Nông sản sạch bí đầu ra: Nông dân 'rầu thúi ruột'

Thứ Hai, 26/06/2017 01:45  | Ngô Đồng

|

(CAO) Có lẽ chưa bao giờ nông sản không rõ nguồn gốc lại gây nỗi lo lắng cho người tiêu dùng đến như vậy. Thế nhưng, người tiêu dùng muốn mua nông sản, thực phẩm "sạch" thì không phải dễ. Trong khi đó, các cá nhân, đơn vị sản xuất nông sản sạch vẫn đang kêu khó về đầu ra.

Thực phẩm sạch gian truân đầu ra

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu thị trường, trên địa bàn tỉnh Long An đã hình thành các mô hình thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn như xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn,... Tỉnh cũng luôn tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, các phương pháp cách ly dư lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, đảm bào sức khỏe cho người tiêu dùng và cho trong cộng đồng.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An. Ảnh: NĐ

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, dù nông dân tỉnh có thể sản xuất ra lượng sản phẩm sạch, an toàn với số lượng lớn cung ứng cho thị trường, sẵn sàng tham gia các chuổi an toàn thực phẩm; song vấn đề khó khăn hiện nay là nông dân đang "bí" ở khâu đầu ra cho sản phẩm của mình sản xuất. Phần lớn nông dân muốn đưa thực phẩm an toàn vào siêu thị, chợ đầu mối hay các cơ sở kinh doanh tại TP.HCM đều phải qua trung gian hoặc nông dân phải tự tìm đầu ra.

Ông Đặng Duy Dũng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phước Thịnh (xã Phước Hậu, Cần Giuộc, Long An) cũng thừa nhận, vấn đề tìm đầu ra cho nông sản còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Đặng Duy Dũng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phước Thịnh. Ảnh: NĐ

Ông Dũng cho hay: "Hợp tác xã (HTX) Phước Thịnh được thành lập từ tháng 3-2012, những năm đầu nông sản của hợp tác xã rất gian truân khi tìm đầu ra, nhưng dần dần nhờ uy tín nông sản sạch, đến nay, hợp tác xã mới tìm được đầu ra tương đối ổn định. Hiện tại hợp tác xã đã đưa các sản phẩm rau ăn lá vào các siêu thị TP.HCM thông qua sự liên kết với các hợp tác xã bạn và đưa một số lượng hàng nhỏ xuất khẩu đi các nước trong khu vực thông qua các công ty của TP.HCM".

Hợp tác xã sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh Long An quy tụ những người nông dân mong muốn sản xuất rau an toàn theo đúng quy trình VietGAP. Những người nông dân tham gia vào mô hình sản xuất rau an toàn được tập huấn kiến thức để có kỹ năng sản xuất rau sạch. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn hỗ trợ con giống cũng như vật tư, phân bón cho nông dân sản xuất, giới thiệu sản phẩm cho nông dân tại các hội chợ triển lãm của tỉnh.

Theo ông Dũng, chỉ tính riêng trên địa bàn xã Phước Hậu, diện tích tự nhiên 931 ha, đa số nhân dân trong xã sống bằng nghề nông nghiệp, nhất là trồng rau cải truyền thống qua nhiều thế hệ, với diện tích trồng rau hằng năm là 380 ha, vào mùa mưa trồng trên giồng gò 260 ha, mùa khô trồng dưới chân ruộng là 120 ha. Và chỉ tính riêng hợp tác xã Phước Thịnh, mỗi ngày cung ứng từ 4-5 tấn rau sạch các loại, đạt tiêu chuẩn VietGAP cho TP.HCM, thông qua một số HTX khác. Tuy nhiên, chỉ có 50% lượng rau vào siêu thị, còn lại là các bếp ăn tập thể, nhà hàng nhưng sản lượng không ổn định.

Ông Đồng Quang Đôn, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cần Giuộc (Long An) cũng cho biết, hiện địa phương có 8 hợp tác xã rau an toàn với 22 tổ hợp tác, trong đó có 3 hợp tác xã đã được cấp chứng nhận VietGAP nhưng sản lượng đầu ra chỉ chiếm 20%, còn lại 80% phải bán cho các thương lái nên giá cả không ổn định.

Rau sạch trên địa bàn tỉnh Long An hiện đang gặp khó khăn khi tìm nguồn tiêu thụ. Ảnh: NĐ
Chính việc bán bên ngoài khiến giá cả bấp bênh, nhiều lúc bị thương lái ép giá khiến nhiều xã viên không dám mở rộng diện tích đất canh tác rau an toàn. Ảnh: NĐ

"Việc tiêu thụ vẫn còn bấp bênh, phụ thuộc vào các kênh trung gian, do đó chúng tôi cũng rất tha thiết đề nghị TP.HCM hỗ trợ tiêu thụ rau cho HTX", ông Đôn nói.

