(CAO) Sau hơn chục năm triển khai, dự án quy hoạch bố trí dân cư Đăk Hring (xã Đăk Long, H.Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) vẫn khá vắng dân và đang bộc lộ nhiều bất cập. Một số hộ được nhận đất trong Dự án cũng đã tìm cách bán lại.
Dự án quy hoạch bố trí dân cư Đăk Hring triển khai trong giai đoạn 2009-2015, bố trí ổn định dân cư cho 300 hộ (1.500 khẩu) thiếu đất sản xuất do ngập lòng hồ thuỷ điện Plei Krông. Tổng diện tích quy hoạch dự án là 690 héc-ta (điểm dân cư 110 héc-ta, 580 héc-ta bố trí đất sản xuất), với mức đầu tư là 149 tỷ đồng, do UBND H.Đăk Hà làm chủ đầu tư.
Rất ít ai nghĩ đây là khu dân cư có tổng mức đầu tư 149 tỉ đồng.
Đến nay, khu tái định cư chỉ bố trí được 126 hộ, đạt 42%. Tuy nhiên, chỉ có 86 hộ ở thường xuyên, 40 hộ chưa ở cố định, chỉ lên canh tác rồi quay về làng cũ sinh sống. Hiện còn 85 hộ trong khu tái định cư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất.
Thời gian qua, xuất hiện tình trạng buôn bán đất trong khu dân cư. Các hộ được cấp đất tái định cư nhưng không lên ở đã bán lại cho người khác. Theo ông A Luyn – Thôn trưởng thôn Pa Cheng, xã Đăk Long (thôn thuộc khu tái định cư), đến nay đã có 10 hộ chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất thuộc khu dân cư cho người khác thông qua giấy viết tay.
Mới đây, Đoàn khảo sát của của HĐND tỉnh Kon Tum đã đi khảo sát thực tế tại Dự án quy hoạch bố trí dân cư Đăk Hring. Sau khi đi thực tế, đoàn đã chỉ ra hàng loạt tồn tại của Dự án.
Cụ thể, Dự án không đạt mục tiêu về kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của nhân dân. Các chính sách hỗ trợ khuyến nông, hỗ trợ chuồng trại, hỗ trợ lương thực 12 tháng cho các hộ dân diện trong vùng dự án không được thực hiện. Diện tích đất sản xuất bình quân cho mỗi hộ còn thấp nên rất khó khăn cho phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài.
Ngoài ra, giếng không có nước vào mùa khô và hầu hết nhà ở của các hộ dân thôn Pa Cheng có diện tích nhỏ, đất ở không có ranh giới. Nhiều nhà trong khu tái định cư chưa được tô trát, có nhà chưa được láng nền, chưa có công trình phụ, nhà vệ sinh, không bảo đảm cho việc ở, sinh hoạt. Diện tích đất được quy hoạch, thu hồi để giao đất sản xuất cho người dân khoảng 13,7 héc-ta nhưng không ai nhận, vì có độ dốc lớn, nhiều đá sỏi, dân không sản xuất được.
Đoàn khảo sát cũng chỉ ra: Các hộ dân ký nhận, điểm chỉ nhận đủ số tiền hỗ trợ làm nhà là 41 triệu đồng/hộ, nhưng thực tế họ không được nhận đủ số tiền này, và được Ban Quản lý dự án của H.Đăk Hà thông tin là trừ vào tiền mua máy tưới cà phê cho các nhóm hộ.
Những căn nhà được xây lên phần thôn rồi bỏ đó.
Nguyên nhân xảy ra tồn tại một phần do UBND H.Đăk Hà lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án chưa chặt chẽ, sâu sát, kịp thời dẫn đến nhiều sai sót trong việc thực hiện dự án.
Đoàn khảo sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý các vi phạm (nếu có); đồng thời, khắc phục các tồn tại của dự án, đảm bảo sớm ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân sinh sống tại khu tái định cư.
(CAO) UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản, yêu cầu UBND H.Đăk Hà xác định trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, hạn chế tại dự án quy hoạch bố trí dân cư Đăk Long (H.Đăk Hà).