(CAO) Hơn 10 năm nay, 3 dự án thủy điện tại tỉnh Kon Tum chưa nộp hơn 9 tỉ đồng tiền trồng rừng thay thế. Việc các thuỷ điện nợ tiền trồng rừng thay thế đã làm ảnh hưởng đến việc trồng lại rừng sau khi chuyển đổi phục vụ dự án.
Ngày 25/7, theo thông tin từ Sở Công thương Kon Tum, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 82 vị trí thuỷ điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất hơn 882MW, trong đó có 32 thuỷ điện đã phát điện, 10 dự án thuỷ điện khác đã khởi công xây dựng.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án thuỷ điện lớn là Plei Krông (công suất 100MW) và Thượng Kon Tum (công suất 220MW). Còn các thuỷ điện nằm chung giữa tỉnh Kon Tum với Gia Lai và Quảng Ngãi có tới 7 thuỷ điện.
Hầu hết các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đều chọn phương án nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Kon Tum để giao chủ rừng trồng rừng thay thế.
Tuy nhiên, một số chủ đầu tư thuỷ điện chưa thực hiện trách nhiệm nộp tiền, làm ảnh hưởng đến việc trồng rừng. Cụ thể, số tiền các chủ đầu tư dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn nợ tiền trồng rừng thay thế là hơn 9 tỉ đồng. Điển hình như thuỷ điện Đăk Mek 3 còn nợ hơn 3,8 tỉ đồng, 2 thuỷ điện là Đăk Ruồi 2 và Đăk Ruồi 3 còn nợ hơn 5,4 tỉ đồng.
Theo Sở Công thương Kon Tum, các nhà máy thủy điện trên được đầu tư từ thời điểm năm 2010 và năm 2011. Khi triển khai dự án, một số diện tích rừng phải chuyển đổi. Chủ đầu tư không có điều kiện trồng rừng nên xin nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Kon Tum.
Trong quá trình triển khai dự án, thủy điện Đăk Mek 3 bị vỡ đập, không có điều kiện thanh toán. Còn dự án Thủy điện Đăk Ruồi 2 và Đăk Ruồi 3 đã bị chấm dứt hoạt động đầu tư, do không đưa đất và chậm đưa đất vào sử dụng.