"Cầu" đã có, nhưng mạng lưới "cung" thì chưa hình thành. Dù người dân rất muốn làm thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhưng đầu ra hiện nay không đáp ứng được sản lượng rau sạch của bà con sản xuất. Nhiều nông dân phải bán cho thương lái bên ngoài mỗi ngày từ 5 đến 10 tấn rau. Chính việc bán bên ngoài khiến giá cả bấp bênh, nhiều lúc bị thương lái ép giá khiến nhiều xã viên không dám mở rộng diện tích đất canh tác rau an toàn.

Gian nan đi tìm 'bài thuốc' chữa trị cho việc 'ăn gì cũng chết'

Trước ma trận thực phẩm bẩn hiện nay, nhiều người cho rằng “ăn gì cũng chết, không ăn cũng chết”. Do vậy, “ăn gì cho an toàn” là câu hỏi đặt ra cho cơ quan quản lý an toàn thực phẩm TP. HCM hôm nay lẫn ngày mai.

TP.HCM là nơi có địa bàn rộng, dân số đông, nhu cầu thực phẩm mỗi ngày lớn nhất cả nước, do đó TP.HCM cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho những mặt hàng kém chất lượng.

Thực tế, hiện sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Cụ thể: Rau, củ quả sản xuất tại TP.HCM chỉ đáp ứng được 30%; động vật sống: 10%; thủy sản và sản phẩm thủy sản: 15-20%. Do đó, TP.HCM đang rất cần nguồn sản phẩm nông sản an toàn để tiêu thụ.

Trong khi đó, những hành vi gian lận thương mại, hành vi vi phạm an toàn thực phẩm trong sử dụng chất cấm, chất bảo quản, chất tạo màu,... không đúng mục đích ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Có nhiều con đường dẫn đến nông sản, thực phẩm mất an toàn: Có thể từ khâu sản xuất, bảo quản, mua bán,...

Theo PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, Long An là tỉnh giáp ranh với TP.HCM, đây là địa phương có các mặt hàng thực phẩm nhập vào thành phố với số lượng rất lớn. Nếu kiểm soát được chất lượng các mặt hàng thực phẩm từ Long An, nguồn hàng hóa phục vụ cho nhu cầu ăn uống thường ngày của người dân tại TP.HCM sẽ được cải thiện đáng kể. 

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM. Ảnh: NĐ

"Từ khi được thành lập và 'chạy thí điểm', hai nhiệm vụ chính của Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM là chống thực phẩm bẩn và xây dựng chuỗi thực phẩm sạch. Quan trọng hơn nữa là phối hợp với các địa phương để hỗ trợ nông dân sản xuất sạch. Đồng thời, giúp người tiêu dùng nhận biết được các sản phẩm thực phẩm an toàn cho sức khỏe", bà Lan nói.

Không chỉ nông sản, các cơ sở sản xuất, chế biến thủy hải sản, gia súc, gia cầm để đáp ứng được thị trường cũng sẽ phải tham gia sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Để đạt chứng nhận chuỗi an toàn thực phẩm, doanh nghiệp phải bảo đảm các khâu sản xuất ban đầu, từ trang trại, con giống, thức ăn,... Cơ sở sản xuất chế biến cũng phải đáp ứng điều kiện vệ sinh, nguồn nước, bảo quản sản phẩm…

Không chỉ nông sản, các cơ sở sản xuất, chế biến thủy hải sản, gia súc, gia cầm để đáp ứng được thị trường cũng sẽ phải tham gia sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ảnh minh họa
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng giám đốc công ty San Hà cho biết, để được chứng nhận chuỗi an toàn thực phẩm, công ty phải đầu tư gần cả trăm tỉ đồng để trang bị dây chuyền giết mổ hiện đại từ châu Âu. Ảnh: NĐ

Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, nếu thực phẩm của Long An có đầu ra, được bao tiêu ổn định thì tỉnh sẽ cung cấp sản phẩm sạch, theo chuẩn mà TP.HCM yêu cầu. Long An sẵn sàng tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc.

Bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cả TP.HCM và Long An phải kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế hoặc giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản, đồng thời truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

TP.HCM sẽ tạo nhịp cầu kết nối tăng sản lượng tiêu thụ nông sản, trong đó tập trung vào rau, thịt các loại; còn Long An phải nỗ lực kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi đối với hầu hết nông sản chủ lực.

“Chúng ta không để thực phẩm vào tới nơi thiêu thụ rồi mới phát hiện ra những thực phẩm không sạch phải tiêu hủy. Thực sự khi phải tiêu hủy như thế thì TP cũng khóc mà người nông dân cũng khóc. Do đó, để có hiệu quả hơn về vấn đề này chúng ta phải kiểm soát từ nguồn”, bà Lan nói.

Bà Phong Lan cũng mong rằng, bên cạnh việc kiểm soát từ gốc bằng cách khuyến khích nông dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn thì cũng khuyến khích người tiêu dùng nên dần có thói quen sử dụng sản phẩm sạch, đóng gói, có nguồn gốc; có như vậy thực phẩm không có nguồn gốc, những hành vi gian lận thương mại, hành vi vi phạm an toàn thực phẩm mới không xảy ra.

Xem thêm clip: Qui trình giết mổ hiện đại từ châu Âu được đầu tư tại nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm San Hà:

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang