(CAO) Thông tin trên vừa được phía công ty URC công bố tại buổi họp báo sáng 5-8 tại TP.HCM. Đại diện doanh nghiệp này khẳng định sẽ có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Tùy từng trường hợp mà giải quyết thỏa đáng cho những khách hàng đã mua, sử dụng các sản phẩm nằm trong 2 lô hàng mà Bộ Y tế đã công bố.
Theo đó, tổng số sản phẩm của 2 lô trà xanh C2 và Rồng Đỏ mà Bộ Y tế kết luận có hàm lượng chì vượt mức cho phép là 41.190 thùng. Phía URC cho biết mới thu hồi được 1.184 thùng.
Như vậy, có đến 40.006 thùng trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ có lượng chì vượt mức cho phép đã được tiêu thụ hoặc vẫn còn lưu thông ngoài thị trường.
(CAO) Sau thời gian thanh tra toàn nhà máy của URC Việt Nam, chiều 4-8, Bộ Y Tế đã đưa ra kết luận chính thức. Đây là kết quả của đợt thanh tra toàn diện các nguyên liệu đầu vào, thành phẩm và các nhà máy của URC Việt Nam trong 3 tháng qua.
Trước đó, Bộ Y Tế đã thanh tra toàn diện các nguyên liệu đầu vào, thành phẩm và các nhà máy của URC Việt Nam. Sau tất cả các đợt kiểm tra, có hai lô hàng thuộc diện thu hồi: Một lô sản phẩm nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu 240ml, có hàm lượng chì là 0.085 mg/l (Sản xuất tại công ty URC Hà Nội, NSX 10/11/2015 - HSD 10/08/2016) và một lô sản phẩm trà xanh C2 hương chanh 360ml, có hàm lượng chì là 0.068 mg/l (Sản xuất tại công ty URC Hà Nội, NSX 04/02/2016 – HSD 04/02/2017).
Theo đại diện công ty này thì hàm lượng chì cho phép với sản phẩm thức uống không cồn tại Việt Nam là 0.05mg/l. Vì vậy các thông tin đăng tải về hàm lượng chì vượt ngưỡng từ 4 – 9 lần là không chính xác.
Trả lời chất vấn của báo chí, phía URC khẳng định kết luận của Bộ Y tế là ý kiến cuối cùng, doanh nghiệp tôn trọng tất cả các yêu cầu xử lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Jai Gamboa, Tổng Giám Đốc URC Việt Nam trả lời chất vấn của báo chí tại buổi họp báo
Ông Jai Gamboa, Tổng giám đốc URC Việt Nam cho biết, sau 3 tháng thanh tra, Đoàn thanh tra Bộ Y tế đã kiểm tra tổng số 68 mẫu sản phẩm và nguyên liệu từ các nhà máy Bình Dương và Quảng Ngãi. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy các sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quy định, bao gồm tiêu chuẩn về hàm lượng chì. Kết quả này là để bổ sung cho kết quả thanh tra trước đó của Bộ Y tế tại URC Hà Nội.
Ông Jai Gamboa cũng chia sẻ, kết quả kinh doanh 3 tháng qua của URC khá buồn khi thị phần, doanh số giảm sau khi sản phẩm bị phát hiện nhiễm chì. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn làm ăn nghiêm túc, lâu dài tại Việt Nam và có trách nhiệm với người tiêu dùng nên tiếp tục nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm của doanh nghiệp, dựa trên bộ tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Y tế.
(CAO) Nếu ngộ độc chì có thể tử vong, nhất là trẻ con, do hôn mê và co giật, tổn thương thần kinh trung ương.
Ngoài ra, trên website của URC Việt Nam có ghi rõ, một số nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm của 2 lô C2 và Rồng Đỏ trên, cụ thể là Axit Citric được nhập từ Trung Quốc. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, nguyên liệu của công ty được chọn lọc từ nhiều thị trường khác nhau bao gồm Trung Quốc. Và dù nguyên liệu được nhập từ nguồn nào cũng đều trải qua quá trình kiểm tra gắt gao từ cơ quan chủ quản trực tiếp là Bộ Y tế và tuân thủ quy trình nghiêm ngặt của doanh nghiệp. Lượng nguyên liệu Axit Citric được nhập từ Trung Quốc chiếm khoảng 1% toàn bộ nguyên liệu sản xuất và thành phần axit citric chiếm khoảng 0.1% trong sản phẩm C2 và Rồng Đỏ.
URC khẳng định không thay đổi công thức sản xuất C2 và Rồng Đỏ. URC đang nghiên cứu để điều chỉnh thành phần axit citric trong C2 và Rồng Đỏ, tuy nhiên, không có bất cứ thay đổi nào về công thức sản xuất C2 và Rồng Đỏ tại thời điểm này.
Đại diện doanh nghiệp này khẳng định có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Tùy từng trường hợp mà giải quyết thỏa đáng cho những khách hàng đã mua, sử dụng các sản phẩm nằm trong 2 lô hàng nhiễm chì mà Bộ Y tế đã công bố.