PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Chống thực phẩm bẩn như cuộc chiến giữa kháng sinh với vi khuẩn

Thứ Tư, 08/03/2017 09:56  | Ngô Đồng - Tiến Mạnh

|

(CAO) "An toàn thực phẩm đã và đang trở thành một vấn đề sống còn cho sức khỏe cộng đồng và sự tồn vong của quốc gia, được cả Chính phủ và người dân quan tâm". Đó là khẳng định của PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM.

Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM là cơ quan thuộc UBND TP.HCM, được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ban quản lý có chức năng giúp UBND TP tổ chức thực thi pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP. Ngày 6-3, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận quyết định làm trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan đã có buổi chia sẻ với Báo Công an TP.HCM về những vấn đề An toàn thực phẩm nóng bỏng hiện nay cũng như trọng trách mà Ban quản lý ATTP sẽ phải làm trong thời gian tới.

Xem clip:

Bà Phạm Khánh Phong Lan sinh năm 1970, là Phó giáo sư, tiến sĩ Dược; trình độ cao cấp chính trị. Năm 1999, bà lấy bằng tiến sĩ dược tại Pháp. Được phong hàm phó giáo sư năm 2006. Năm 2007, bà về làm phó giám đốc Sở Y tế TP. Hiện bà là phó chủ tịch Hội Dược học VN, chủ tịch Hội Dược học TP, trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, Đại biểu Quốc hội khóa 13, 14.

Cuộc chiến chống và xây

Theo PGS Phạm Khánh Phong Lan, ATTP đã và đang trở thành một vấn đề sống còn cho sức khỏe cộng đồng và sự tồn vong của quốc gia, được cả Chính phủ và người dân quan tâm.

Đặc biệt, tại TP.HCM, việc kiểm soát thực phẩm cho TP càng khó khăn hơn khi mà 80% nguồn nông sản đến từ các địa phương khác. Do đó, bảo đảm ATTP cho người dân được xem như một cuộc chiến giữa chống và xây. Chống là chống thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc và xây là xây dựng dựng chuỗi thực phẩm sạch.

"Nguy cơ lớn nhất hiện nay chính là thực phẩm bẩn từ nguồn với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, việc cho thêm các chất cấm, chất phụ gia công nghiệp, hóa chất độc hại vào thực phẩm. Tuy nhiên, việc quản lý chất cấm vô cùng phức tạp. Ví dụ, cùng là một chất, nhưng nếu bên y tế nhập khẩu về và sử dụng ở các cơ sở sản xuất dược thì nó là hợp pháp vì nó là thuốc. Nhưng nếu sử dụng sai mục đích thì nó trở thành chất cấm.

Việc mua bán tự do chất phụ gia thực phẩm, công nghiệp, cụ thể là chợ hóa chất Kim Biên cũng là một thực tế tồn đọng nhiều năm chưa giải quyết được. Vấn đề là phải kiểm soát bằng cách qui định cụ thể ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Phải có những qui định cụ thể trong mua bán chứ không thể xem như hàng xén, ai muốn mua bán thì bán, muốn mua thì mua", bà Lan chia sẻ.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan (Ảnh chụp ngày 8-3-2017). Ảnh: Tiến Mạnh

Theo bà Lan, trước đây việc quản lý ATTP được chia nhiệm vụ cho ba bộ ngành, bao gồm nuôi trồng của Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, lưu thông của Công thương và sử dụng của Y tế; hay cắt dọc theo Luật An toàn thực phẩm 2010 (Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quản lý 9 ngành hàng, Công thương 5 ngành hàng và Y tế 5 ngành hàng) đều bộc lộ nhược điểm trong việc phối hợp và trách nhiệm xử lý.

"Ban quản lý An toàn thực phẩm TP thành lập nhằm tập trung quản lý theo một đầu mối, với các mục tiêu cụ thể từng giai đoạn, chủ động trong thanh tra - kiểm tra, không mất thời gian cho thủ tục liên ngành. Đây là bài toán tập hợp sức mạnh, kiểu bó đũa thì mạnh hơn từng chiếc đũa", bà Lan chia sẻ.

