Chủ công ty lương thực bị tố "giật nợ" của hàng chục người dân

Thứ Hai, 22/07/2024 19:24

|

(CATP) Là chủ doanh nghiệp lớn ở địa phương, ông Trần Long Triều (SN 1971), Giám đốc Công ty TNHH lương thực Phước Thịnh (địa chỉ: ấp Hậu Giang 1, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã có hành vi huy động vốn của nhiều hộ gia đình bằng hình thức vay tiền, mượn tài sản với mục đích phục vụ hoạt động kinh doanh. Đến thời hạn thành toán thì không thực hiện nghĩa vụ khiến nhiều gia đình khốn đốn.

Bán đất, gánh lãi vì... chủ lớn

Theo phản ảnh của người dân đến Báo Công an TPHCM, Công ty TNHH lương thực Phước Thịnh là doanh nghiệp chuyên kinh doanh lương thực với nhiều nhà máy lớn, đã hoạt động nhiều năm tại địa phương. Thời gian đầu, hoạt động của công ty đã tạo được uy tín đối với người dân, trong đó có việc thu mua nếp với sản lượng lớn.

Đến năm 2022, ông Trần Long Triều giới thiệu là Giám đốc Công ty Phước Thịnh, thỏa thuận với các cá nhân, hộ dân trên địa bàn huyện Phú Tân, đặt vấn đề huy động vốn cho công ty với mục đích "có vốn lưu động thu mua lương thực, trả lương cho người lao động của công ty cũng như cần vốn bổ sung vào mục đích khác".

Anh Lê Kiến Trúc (SN 1985, ngụ ấp Hưng Thạnh, xã Phú Hưng, huyện Phú Tân) trình bày: Năm 2022, ông Triều có đặt vấn đề cần tiền để thu mua lương thực cho Công ty Phước Thịnh gấp nên huy động số tiền 1,3 tỷ đồng. Anh Trúc thế chấp 20 công đất trồng lúa để vay ngân hàng cho ông Triều vay lại với lời hứa sẽ trả đúng hẹn. Đến thời hạn thanh toán, ông Triều không trả tiền và cũng không đưa ra lý do. "Tôi đóng lãi cho ngân hàng kéo dài hơn 2 năm qua dẫn đến kiệt quệ về tài chính. Hiện, tôi không có tiền đóng lãi cũng như đến kỳ thanh toán tiền gốc cho ngân hàng, dẫn đến nguy cơ thành nợ xấu và mất tài sản bảo đảm. Ngoài ra, ông Triều còn vay của cha tôi số tiền 550 triệu đồng mà không trả”. Anh Trúc cho hay, trước đó cha anh phải bán 7 công đất trả nợ cho ngân hàng. Từ sự uất ức và lo lắng đã khiến ông lâm bệnh rồi qua đời.

Nghịch cảnh hơn là trường hợp của chị Lâm Ngọc Hiền (SN 1974, ngụ khóm Trung Thạnh, thị trấn Phú Mỹ). Chị Hiền buồn bã cho biết, chị bán tạp hóa tại nhà, thu nhập rất ít ỏi, chỉ đủ lo cho con cái. Thế nhưng, vì tin lời của ông Triều cũng như uy tín trong công việc kinh doanh mà chị đã bán 9 công đất và mượn tiền của người thân để đưa 700 triệu đồng cho chủ doanh nghiệp này với mong muốn có được ít lãi tăng thu nhập thêm cho con đi học. Sau vài lần trả lãi đúng hẹn, đến nay số tiền 700 triệu đồng cho ông Triều vay đang có nguy cơ mất trắng vì nhiều lần liên hệ chỉ nhận được hứa hẹn rồi lại thất hứa.

Người dân bức xúc trình bày vụ việc

Huy động vốn bằng thủ đoạn mượn nếp

Là chủ lò sấy, anh Nguyễn Văn Lui (SN 1973, ngụ ấp Hưng Thới 1, xã Phú Hưng) bức xúc trình bày: Anh và ông Triều có giao dịch qua lại trong việc gia công sấy thành phẩm lúa nếp cho Công ty Phước Thịnh. Sau nhiều lần vay tiền của Lui nhưng không được chấp nhận, ông Triều dùng "thủ đoạn" mượn nếp để Công ty Phước Thịnh có sản phẩm nếp bán ra ngoài thị trường, bảo đảm đúng hẹn trong hợp đồng mua bán với đơn vị khác. Vì tin tưởng đối tác làm ăn đã lâu nên anh Lui không ngần ngại giúp đỡ. Từ năm 2022 đến nay, ông Triều đã vay của anh Lui số lượng 500 tấn nếp (tương đương hơn 2,6 tỷ đồng). Số nếp này sau đó đã không quay về kho của lò sấy, dẫn đến anh Lui phải mua nếp bên ngoài thị trường với giá rất cao cũng như thiếu nguyên liệu gia công cho khách hàng đã ký, gây thiệt hại lớn. Hiện nay, lò sấy của anh Lui chỉ hoạt động cầm chừng vì khó khăn về vốn do phải bù đắp vào thiệt hại của thủ đoạn mượn nếp cho Công ty Phước Thịnh của ông Triều.

