42% số người nghiện lang thang ngoài xã hội
Thời gian qua, lực lượng Công an đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp có nhiều biện pháp để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn và tội phạm ma túy (TPMT) ra khỏi đời sống xã hội. Tuy nhiên, tình hình TPMT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Hàng năm, số vụ, số đối tượng phạm tội ma túy bị truy tố và tang vật thu giữ năm sau luôn cao hơn năm trước.
Đặc biệt, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy luôn có xu hướng tăng. Tính đến cuối năm 2023, số người nghiện ở ngoài xã hội là 71.647 người, chiếm 42% tổng số người nghiện trong cả nước; công tác cai nghiện hiệu quả chưa cao. Những vấn đề trên và việc người nghiện ngoài xã hội còn quá nhiều là nguyên nhân chính hình thành các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy tại các xã, phường, thị trấn.
Năm 2023, tình hình tội phạm lợi dụng hoạt động kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm để tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình trạng sử dụng MTTH tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm như: vũ trường, quán bar, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ... tuy giảm về số vụ phát hiện và đối tượng, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Các cơ sở kinh doanh karaoke, karaoke kết hợp lưu trú và núp bóng nhà hàng, quán bar, vũ trường biến tướng, hát cho nhau nghe, nhà hàng ăn uống sử dụng nhạc mạnh như vũ trường, các loại hình lưu trú nhất là loại tự phát như: homestay, căn hộ chung cư cao cấp, biệt thự, khu nghỉ dưỡng (resort) là những địa điểm được ưa chuộng để các đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Bởi tại các nơi này có những điều kiện thuận lợi như: trang bị âm ly, loa thùng với công suất mạnh và bật nhạc mạnh, cách âm tốt, ánh sáng đèn xoay nhanh, mạnh nhiều màu sắc... dễ gây ảo giác, dễ kích thích tâm lý, hành vi bay lắc, thác loạn, dễ tụ tập đông người cùng tham gia.
Các đối tượng và vũ khí bị Công an tỉnh Nghệ An thu giữ
Thực tế cho thấy, hiện nay tại một số địa phương hình thành những khu đô thị mới có nhiều loại hình nhà (biệt thự, chung cư...) được chủ đầu tư mua nhưng không ở mà cho thuê hoặc cho ký gửi bộ phận trung gian làm dịch vụ cho thuê lại theo hình thức thuê theo giờ, ngày, tuần, tháng hoặc dài hạn... Những loại hình nhà này có đầy đủ tiện nghi như nhà nghỉ, khách sạn được trang bị khóa cửa thông minh và khi tiến hành giao dịch thuê, chủ nhà cũng không cần gặp mặt khách, chỉ cần liên lạc qua điện thoại, mạng xã hội...
Bản chất của dịch vụ này là kinh doanh lưu trú nhưng không đăng ký kinh doanh, không thông qua chính quyền, công an cơ sở nên việc quản lý, nắm tình hình cư trú gặp khó khăn. Lợi dụng những đặc điểm này, nhiều đối tượng đã thuê các loại hình nhà trên để hoạt động phạm tội, trong đó có tổ chức sử dụng, mua bán trái phép các chất ma túy trong thời gian dài.
Gần đây, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm diễn biến phức tạp tại địa bàn giáp ranh, các khu công nghiệp, khu chế xuất, công trường xây dựng lớn và cả vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Cùng với sự đô thị hóa nhanh và mở rộng, phát triển các khu công nghiệp thu hút số lượng lớn lao động từ các địa phương khác đến sinh sống và làm việc, nên công tác quản lý cư trú gặp nhiều khó khăn và đây cũng là một trong những nguyên nhân, điều kiện dễ nảy sinh các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.
Tước giấy phép kinh doanh một vũ trường ở tỉnh Lâm Đồng vì để khách tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy vào ngày 26/6/2023
Bên cạnh đó, các đối tượng hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi cách thức để che giấu hành vi phạm tội. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa tích cực, kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống TPMT; các ban, ngành, đoàn thể các cấp chưa thực sự vào cuộc nên chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia PCMT một cách liên tục, quyết liệt... Những nguyên nhân trên khiến các tụ điểm, điểm "nóng" về ma túy vẫn liên tục tồn tại, phát sinh.
Xử lý nghiêm kẻ đứng đầu có dấu hiệu "bảo kê”
Theo báo cáo của Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an, từ năm 2022, toàn quốc còn 208 điểm và 22 tụ điểm phức tạp về ma túy. Trong năm 2023, Công an các đơn vị, địa phương đã triệt xóa 79 điểm và 11 tụ điểm, xử lý hình sự 786 đối tượng; xử lý hành chính 1.038 đối tượng. Toàn quốc hiện còn 129 điểm, 11 tụ điểm phức tạp về ma túy, 2.661 cơ sở có nguy cơ trở thành điểm "nóng" về tệ nạn và TPMT (trong đó có 135 căn hộ, chung cư).
Sau gần một năm triển khai Hướng dẫn số 689 của Cục C04, số điểm, tụ điểm đã giảm đáng ghi nhận. Công an các địa phương tập trung rà soát, thống kê và phân công, phân cấp, xác định thời hạn trong quản lý, đấu tranh, giải quyết điểm nguy cơ, điểm, tụ điểm phức tạp, đối tượng bán lẻ về ma túy tương đối quyết liệt, do đó điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy được đưa vào danh sách tăng lên mạnh. Song song với đó, công tác đấu tranh triệt xóa, vô hiệu hóa điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy đã được Công an các địa phương chú trọng và quyết liệt triển khai. Nhờ đó, số điểm phức tạp mà lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy của các địa phương đã đấu tranh, triệt xóa, thanh loại cao hơn số lượng phát sinh mới rất nhiều.
Tang vật trong một vụ án
Tuy nhiên, việc thực hiện Hướng dẫn trên đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số trường hợp xác định đưa vào điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy gặp khó khăn do thực tế tại một số khu đô thị mới có nhiều nhà chung cư, mật độ dân cư đông như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, nhiều chủ căn hộ mua nhưng không ở mà cho người khác thuê nên việc quản lý cư trú rất khó. Bên cạnh đó, những căn hộ chung cư cao cấp, trung cấp hiện được trang bị khóa cửa thông minh, khóa cửa vân tay... hoặc rất khó để tiếp cận phối hợp làm việc với ban quản lý chung cư.
Đấu tranh ngăn chặn tệ nạn và TPMT tại xã, phường, thị trấn, đặc biệt là đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy là công tác vô cùng khó khăn, phức tạp, phải tốn nhiều thời gian, công sức, công phu, kiên trì và phải sử dụng linh hoạt, đồng bộ nhiều biện pháp với quyết tâm cùng sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo công an các cấp, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác này, Cục C04 đề nghị cần tăng cường công tác nắm và dự báo tình hình, công tác quản lý nhà nước về ANTT, tổ chức tuần tra (thường xuyên và đột xuất) đối với các địa bàn, khu vực dễ phát sinh, hình thành điểm, tụ điểm mua bán lẻ trái phép chất ma túy, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm có biểu hiện nghi vấn liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là thời điểm trước, trong, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và các lễ hội đầu xuân; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hoạt động quá giờ, không có hoặc không đủ giấy phép; mua bán, sử dụng "bóng cười" tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm, không để bị động, bất ngờ, không để hình thành điểm "nóng" về ma túy.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, thông tư, quyết định và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác nghiệp vụ cơ bản; thường xuyên cập nhật, bổ sung thông tin, tài liệu về hội, nhóm, tài khoản trên không gian mạng cũng như các đối tượng liên quan đến TPMT. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia PCMT; tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân, người đứng đầu đơn vị, địa bàn, lĩnh vực nếu để xảy ra sót lọt hoặc để điểm, tụ điểm phức tạp kéo dài mà không được giải quyết triệt để, tái phức tạp, có dấu hiệu "làm ngơ”, "bảo kê” gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.