Theo bà Lan, cần khẳng định chúng ta đã nỗ lực nhiều để kiểm soát thực phẩm, nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Do đó, Ban quản lý sẽ có rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

Đầu tiên là xây dựng các quy chuẩn còn thiếu, chuẩn hóa cấp phép, đẩy mạnh cải cách hành chính. Theo đó, người hành nghề, doanh nghiệp, cá nhân sẽ được hưởng lợi hơn, thay vì chạy lòng vòng 3 Sở vì không nắm thông tin thì hiện nay chỉ cần về Ban này sẽ được hướng dẫn cụ thể.

Thứ hai là đẩy mạnh công tác thanh tra bằng cách thiết lập hệ thống đội thanh tra An toàn thực phẩm tại các quận, huyện; đặc biệt là đội thanh tra thường trực 24/24 tại các chợ đầu mối với hệ thống xét nghiệm nhanh để khi phát hiện hành vi vi phạm thì tiến hành xử lý ngay. Ngoài ra sẽ có những đội thanh tra đặc nhiệm thường trực ngay tại Ban để xử lý những vụ việc lớn, đột xuất.

Chúng tôi sẽ tập trung thanh tra nhiều vào lĩnh vực thực phẩm tươi sống ở các chợ đầu mối; thứ hai là tập trung thanh tra vào những hành vi vi phạm trong kinh doanh và trong chế biến thì tập trung vào bếp ăn tập thể. Xử lý sai phạm kịp thời và có tính răn đe.

Để chống tiêu cực cho đội ngũ thanh tra, chúng tôi sẽ giám sát và luân chuyển đội ngũ.

Thứ ba là liên thông các phòng thí nghiệm và kiểm soát dữ liệu. Ngoài trừ những trường hợp sai phạm bắt quả tang đang trộn hóa chất hay bơm nước, bơm hóa chất,... thì chúng ta cũng phải tiến hành kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm để có những kết luận chính xác và minh bạch.

Thứ tư là tiếp tục xây dựng đề án chuỗi thực phẩm an toàn; xây dựng mô hình chợ thí điểm; truy suất nguồn gốc thịt heo. Việc này đã được tiến hành trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục phát triển lên ở một mức độ mới. Phải làm sao cho thực phẩm xuất xứ từ chuỗi thực phẩm an toàn phải chiếm một số lượng tăng dần hàng năm.

Thứ năm là tăng cường công tác thông tin truyền thông giáo dục. Nếu chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng thì biết bao nhiêu nhân lực mới đủ. Quan trọng là ý thức người dân trong cả sản xuất, kinh doanh và sử dụng, để bảo vệ sức khỏe cho chính chúng ta, cho giống nòi dân tộc.

Ngoài ra, người dân cũng đồng hành cùng cơ quan chức năng để tố giác những cơ sở vi phạm. Chúng tôi sẽ công khai tất cả những cơ sở vi phạm, hành vi vi phạm, sản phẩm vi phạm về ATTP, có thể lên website của ngành, lên báo chí. Ngoài ra, cũng sẽ tuyên truyền, công khai những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để người dân nắm thông tin. Tôi hi vọng và kỳ vọng trong cuộc chiến vừa xây vừa chống này, thì từ từ cái tốt sẽ đánh bạt cái xấu.

Trong một số trường hợp vi phạm cố tình, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân như sử dụng chất cấm thì cần sự phối hợp vào cuộc của lực lượng chức năng, cụ thể là Quản lý thị trường, và đặc biệt là lực lượng công an.

 

"Người dân nếu có bất kỳ tin tức gì hay phản hồi gì về thực phẩm thì có nơi liên hệ, doanh nghiệp cũng chỉ cần liên hệ với một đầu mối', bà Lan nói.

"Tôi nghĩ cái gì mới ban đầu chắc chắn có những khó khăn, nói không áp lực thì không đúng nhưng chúng tôi sẽ phải vượt qua. Nhiều khi chính áp lực làm cho chúng ta đổi mới mỗi ngày và có động lực để làm việc. Tôi chỉ tiếp tục công việc đang dở dang, rút kinh nghiệm người đi trước và sẽ làm hết sức quyết liệt.

Tôi mong và tin mình sẽ làm được, không chỉ dựa vào quyết tâm của bản thân tôi mà còn có sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP, sự kỳ vọng của người dân và quyết tâm của đội ngũ làm công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP từ ba sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp & phát triển nông thôn nay tập hợp về", bà Lan chia sẻ.