Anh Lui cũng đặt vấn đề, phải chăng ông Triều mượn nếp bán để lấy tiền phục vụ cho mục đích cá nhân (?!).

Cũng nằm trong danh sách bị ông Triều huy động vốn, anh Nguyễn Văn Trâm (ngụ ấp Phú Qưới, xã Phú Thành) cho biết, là một thương lái mua nếp tại địa phương, anh đã cho ông Triều mượn số tiền 500 triệu đồng không lãi suất để "trả lương cho công nhân Công ty Phước Thịnh". "Hiện tôi đã không còn vốn để đi thu mua do phải đóng lãi cho ngân hàng từ năm 2022 đến nay. Điều tôi lo lắng nhất là khoản nợ gốc không thanh toán thì mất hết tài sản thế chấp cho ngân hàng", anh Trâm rầu rĩ.

Cố tình tẩu tán tài sản?

Ngoài những cá nhân, hộ dân nêu trên thì ông Triều cũng huy động vốn từ ngân hàng và nhiều người khác mà không thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận, dẫn đến tranh chấp và bị khởi kiện ra tòa. Vụ việc đã được TAND huyện Phú Tân thụ lý và đã có quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự. Trong đó, ông Triều (bị đơn) phải có nghĩa vụ trả nợ cho các nguyên đơn. Tuy nhiên, khi thực hiện thi hành án theo thẩm quyền của mình thì Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Phú Tân lại có những "động thái lạ”. Tại biên bản giải quyết việc thi hánh án ngày 29/5/2023, khoản dư nợ còn lại của ông Triều tại một ngân hàng có chi nhánh huyện Phú Tân là 8.552.542.986 đồng (bao gồm gốc và lãi). Số dư nợ được thống nhất về phía ông Triều sẽ dùng 6 tài sản (trong đó có 2 tài sản thế chấp tại ngân hàng) trả trước cho ngân hàng 50% dư nợ. Mặc dù chưa tất toán hợp đồng, nhưng ngân hàng này giải chấp 2 tài sản dùng thế chấp cho ông Triều (ngày 30/5/2023 giải chấp). Từ đó, ông Triều ký hợp đồng chuyển nhượng cho cá nhân khác.

Bên cạnh đó, để bảo đảm các tài sản bị kê biên có đủ điều kiện để chuyển nhượng, Chi cục THADS huyện Phú Tân vào ngày 30/5/2023 đã ra quyết định số 26/QĐ-CCTHADS về việc thu hồi toàn bộ quyết định cưỡng chế kê biên số 52/QĐ-CCTHAD ngày 19/5/2023 đối với 2 tài sản là quyền sử dụng đất mà ông Triều thế chấp cho ngân hàng.

Một động thái khác, ngày 31/5/2023, TAND huyện Phú Tân đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự đối với khoản nợ mà ông Triều mượn của anh Lê Kiến Trúc, chị Lâm Ngọc Hiền, ông Nguyễn Hữu Thật; buộc ông Triều phải thanh toán các khoản nợ đã vay mượn theo thỏa thuận. Ngày 01/6/2023, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phú Tân ban hành các quyết định thi hành án. Đến ngày 19/3/2024, Chi cục THADS huyện Phú Tân ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án vì ông Triều không còn tài sản để thi hành án.

Như vậy, Chi cục THADS huyện Phú Tân sau khi hủy bỏ quyết định kê biên tài sản ngày 30/5/2023 đối với 2 tài sản ông Triều đang thế chấp tại ngân hàng, ngay sau đó ngân hàng đồng ý giải chấp khi ông Triều chưa hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng. Trong khi ngày 01/6/2023 (tức chỉ sau 1 ngày hủy bỏ kê biên), Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phú Tân ban hành quyết định thi hành án cho các nguyên đơn khác mà không có bất kỳ quyết định ngăn chặn nào đối với việc bán tài sản của ông Triều thì có đúng trách nhiệm và quy định pháp luật (?!).

Liên quan đến vụ việc này, ông Võ Hoàng Long - Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh An Giang đã có buổi làm việc với phóng viên Báo Công an TPHCM và cho biết, sẽ báo cáo vụ việc với Cục trưởng và yêu cầu Chi cục THADS huyện Phú Tân báo cáo, trả lời bằng văn bản.

Báo Công an TPHCM sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có phản hồi từ cơ quan chức năng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang