(CAO) Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đã ký ban hành Kế hoạch số 488/KH-BCA-C11 và Công văn số 3336/BCA-C11, chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thực hiện Quyết định này.
Theo đó, chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nội dung Quyết định để tạo sự thống nhất về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, từ đó có sự chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả.
Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Công an các địa phương chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách đến những phạm nhân, đặc biệt là số sắp chấp hành xong án phạt tù, để họ nắm được chính sách, yên tâm cải tạo và chủ động trong việc tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội ngay sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
Bộ Công an đã đề nghị Công an các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 22 trên địa bàn, chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt nội dung nhiệm vụ được giao.
Quyết định 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Đối tượng vay vốn bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Điều kiện vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội. Cơ sở sản xuất kinh doanh được thành lập và hoạt động hợp pháp, sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có phương án vay vốn.
Vốn vay được sử dụng để chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí này bao gồm học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại. Đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, chi phí được sử dụng để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.
Người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn theo phương thức thông qua hộ gia đình. Cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn theo phương thức cho vay trực tiếp. Mức vốn cho vay tối đa để đào tạo nghề là 4 triệu đồng/tháng, để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa 2 tỉ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động.