Tại diễn đàn "Chính sách An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp" do Văn phòng Quốc hội tổ chức diễn ra tại TP.HCM trong 2 ngày (21-9 và 22-9), GS Nguyễn Lân Dũng (ĐBQH Khoá X, XI, XII) cho biết, hàng năm chúng ta đã bỏ ra tới 774 triệu USD để nhập về khoảng 100.000 tấn thuốc trừ sâu, bao gồm 4.100 loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau, thuộc 1.643 loại hoạt chất và 90% nhập là từ Trung Quốc. Điều đáng lạ là Trung Quốc với 1,4 tỷ dân nhưng người ta chỉ cho phép sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật với 630 loại mà thôi(!).
Mỗi năm VN chi hàng trăm triệu đô nhập thuốc bảo vệ thực vật, trong đó 90% là nhập từ Trung Quốc. Ảnh minh họa
Cũng theo GS Nguyễn Lân Dũng, thống kê cho biết chưa kể các trường hợp ngộ độc thực phẩm thường xuyên xảy ra, có khi với hàng trăm công nhân ở các bếp ăn tập thể, chuyện nhiễm độc gây căn bệnh chết người là ung thư thật sự đáng lo sợ.
Theo thống kê, hiện nay trung bình mỗi năm có thêm 200.000 ca ung thư mới và số người chết vì ung thư hàng năm là 70.000 người. Trong số các bệnh nhân ung thư thì nguyên nhân từ thực phẩm bẩn chiếm đến 35%.
"Đã đến lúc coi vấn đề loại trừ thực phẩm bẩn, nhất là rau bẩn, phải đặt ra một cách cấp bách và cần khẩn trương tập trung giải quyết... Đã đến lúc cần thực hiện chuỗi sản xuất thực phẩm, đi từ nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp vận chuyển, tiêu thụ và đến tay người tiêu dùng", GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
(CAO) An toàn thực phẩm trong nước liên tục bị đe dọa đang là vấn đề bức xúc của xã hội. Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, phần đông người tiêu dùng hiện nay đành "nhắm mắt đưa chân, mặc cho con tạo xoay vần, bởi ăn vào thì chết từ từ, còn không ăn thì chết đói!".
GS TS Phạm Duy Tường, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Đại học Y Hà Nội cũng chia sẻ: Rau quả, thịt, cá và sản phẩm thực phẩm tươi sống bán ở chợ phần lớn chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện nguồn gốc xuất xứ. Vì lợi nhuận đã có nhiều yếu tố vi phạm ATVSTP; trong khi đó, vấn đề kiểm soát thực phẩm hập khẩu, nhập lậu khó khăn và phức tạp, thách thức nhiều về kỹ thuật và hệ thống kiểm soát. Chỉ riêng về rau, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ 10-2015 đến 2-2016, qua kiểm nghiệm 7.593 mẫu rau, có 393 mẫu có hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm 5,17%.
Phân tích nguyên nhân dẫn tới thực trạng thực phẩm bẩn đang bủa vây người tiêu dùng hiện nay, theo PGS TS Trần Quang Trung, Nguyên Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế, vấn đề ATVSTP hiện nay đang được toàn xã hội quan tâm từ người tiêu dùng, người sản xuất kinh doanh thực phẩm, giới truyền thông báo chí và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, do đặc điểm sản xuất kinh doanh thực phẩm ở nước ta đa số là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình (gần 10 triệu hộ nông dân sản xuất thực phẩm; 500.000 cơ sở chế biến trong đó 85% có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ) nên vẫn còn tình trạng sử dụng hóa chất cấm, phụ gia ngoài danh mục để sản xuất chế biến thực phẩm, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Bên cạnh đó, hóa chất dùng để chế biến thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, việc xử lý các vi phạm chưa thật kiên quyết, đặc biệt tại tuyến xã, phường (chủ yếu là nhắc nhở, chiếm 81,8% số cơ sở vi phạm chưa được xử lý).
(CAO) Việc tồn dư lượng kháng sinh và chất cấm trong sản phẩm thịt là mối nguy cơ của thành phố, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế nhìn nhận, hàng năm, chúng ta có chương trình giám sát chủ động, tiến hành lấy hàng chục nghìn mẫu thực phẩm tại các vùng miền khác nhau, kết quả cho thấy tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép trên rau, củ, quả vẫn chiếm khoảng 3 - 5%, trong khi các nước khác chỉ khoảng 2%. Do đó, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể mặc dù đã được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao.
Theo PGS TS Trần Quang Trung, Việt Nam cần sớm có một cơ quan đầu mối về ATVSTP để giúp Chính phủ quản lý về ATVSTP. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục về ATVSTP cho các nhóm đối tượng tập trung vào bảo đảm ATVSTP trong nông, lâm sản và thủy sản. Chú trọng tới việc tuyên truyền giới thiệu các mô hình, các sản phẩm thực phẩm an toàn,...
GS TS Phạm Duy Tường, Bộ môn Dinh dưỡng - ATTP Đại học Y Hà Nội cũng đề nghị nên nghiên cứu chuyển đổi sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ sang qui mô hàng hóa lớn để áp dụng qui trình sản xuất thực phẩm sạch cả trong bảo quản, chế biến trong chuỗi hàng hóa thực phẩm an toàn.
TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế nhấn mạnh, ngoài việc giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng; tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập lậu, đặc biệt là các tỉnh có biên giới; tiếp tục triển khai các mô hình điểm về bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, vùng nguyên liện an toàn, chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn;... cũng cần biểu dương các điển hình tiên tiến. Nếu chỉ tập trung phê phán những tồn tại, yếu kém mà không phản ánh những thành tựu đã đạt được thì không phản ánh đúng bức tranh về ATTP ở Việt Nam, gây hoang mang dư luận xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu.
Ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra
Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 150 - 200 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.000 – 7000 người mắc.
Năm 2015 (đến hết ngày 31/12/2015), toàn quốc ghi nhận 179 vụ ngộ độc thực phẩm với 5552 người mắc (tỷ lệ mắc 6,06/100.000 dân), 5147 người đi viện và 23 trường hợp tử vong;
Trong 6 tháng đầu năm 2016 (từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 30/6/2016), toàn quốc có 68 vụ ngộ độc thực phẩm, với 2080 người mắc, 1673 người đi viện và 04 trường hợp tử vong.