Tai nạn lao động tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều vụ nghiêm trọng

Thứ Năm, 25/07/2024 18:30

|

(CATP) Ngày 24/7, Công an quận Gò Vấp (TPHCM) đang phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của 2 công nhân khi thi công công trình trên mặt đường thuộc quận Gò Vấp.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 2 giờ ngày 23/7, một số công nhân đang làm việc tại khu vực đường Thống Nhất thì phát hiện 2 đồng nghiệp đang sử dụng máy khoan cắt bê-tông bất ngờ ngã gục và bất tỉnh. Mọi người vội chạy đến đưa 2 nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu, nhưng cả hai đã không qua khỏi. Danh tính 2 nạn nhân được xác định là ông P.V.E (58 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) và ông H.V.H.E (55 tuổi, quê Đồng Tháp).

Tiếp nhận tin báo, Công an quận Gò Vấp lập tức phối hợp các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai những người liên quan để tiến hành điều tra, làm rõ. Qua trích xuất camera an ninh, lực lượng chức năng xác định thời điểm xảy vụ việc, 2 công nhân đang khoan đục bê-tông thì xuất hiện tia lửa điện.

Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trên khắp cả nước khiến dư luận bàng hoàng. Điển hình, ngày 01/5, tại xưởng sản xuất của Công ty gỗ Bình Minh (X.Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) xảy ra vụ nổ lò hơi kinh hoàng, đã cướp đi tính mạng của 6 người và làm 5 nạn nhân khác bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định do lỗi kỹ thuật trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành.

Trước đó, ngày 22/4, một vụ tai nạn thương tâm khác cũng đã xảy ra tại Công ty Cổ phần xi măng và khoáng sản Yên Bái khiến 7 người chết, 3 người bị thương. Nguyên nhân tai nạn thảm khốc này là do công nhân bất cẩn, sai sót trong quá trình ngắt, mở điện khiến động cơ chính máy nghiền số 3 hoạt động trong khi đang sửa chữa.

Trên thực tế, vấn đề an toàn lao động đã được quan tâm và nhắc nhở nhiều lần, từ các văn bản pháp luật, các hội nghị, hội thảo đến hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Tuy nhiên, những vụ TNLĐ tương tự vẫn liên tiếp xảy ra cho thấy công tác an toàn lao động vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự đi vào nề nếp cuộc sống. Ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ TNLĐ, từ nhà máy, xí nghiệp lớn đến những xưởng sản xuất nhỏ lẻ; thậm chí ngay cả trong chính ngôi nhà của mỗi người dân. Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ cũng rất đa dạng, từ sự chủ quan của người lao động, sự thiếu quan tâm, tắc trách của chủ sử dụng lao động đến những lỗ hổng trong công tác quản lý, kiểm tra an toàn lao động.

Nơi xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 2 người tử vong

Riêng tại TPHCM, theo thống kê của Sở LĐTB&XH TPHCM, hiện có trên 220.000 doanh nghiệp, trên 434.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, với trên 4,6 triệu người làm việc. Năm 2023 xảy ra 703 vụ TNLĐ (giảm 12,45% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, 44 vụ TNLĐ có người chết (giảm 45%), làm 44 người tử vong (giảm 42,8%) và 98 người bị thương nặng (giảm 39,5%). Từ ngày 01/12/2023 đến ngày 29/3/2024, tại TPHCM xảy ra 10 vụ TNLĐ (làm chết 12 người).

Theo đánh giá, TNLĐ xảy ra chủ yếu tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Qua công điều tra các vụ TNLĐ chết người, nhận thấy tình hình TNLĐ nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNLĐ là do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn, hoặc không có quy trình an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Để bảo đảm an toàn lao động, Sở LĐTB&XH TPHCM cho biết sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện một số giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người lao động trong việc bảo đảm an toàn lao động, bảo đảm sức khỏe cho người lao động trong quá trình làm việc. Ngoài tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, Sở cũng tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động để phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp...

Bên cạnh đó, chủ động tăng cường rà soát, kiểm tra các lĩnh vực có nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, đặc biệt là các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ. Đồng thời, chủ động kiểm soát và nhận diện, đánh giá các nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động, nhất là trong các nhóm ngành nghề, công việc tiềm ẩn rủi ro cao như: làm việc trên cao, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế, trong xây dựng, khai khoáng, trong sử dụng điện, thiết bị áp lực, hóa chất, thiết bị nâng, thang máy; sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động...

Bình luận (0)

Lên đầu trang