(CAO) Nếu ngộ độc chì có thể tử vong, nhất là trẻ con, do hôn mê và co giật, tổn thương thần kinh trung ương.
Những ngày qua, dư luận xôn xao bởi thông tin 2 lô trà chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ của URC bị thu hồi vì chứa hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.
Thông tin này đã khiến nhiều người yêu tích 2 loại sản phẩm này lo lắng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết việc hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ như thế nào?.
Nhắc đến ngộ độc, không ít người hiểu nôm na là với các triệu chứng đau bụng, nôn, sốc… Đó thực chất chỉ là những biểu hiện của ngộ độc cấp tính. Có những ngộ độc mạn tính nguy hiểm nhưng chỉ âm thầm, “bí mật” từng ngày gây hại cho cơ thể, ví như ngộ độc chì.
(CAO) Công ty URC Hà Nội bị xử phạt do sản xuất lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực hiệu Rồng đỏ có hàm lượng chì cao hơn mức công bố.
BS Huỳnh Quang Đại, Khoa Nội Tổng Quát Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bộ môn Hồi sức cấp cứu chống độc Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, chì là một kim loại nặng, ngộ độc chì được chia làm 2 nhóm là: Ngộ độc cấp tính, sẽ làm tăng áp lực nội sọ, gây tổn thương não cấp. Triệu chứng biểu hiện là nôn, lơ mơ, hôn mê, co giật...
Và ngộ độ mạn tính, là ngộ độc tích lũy từ ngày này qua qua ngày khác trong cơ thể. Người lớn hấp thụ chì thấp hơn trẻ nhỏ. Trẻ càng nhỏ tác hại càng nặng, gây ra tình trạng rối loạn chức năng của nơron thần kinh. Triệu chứng biểu hiện là kích thích tăng động, giảm thần kinh nhận thức, giảm trí thông minh của trẻ.
Trong trường hợp hiếm hoi, ngộ độc chì có thể gây co giật, hôn mê và dẫn đến tử vong.
Đối với phụ nữ mang thai, chì tích tụ trong cơ thể cạnh tranh với canxi trong xương. Nó có thể vượt qua hàng rào nhau thai, phơi nhiễm vào đứa bé. Hậu quả xảy ra là thai nhi giảm tăng trưởng và bà mẹ có nguy cơ sinh non.
Ở người trưởng thành, tiếp xúc với chì cũng được ghi nhận tác dụng lên hệ tim mạch như tăng huyết áp. Nó cũng gây suy giảm chức năng thận và ảnh hưởng xấu đến sinh sản. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, điều trị nhiễm chì có thể không để lại di chứng ở người trưởng thành.
Bác sĩ Đại nhấn mạnh: "Ngộ độc chì được coi là ngộ độc báo động và cần phải được kiểm soát đặc biệt ở Mỹ".
Dư luận xôn xao bởi thông tin 2 lô trà chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ của URC bị thu hồi vì chứa hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép. Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Đại, có 4 mức độ đánh giá mức độ nhiễm độc chì: Bình thường: Từ 0 đến dưới 10 Micro gram(Mg)/dl; Nhẹ: Từ 40 đến dưới 69 Micro gram/dl; Trung Bình: Từ 70 đến dưới 100 Micro gram/dl và Nặng: Lớn hơn 100 Micro gram/dl.
Tình trạng nhiễm độc trên người được chẩn đoán bằng xét nghiệm lượng chì trong máu và các xét nghiệm lâm sàn.
Bác sĩ Huỳnh Quang Đại cho hay, từ 4-2015 đến 4-2016, Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM có 25 trường hợp xét nghiệm chì, trong đó có 3 trường hợp phát hiện nhiễm độc chì dạng nhẹ.
Theo bác sĩ Đại, nếu bị ngộ độc chì cấp bệnh nhân phải nhập viện, dùng thuốc giải độc chì chuyên sâu. Nếu ngộ độc mạn tính phải điều trị lâu dài, loại bỏ khả năng tiếp xúc với chì (ví dụ như ở ngoài môi trường, chì có nhiều trong đất, cát, trong vật liệu xây dựng,…). Nguồn nước phải kiểm tra có bị nhiễm chì hay không. Trẻ em thì không cho tiếp xúc với pin. Dinh dưỡng cần bổ sung thêm sắt và canxi,...
Trước đó, Công ty URC Hà Nội bị xử phạt do sản xuất lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực hiệu Rồng đỏ có hàm lượng chì cao hơn mức công bố.
Cụ thể, Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt công ty URC Hà Nội (công ty sản xuất C2, Rồng đỏ) với các hành vi sản xuất và bán 2 lô sản phẩm thực phẩm: Trà xanh hương chanh C2 (ngày sản xuất 4-2-2016, hạn dùng 4-2-2017), nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ (ngày sản xuất 10-11-2015, hạn dùng 10-8-2016) có hàm lượng chì vượt mức cho phép.
Bên cạnh đó, kho bảo quản sản phẩm không đảm bảo kín, biện pháp phòng chống động vật gây hại tại kho chưa đảm bảo theo quy định về an toàn thực phẩm.
Thanh tra Bộ Y tế quyết định áp dụng hình thức xử phạt với tổng số tiền phạt cho 4 hành vi vi phạm của Công ty URC là hơn 5,8 tỷ. Trong đó, hành vi bán sản phẩm nhiễm chì ra thị trường bị phạt nặng nhất, chiếm hơn 99% mức xử phạt.