm khuẩn huyết vẫn xuất hiện ở một số trường hợp có xét nghiệm nước tiểu sạch trước mổ. Lý do được giải thích là vì nước tiểu bị nhiễm khuẩn trên chỗ bế tắc và lượng vi khuẩn bám trên bề mặt sỏi bị phát tán ra ngoài lúc tán sỏi.

Biến chứng khác như tổn thương cơ quan lân cận (ruột, gan, lách, phổi..), thủng bể thận và niệu quản gây rò nước tiểu, nhiễm trùng... có thể xảy ra trong quá trình tạo đường hầm.

Tỷ lệ sạch sỏi của tán sỏi thận qua da được báo cáo lên đến 90%, tùy mức độ kinh nghiệm, đặc tính của sỏi và thiết bị được sử dụng trong quy trình. Các nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong quá trình tán sạch sỏi là không tiếp cận được các đài thận chứa các viên sỏi, hình ảnh phẫu trường khó quan sát rõ do máu che mờ, kỹ thuật và thành phần sỏi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang