TP.HCM: Người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc thịt heo qua điện thoại

Thứ Sáu, 16/12/2016 00:51  | Ngô Đồng

|

(CAO) Từ ngày 16-12, người tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM có thể kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thịt heo qua điện thoại tại 346 điểm bán thuộc các kênh phân phối hiện đại (gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm).

Ngày 15-12, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) giai đoạn 2011 - 2016.

Trước đó, đoàn đã đi giám sát tại các cơ sở giết mổ và các đơn vị kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.HCM.

Bắt xe ô tô chở thịt heo không rõ nguồn gốc
 

TP.HCM nỗ lực đảm bào ATVSTP

Qua kiểm tra 13 cơ sở, bao gồm các lò giết mổ heo, cơ sở chế biến thủy sản, bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất rau an toàn, các chợ đầu mối… đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực của TP.HCM trong việc quản lý về ATVSTP.

Cụ thể, TP.HCM đang quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung, chuyển từ giết mổ thủ công và bán công nghiệp thành giết mổ công nghiệp, từ đó sẽ giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo ATVSTP.

Đoàn cũng đánh giá cao mô hình quản lý chợ đầu mối; đặc biệt là việc thực hiện đề án quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo…

Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng nhận định, với dân số đông nhất nước, TP.HCM không thể tự đảm bảo tự sản xuất, vì vậy cần có những biện pháp phối hợp các tỉnh lân cận về công tác ATVSTP, như Đồng Nai, địa phương có nhiều trang trại heo, chuyên cung cấp thịt heo lên thành phố.

Thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM
 

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, cùng với liên kết và phối hợp với các tỉnh, địa phương khác về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn, UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án phát triển sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) tại các xã nông thôn mới từ năm 2011. Đến nay đã xây dựng được 178 mô hình có diện tích 741,3 ha với hơn 2.100 hộ tham gia.

Đặc biệt, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn và hiện TP đã có hơn 400 điểm kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Mới đây nhất, TP đã xây dựng Đề án quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, từ ngày mai (16-12), người tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM có thể kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thịt heo qua điện thoại tại 346 điểm bán thuộc các kênh phân phối hiện đại (gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm).

Theo đó, heo khi xuất trại sẽ có vòng nhận diện được mã hóa. Còn tiểu thương khi bán phải dán con tem nhận diện lên miếng thịt. Từ con tem này người mua hàng có thể truy cập bằng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc chất lượng heo.

Khi các kênh phân phối hiện đại thực hiện tốt, TP sẽ rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện về mặt kỹ thuật để có thể triển khai mở rộng tới các chợ đầu mối và chợ truyền thống.

Công khai thông tin cơ sở vi phạm

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, từ 2011 đến 11-2016, Chi cục Bảo vệ thực vật TP đã lấy 4.186 mẫu rau tại vùng sản xuất trên địa bàn TP để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phát hiện 5 mẫu (chiếm tỷ lệ 0,38%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.

Riêng tại 3 chợ đầu mối nông sản của TP: Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức đã phát hiện 38/3.007 mẫu rau, củ, quả (chiếm tỷ lệ 1,26%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép.

Đối với các hộ chăn nuôi heo, Chi cục Thú y TP đã triển khai cho 100% số hộ ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Qua kiểm tra, tỷ lệ hộ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (nhóm Beta – agonist) giảm đáng kể.

Theo đó, năm 2011 tỷ lệ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là 7,89% số mẫu kiểm tra; năm 2015 còn 5,77% và năm 2016 không phát hiện được trường hợp nào.

Tại các cơ sở giết mổ, Chi cục thú y TP đã kiểm tra lâm sàng, kết hợp phân tích sử dụng chất cấm trước khi giết mổ.

Theo đó, từ năm 2011 đến tháng 11-2016, Chi cục đã kiểm tra 1.015 lô hàng, trong đó phát hiện 99 lô heo có tồn dư chất tăng trọng trong nước tiểu.

Theo UBND TP.HCM, một trong những khó khăn trong công tác quản lý ATVSTP trên địa bàn TP hiện nay là TP chưa có cơ quan, tổ chức độc lập để nghiên cứu phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo và kiểm soát các nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Bên cạnh đó, kinh phí cho hoạt động quản lý ATVSTP còn rất thấp, nhân sự chuyên trách công tác quản lý về ATVSTP tại tuyến quận/huyện, xã/ phường còn thiếu.

Tại buổi làm việc ngày 15-12, đại diện Bộ Y tế đề nghị TP.HCM công khai thông tin về các cơ sở sản xuất và kinh doanh đảm bảo ATVSTP, để người dân có sự lựa chọn, còn các cơ sở kinh doanh không đảm bảo ATVSTP sẽ tự đào thải.

Bình luận (0)

Lên đầu trang