Lý do thực phẩm bẩn tồn tại

Thực tế chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng sản xuất thực phẩm sạch, bằng chứng là nước ta luôn dẫn đầu về xuất khẩu nông sản, đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của những thị trường khó tính nhất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lý do khiến thực phẩm bẩn vẫn còn tồn tại.

Có không ít đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm vẫn bơm nước vào heo, bò; sử dụng thuốc tăng trọng, kháng sinh vô tội vạ cho gia cầm, gia súc... Có rất nhiều lý do khiến tình trạng này chưa chấm dứt được là vì lợi nhuận, việc quản lý chất cấm, chất phụ gia độc hại còn lỏng lẻo; chưa đủ nguồn thực phẩm sạch và người dân chưa tin tưởng, vì hoàn cảnh phải chọn thực phẩm rẻ; hạn chế của đội ngũ thanh tra: khó phát hiện vi phạm và nương nhẹ trong xử lý hành vi vi phạm...

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Tiến Mạnh

Bà Lan ví von cuộc chiến chống thực phẩm bẩn cũng giống như cuộc chiến giữa kháng sinh và vi khuẩn. "Kháng sinh được phát minh ra một thế hệ mới thì vi khuẩn cũng tiến một bước đề kháng kháng sinh đó. Cuộc chiến đó cứ tiếp diễn mãi không dừng. Cho nên, ngày nào mà còn lợi nhuận trong hành vi kinh doanh buôn bán thực phẩm bẩn và hành vi xử phạt chưa đủ sức răn đe, chưa có biện pháp quản lý tốt thì thực phẩm bẩn vẫn còn tiếp diễn", bà Lan chia sẻ.

Thực tế, trong suốt những năm qua, chúng ta đã làm quyết liệt trong xử phạt hành vi vi phạm ATTP, song hình phạt vẫn chưa đủ tính răn đe. Cụ thể, chúng ta đã có hơn 30.000 đoàn thanh kiểm tra đủ các cấp, đi kiểm tra trên 3 triệu cơ sở (trong đó có những cơ sở được kiểm tra nhiều lần), nhưng chỉ xử phạt được 120.000 cơ sở, với số tiền phạt trung bình rất thấp, chưa quá 200.000 đồng/cơ sở. Đây là một con số hết sức khôi hài. Đặc biệt, 5 năm gần đây, chỉ mới khởi tố hình sự được 1 vụ vi phạm về ATTP. Điều này không đáp ứng với thực tế đáng báo động hiện nay.

Vi phạm về ATTP trong chừng mực nào đó có thể coi là tội giết người hàng loạt

Tôi cũng sẽ có những đề xuất trong sửa đổi xử phạt hành chính và phải có quyết tâm để những vi phạm nặng thì phải khởi tố hình sự. Chúng ta phải nghiêm khắc trong xử phạt.

Tội vi phạm ATTP ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân, trong chừng mực nào đó có thể coi là tội giết người hàng loạt. Đặc biệt là hành vi vi phạm cố ý, vì biết là độc hại mà vẫn có tình sử dụng.

Thực phẩm độc hại không thể hiện ra ngay mà những chất độc hại tích tụ từ từ. Bằng chứng là hàng năm, số người nhập viện về những bệnh nan y càng ngày càng tăng, ảnh hưởng đến giống nòi, đến tương lai của cả dân tộc.

Nếu chúng ta không xử phạt nặng, không răn đe thì bản thân chúng ta, con cháu chúng ta sẽ chết vì thực phẩm không an toàn.

 

Không chấp nhận cơ chế xem nhẹ thị trường trong nước

Bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định vấn đề ATTP quản lý như thế nào để đảm bảo an toàn bữa ăn cho người dân là vấn đề rất nóng và khó. Có một thực tế là nguồn thực phẩm cho công nhân, sinh viên, người lao động nghèo tại các chợ chiều, chợ cóc, chợ tạm, các bếp ăn tập thể giá rẻ... có rất nhiều nguy cơ không an toàn, cần được sự quan tâm của lãnh đạo TP, các doanh nghiệp và cộng đồng để thay bằng nguồn thực phẩm sạch với giá hợp lý.

Bà Lan hoan nghênh việc phải tiến dần đến một phương thức thương mại hiện đại để kiểm soát được tốt hơn.

"Chúng ta tạm so sánh hệ thống siêu thị và chợ, thì rõ ràng, trong siêu thị có hệ thống quản lý và doanh nghiệp vào siêu thị muốn giữ thương hiệu thì phải kiểm soát thực phẩm sạch và có nguồn gốc", bà Lan chia sẻ.

Theo bà Lan, chúng ta cần quản lý chặt chẽ như là đối với các mặt hàng xuất khẩu. Cụ thể, khi chúng ta muốn mặt hàng của mình nhập vào thị trường của họ thì phải qua hàng rào kỹ thuật kiểm tra chặt chẽ, phải đạt chuẩn thì mới vào được. Và chỉ những doanh nghiệp nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì sản phẩm mới xuất khẩu được. Tại sao người ta ngăn chặn được thực phẩm bẩn, bảo vệ được cho dân người ta mà tại sao mình chưa làm được. Cho nên hãy thử nghiệm ở TP.HCM trước. Cần phải nói, đây cũng là nỗ lực của tất cả các tỉnh thành đã làm trong thời gian qua nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, cũng còn do nhận thức chú trọng thị trường nước ngoài hơn trong nước.

"Cái gì ngon thì xuất khẩu; cái gì tệ rồi, méo mó thì để lại trong nước dùng. Tôi không chấp nhận quan điểm vì nghèo nên cái gì tốt ta ưu tiên xuất khẩu, xem nhẹ thị trường trong nước. Cái tâm lý này phải thay đổi", bà Lan nói.

Vấn đề mà bà Lan còn băn khoăn trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn là vấn đề giá cả. Thực phẩm sạch từ nguồn, đạt chuẩn thì luôn đi kèm với giá thành tăng; thứ hai thì chưa chắc hàng sạch thì mẫu mã đẹp bằng những sản phẩm có tác động của hóa chất cho nên người nuôi trồng cũng rất e ngại là người ta vì cộng đồng thì ai sẽ vì người ta. Vì chỉ cần lỗ vài mùa, không bán được là cụt vốn, là phá sản. Còn phía người tiêu dùng, ai cũng muốn thực phẩm sạch nhưng những người thu nhập thấp thì có tâm lý thà ăn thực phẩm bẩn còn hơn chết đói. Do đó mà những chợ chiều, chợ tự phát vẫn tồn tại.

"Chúng ta phải có những chính sách bình ổn để đưa hàng với giá bình ổn suốt năm đến với công nhân, đến với sinh viên, đến những người thu nhập thấp. Đồng thời nghiên cứu về trách nhiệm của người chủ doanh nghiệp trong việc chăm lo sức khỏe cho người lao động của mình, vì người lao động chính là vốn quý nhất cho doanh nghiệp. Đây cũng là một hình thức đầu tư hiệu quả cho con người, giảm gánh nặng chi phí y tế về sau này", bà Lan nêu.

"Còn vấn đề về hàng xách tay, hàng thực phẩm sạch được quảng cáo trên mạng nếu không đươc kiểm soát tốt thì đó cũng là mảnh đất màu mỡ cho sự lừa đảo trà trộn vào", bà Lan nói.

Bà Lan khẳng định: "Chúng tôi sẽ chống, chặn thực phẩm bẩn, đặc biệt từ nguồn bằng cách kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, chất phụ gia độc hại và xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn cho TP. Nhưng nếu chỉ một mình cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ, không có một lực lượng thanh tra nào, không có một hệ thống kiểm nghiệm nào đáp ứng đủ mà quan trọng là ý thức của người dân; ý thức của người chăn nuôi, trồng trọt. Phải chung tay bảo vệ cho cộng đồng, bảo vệ cho giống nòi của chúng ta".

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM hoạt động thí điểm 3 năm

Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM là cơ quan thuộc UBND TP.HCM, được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ban quản lý có chức năng giúp UBND TP tổ chức thực thi pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP.

Ban được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế và một số bộ phận trực thuộc các phòng, chi cục thuộc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Sở Công thương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang