Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 diễn ra trong thời gian từ 15-4 đến 15-5-2017.
PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm cho biết, trong tình hình hiện nay, vấn đề đang gây nhiều hoang mang lo lắng cho người dân là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và tình hình sử dụng chất cồn công nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến rượu.
Từ vụ độc rượu khiến hơn chục người tử vong tại tỉnh Lai Châu đã cho thấy, với địa hình phân tán và những khu vực còn nhiều khó khăn, sự nhận thức của người dân còn hạn chế thì sự buông lỏng của các cơ quan quản lý đã dẫn đến nguy cơ và thực tế là đã có sự mất an toàn và ngộ độc rượu.
Trong khi đó, hiện nay, nguyên liệu cồn công nghiệp đang được bán thoải mái trên thị trường chính là cơ hội cho các cá nhân và cơ sở sản xuất hám lợi sử dụng để pha chế.
Có một thực tế hiện nay là rất nhiều hộ gia đình nấu rượu thủ công với các sản phẩm không tem, không nhãn mác, không có sự giám sát của ngành chức năng nên họ không phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cũng như không phải nộp thuế.
Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ vấn đề sử dụng cồn công nghiệp trong sản xuất rượu được cơ quan chức năng quyết liệt kiểm tra, giám sát.
PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm. Ảnh: NĐ
"Mục tiêu 'Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017' nhằm giải quyết bức xúc hiện nay về việc sử dụng hóa chất hoặc cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trọng tâm là giảm thiểu mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, thủy sản nuôi nhằm cải thiện niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn", PGS TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
Theo đó, các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ được lập từ cấp TP, cấp sở ngành, quận huyện để tổng kiểm tra, rà soát việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP.
Các sở chuyên ngành tùy theo yêu cầu, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sơ chế, giết mổ, sản xuất, chế biến, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh rau, thịt, thủy sản và rượu.
Bên cạnh đó, các đoàn thanh tra, kiểm tra còn tổ chức lấy mẫu giám sát sản phẩm có nguy cơ cao. Sau đó kiểm tra các chỉ tiêu về chất lượng an toàn thực phẩm tập trung vào các nhóm sản phẩm hay sử dụng phụ gia thực phẩm, chất cấm.
Tùy kết quả kiểm tra mà xử lý nghiêm đối với các sản phẩm không an toàn và đưa thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng.
PGS TS Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, vấn đề an toàn thực phẩm là chuyện hàng giờ, hàng ngày của người dân. Ảnh: NĐ
PGS TS Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, vấn đề an toàn thực phẩm là chuyện hàng giờ, hàng ngày của người dân. Do đó, lúc nào cũng phải thanh kiểm tra, giám sát nguy cơ ngộ độc, luôn luôn sẵn sàng xử lý mọi tình huống chứ không phải gói gọn trong tháng hành động.
Tuy nhiên, cũng theo PGS TS Phong Lan, việc thanh kiểm tra chỉ giải quyết phần ngọn, mang tính răn đe. Cái chính là phải tiếp tục xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ nguồn; triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm đến chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống, quản lý nhà hàng, quán ăn, ban quản lý chợ, siêu thị, chợ đầu mối, khu du lịch, khu công nghiệp, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại và người tiêu dùng.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Phát động, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh: “Thực phẩm an toàn là nhu cầu thiết yếu và là nhu cầu chính đáng của mọi người dân. Tuy nhiên, hiện nay tình hình an toàn thực phẩm còn phức tạp, cần tập trung giải quyết một cách cơ bản, tận gốc và có chiều sâu hơn trong thời gian tới”.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu đề nghị các Sở ban ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ thanh kiểm tra, xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi lưu thông, mua bán hóa chất (dùng trong nông nghiệp), kháng sinh cấm; thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục cho phép của Bộ NÔng nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế.
Ngoài ra, tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.
Đồng thời, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sử dụng hóa chất bảo quản nông sản tại các chợ đầu mối, cơ sở kinh doanh sản phẩm nông sản. Tăng cường kiểm soát và xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển thực phẩm nhập lậu trái phép, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Phó chủ tịch Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống và rượu phải nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, coi việc bảo đảm an toàn thực phẩm là lương tâm, văn hóa kinh doanh vừa là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu kêu gọi “Vì sức khỏe cộng đồng, tất cả chúng ta hãy tích cực tham gia hướng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩn năm 2017".
(CAO) "An toàn thực phẩm đã và đang trở thành một vấn đề sống còn cho sức khỏe cộng đồng và sự tồn vong của quốc gia, được cả Chính phủ và người dân quan tâm". Đó là khẳng định của PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM.