Tập huấn phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm trong trường học

Thứ Ba, 08/10/2024 20:52

|

(CATP) Sáng 07/10, hơn 2.000 học sinh Trường THCS Lương Định Của, TP.Thủ Đức (TP.HCM) hào hứng tham gia tập huấn phòng cháy chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy.

Nhận thức phòng cháy hơn chữa cháy

Đây là hoạt động thiết thực, hưởng ứng ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy (04/10). Trong dịp này, học sinh được xem nhiều hình ảnh trên màn hình Led kích thước lớn ở sân trường, về các vụ cháy có nguyên nhân từ sự bất cẩn trong sinh hoạt.

Những phân tích cụ thể từ giáo viên hướng dẫn đã giúp học sinh hiểu được vai trò quan trọng của việc phòng chống cháy nổ. Hình thành nên đức tính cẩn thận trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là khi sử dụng thiết bị điện, nấu ăn bằng bếp gas. Các thầy cô lưu ý học sinh điều chỉnh một số thói quen dễ dẫn đến nguy cơ cháy, nổ như sạc điện thoại, máy tính qua đêm hoặc lúc đi vắng.

Cô Vũ Thị Minh Hiếu - Hiệu trưởng trường này chia sẻ với phóng viên: "Đặc điểm của phường Thạnh Mỹ Lợi - nơi trường đang trú đóng, có khá nhiều chung cư. Vì vậy, chúng tôi chú trọng đến việc phổ biến cho học sinh những kiến thức phòng ngừa cháy, nổ và thoát hiểm, thoát nạn khi xảy ra cháy".

Học sinh Trường tiểu học Tân Phú, TP.Thủ Đức, hăng hái phát biểu trong giờ học kỹ năng sống

Phấn khởi khi vừa được thực hành thao tác sử dụng bình chữa cháy, nữ sinh Nguyễn Lê Quỳnh Anh, học lớp 9A9 hớn hở khoe: "Trăm hay không bằng tay quen. Năm nào nhà trường cũng tổ chức tuyên truyền phòng cháy chữa cháy, nên chúng em nắm vững được cả lý thuyết lẫn thực hành".

Nhiều phụ huynh của trường này cho biết, những tiết học bổ ích, thú vị không chỉ ý nghĩa với học sinh mà còn rất cần thiết với các bậc cha mẹ. Nhờ đó, mỗi người càng hiểu sâu sắc hơn và rút kinh nghiệm cho bản thân cùng gia đình. Một số thói quen sinh hoạt trước kia dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ, như: nấu nồi cơm điện cả ngày vào lúc không có người ở nhà; khóa cửa đi ra ngoài khi trẻ em còn ngủ; đốt nhang, vàng mã không đảm bảo an toàn đã được chỉ ra thiếu sót và biện pháp khắc phục.

Được biết, đây cũng là một trong những ngôi trường mà học sinh không sử dụng điện thoại trong trường học. Thay vào đó, các em luôn được tham gia những chương trình sinh hoạt mang tính giáo dục nhân cách, vận động thể chất. Tăng cường tương tác trực tiếp giữa học sinh với nhau và học sinh với giáo viên, khiến cho môi trường học đường thêm phần hấp dẫn, lôi cuốn.

Sinh động những giờ học ngoại khóa

Các trường gồm: tiểu học Phong Phú, THCS Bình Chiểu, THCS Nguyễn Văn Trỗi, TP.Thủ Đức giảng dạy nội dung an toàn giao thông cho hơn 5.000 học sinh. Bên cạnh đó, vận động phụ huynh ký cam kết chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ, luôn đội mũ bảo hiểm cho trẻ em đủ 6 tuổi trở lên, khi ngồi trên xe gắn máy. Mưa dầm thấm lâu, những bài học ngoại khóa đã có tác dụng tích cực đến ý thức tự giác chấp hành pháp luật ở trẻ em và người lớn.

Học sinh Trường THCS Lương Định Của, TP.Thủ Đức, hào hứng trải nghiệm sử dụng mặt nạ chống khói, sáng 7-10

Tại Trường tiểu học Tân Phú, TP.Thủ Đức, gần 2.200 học sinh được hướng dẫn các biện pháp phòng tránh nạn bắt cóc trẻ em. Lấy dẫn chứng từ vụ một phụ nữ dụ dỗ, bắt cóc hai trẻ em gái tại quận 1 (TP.HCM) vào đầu năm nay, cô Trần Thị Hồng Điểm - Hiệu trưởng trường này nhắc nhở: "Kẻ xấu hay lợi dụng lúc trẻ em mải chơi, ham vui hoặc ngoài tầm nhìn của người thân ở nơi công cộng, cho quà bánh để thực hiện ý đồ bắt cóc. Vậy nên, các bạn nhỏ phải luôn theo sát phụ huynh mỗi khi ra đường. Đồng thời, thuộc lòng số điện thoại của cha mẹ để nhờ người tốt gọi khi cần thiết".

Trường học hạnh phúc nay lại có thêm yếu tố an toàn. Dĩ nhiên, các bậc phụ huynh là người vui mừng nhất. Ông Nguyễn Chánh Trung, 45 tuổi, có 2 con trai đang học tại Trường THCS Hoa Lư bộc bạch: "Nhà trường luôn quan tâm dạy kỹ năng "mềm" cho học sinh. Vì thế gia đình tôi rất yên tâm, khi thấy các con hiểu và áp dụng được nhiều kiến thức giá trị trong cuộc sống hàng ngày".

Bình luận (0)

Lên đầu trang