Không để người dân phải ăn thực phẩm gây ung thư mỗi ngày

Thứ Tư, 24/05/2017 08:29  | Ngô Đồng

|

(CAO) Theo Sở Công thương TP.HCM, những hành vi gian lận thương mại, hành vi vi phạm an toàn thực phẩm trong sử dụng chất cấm, chất bảo quản, chất tạo màu,... không đúng mục đích ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Trong khi đó, phần lớn những chất cấm trong thực phẩm đều có khả năng gây ung thư.

Vẫn còn nhiều khó khăn trong việc quản lý an toàn thực phẩm tại TPHCM và vấn đề này đã được các đại biểu chỉ ra tại hội thảo khoa học, chủ đề: "Quản lý An toàn thực phẩm từ gốc lở TP.HCM: Thực trạng và giải pháp" do Ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã phối hợp tổ chức, diễn ra sáng 23-5.

Hội thảo khoa học, chủ đề: "Quản lý An toàn thực phẩm từ gốc lở TP.HCM: Thực trạng và giải pháp" diễn ra sáng 23-5 tại UBND TP.HCM. Ảnh: NĐ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Cụ thể: Rau, củ quả sản xuất tại TP.HCM chỉ đáp ứng được 30%; động vật sống: 10%; thủy sản và sản phẩm thủy sản: 15-20%.

Mặc dù từ tháng 3-2017, TPHCM đã ra mắt Ban Quản lý an toàn thực phẩm nhằm ngăn chặn thực kém chất lượng, bảo vệ sức khỏe cho người dân nhưng trong giai đoạn đầu của thí điểm 3 năm, TP cũng mới chỉ tập trung tuyên truyền, công bố cơ sở làm ăn chưa đúng cũng như kiểm soát được chất lượng thực phẩm từ 3 chợ đầu mối. Do vậy, TP.HCM hiện đang gặp khó trong việc giám sát, quản lý và truy suất nguồn gốc khi có sự cố về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Thực tế, nhu cầu tiêu thụ thịt hằng ngày của người dân TP.HCM từ 1.000 - 1.200 tấn; trong đó, heo từ 8.000 - 10.000 con; trâu, bò từ 800 - 900 con; gia cầm từ 100.000 - 120.000 con; thực phẩm đông lạnh nhập khẩu khao3g 264.000 tấn/năm. Nhu cầu tiêu thụ rau cảu TP khoảng 1.000.000 tấn/năm và thủy sản là khoảng 170.000 tấn/năm.

Trong khi đó, những hành vi gian lận thương mại, hành vi vi phạm an toàn thực phẩm trong sử dụng chất cấm, chất bảo quản, chất tạo màu,... không đúng mục đích ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Vì những mục đích khác nhau, các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm vẫn sử dụng những biện pháp bảo quản, kích thích tăng trưởng không hợp lý.

Theo TS Phùng Đức Nhật, Viện Y tế công cộng TP.HCM, chất tạo nạc nhóm beta - agonist (salbutamol, clenbuterol) khi lạm dụng cho heo ăn tạo nạc, bán được giá cao nhưng vô cùng nguy hại cho sức khỏe của con người. Salbutamol dùng số lượng lớn gây hiện tượng tim đập nhanh, hệ thống thần kinh hưng phấn quá mức. Việc ăn phải thịt heo chứa Clenbuterol về lâu dài có thể gây biến chứng ung thư, ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng,... Đặc biệt, Clenbuterol sẽ gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn.

Khi lạm dụng cho heo ăn tạo nạc, bán được giá cao nhưng vô cùng nguy hại cho sức khỏe của con người. Ảnh minh họa

Chất tạo màu vàng ô (auramine dùng nhuộm màu trong sinh học), nhưng lạm dụng nhuộm vàng cho thực phẩm như măng tây, khi sử dụng lâu dài có khả năng gây ung thư.

Chất tạo màu đỏ (Rhodamine B, dùng nhuộm màu trong sinh học) thường được các cơ sở nhuộm hạt dưa, nhuộm màu giống như ớt,... vì giá rẻ và có độ bền cao; nhưng đây lại là phẩm màu công nghiệp cấm dùng trong thực phẩm vì gây ngộ độc cấp và mạn tính. Qua tiếp xúc gây dị ứng, làm mẩn ngứa da, mắt. Nếu hít phải sẽ gây ho, ngứa cổ, khó thở, đau ngực. Qua đường tiêu hóa gây nôn mửa, tổn thương gan và thận. Nếu tích tụ dần trong cơ thể gây nhiều tác hại không chỉ gan và thận, mà còn ảnh hưởng hệ sinh sản, hệ thần kinh và có thể gây ung thư.

Chất tạo màu xanh (xanh methylen) là chất dùng trong y khoa làm thuốc sát trùng, không được sử dụng trong thực phẩm. Tuy nhiên, một số người lạm dụng ngâm các loại rau như rau muốn bào để tạo màu xanh bắt mắt mà cần phải biết rằng chất này gây thiếu máu và một số triệu chứng đường tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn,...

Năm 2016, chỉ riêng Chi Cục Thú y TP.HCM đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 122 trường hợp kinh doanh sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Cụ thể, xử lý 107 trường hợp kinh doanh thịt heo bơm nước (15,2 tấn) từ các cơ sở giết mổ đưa về TP.HCM tiêu thụ; 4 trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật trái phép (xử ;ý tiêu hủy 4.458kg nầm sữa động vật, 196kg heo sữa nguyên con đông lạnh, 925,4kg thịt động vật và 37,56kg phụ phẩm bảo quản đông lạnh); 6 trường hợp kinh doanh thịt heo chết trước khi giết mổ (xử lý tiêu hủy 710kg thịt heo); 1 trường hợp kinh doanh sản phẩm thịt heo tẩm hóa chất làm giả thịt bò (xử lý tiêu hủy 2.0444kg thịt heo);...

Đáng lưu ý, là Chi Cục Thú y TP.HCM đã phát hiện 10 trường hợp bơm nước vào gia súc và sử dụng thuốc an thần trước khi giết mổ (lưu giữ 1.098 con heo, cho giết mổ sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với thuốc an thần). Ngoài ra, phối hợp với PC49 xử lý 1 trường hợp sản xuất sản phẩm động vật trái phép giả các loại bắp đùi đà điểu, thịt nhím cắt lát, thịt nai,...

Công tác quản lý an toàn thực phẩm tại TP.HCM đã và đang tiếp tục tăng cường. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm từ gốc, theo các đại biểu, tốt nhất là phải nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất và phân phối.

Theo đó, nguồn thực phẩm cho TP.HCM chủ yếu phân phối qua 3 chợ đầu mối lớn là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền (chiếm 80% lượng thực phẩm nhập từ các nơi khác về), còn lại là các hệ thống phối hiện đại như siêu thị, chợ truyền thống...

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM, nếu quản lý chặt được nguồn thực phẩm qua 3 chợ đầu mối và các siêu thị thì hầu như 95% thực phẩm an toàn đã được kiểm soát an toàn cho người dân. Hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có chứng từ hóa đơn rõ ràng thì không được vào các chợ đầu mối; những sản phẩm, những nhà cung cấp hàng hóa nào vi phạm sẽ không được đưa hàng vào chợ nữa.

Theo các đại biểu, an toàn thực phẩm phải bắt đầu từ sản xuất và phải được kiểm soát trong suốt cả quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản và lưu thông phân phối.

Có thể nói, thông qua việc triển khai xây dựng mô hình "chuỗi thực phẩm an toàn", bước đầu TP.HCM đã thiết lập được hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm xuyên suốt từ khâu sản xuất đến lưu thông, phân phối, mang thực phẩm sạch đến cho người dân.

Mới đây, Đề án quản lý, nhận diện và truy suất nguồn gốc thịt heo thuộc Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 cũng chính thức được triển khai từ tháng 3-2017. Theo Sở Công thương TP.HCM, đến nay, đề án đã thu hút sự đăng ký tham gia của 1.131 cơ sở chăn nuôi thuộc các tỉnh (Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Thuận, Lâm Đồng,...), 25 cơ sở giết mổ tại TP.HCM và các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh).

Đối với hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh thực phẩm,...), Sở Công thương tích cực triển khai đề án đến 409 cơ sở. Đến nay, hệ thống vận hành tốt, người tiêu dùng dễ dàng truy suất nguồn gốc thịt heo với đầy đủ thông tin liên quan như: cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nhà sản xuất, phân phối sỉ và nhà bán lẻ,...

Riêng với kênh phân phối truyền thống, đề án cũng được triển khai tại 146 gian hàng kinh doanh thịt heo thuộc hệ thống Vissan tại 23 chợ truyền thống của TP.HCM và 2 chợ đầu mối: Hóc Môn và Bình Điền,...

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM Thi Thị Tuyết Nhung mong muốn các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, thực phẩm được quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn, sản phẩm đạt chuẩn VietGap… góp phần mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh thực phẩm không giấy phép, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm nhằm tạo sự công bằng trong kinh doah. Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo điều kiện, hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động đúng quy định pháp luật, góp phần đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững, cung ứng thực phẩm sạch đến cho người dân.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Chống thực phẩm bẩn như cuộc chiến giữa kháng sinh với vi khuẩn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang