50% bệnh nhân suy dinh dưỡng khi nằm viện

Thứ Sáu, 27/05/2016 05:02  | Ngô Đồng

|

(CAO) Việc thiếu hụt dinh dưỡng này hiện vẫn còn tồn tại ngay tại bệnh viện, nơi chăm sóc sức khỏe làm gia tăng nguy cơ tử vong.

Tỷ lệ người bệnh bị suy dinh dưỡng khá cao

Theo thống kê của ngành Y tế, có đến 50% bệnh nhân nhập viện có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Nguyên nhân của việc thiếu hụt dinh dưỡng này là do hầu hết các bác sĩ tập trung quan tâm vào điều trị bằng thuốc mà chưa quan tâm đến việc chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân. Trong khi đó, dinh dưỡng lại là nền tảng cho các hoạt động của cơ thể và là nguồn lực giúp bệnh nhân hồi phục.

Vai trò dinh dưỡng dành cho bệnh nhân rất quan trọng trong quá trình điều trị. Ảnh: Ngô Đồng

Tuy nhiên vì bệnh lý và việc điều trị cũng làm cho bệnh nhân gặp một số khó khăn trong việc ăn uống và dung nạp dinh dưỡng. Từ đó tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng lại càng trở nên nghiêm trọng.

Trong khi đó, hiện có khoảng 20% bệnh viện tại Việt Nam chưa có khoa/tổ dinh dưỡng. Trong số các bệnh viện có khoa/tổ dinh dưỡng thì chỉ có 7.5% là có thực hiện nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng.

Rủi ro điều trị gia tăng

Việc thiếu hụt dinh dưỡng, suy dinh dưỡng gây ảnh hưởng đến quá trình hồi phục vì người bệnh không có đủ năng lượng, protein hay vi chất để chống chọi lại bệnh tật.

Theo TS BS Lưu Ngân Tâm, Chủ tịch Hội dinh dưỡng lâm sàng TP.HCM, suy dinh dưỡng ở bệnh nhân là vấn đề toàn cầu, bệnh nhân bị suy kiệt trong quá trình điều trị và suy kiệt sau điều trị. Nếu tất cả bệnh nhân đều được can thiệp dinh dưỡng tốt song song với chế độ điều trị, con số tiết kiệm được sẽ rất đáng kể.

Cụ thể, nếu thiết kế một chương trình chăm sóc dinh dưỡng tiêu chuẩn tại các bệnh viện (thường được gọi là Chương Trình Gia Tăng Hiệu Quả Điều Trị - QIP) sẽ làm giảm 17% tỷ lệ tái nhập viện trong vòng 30 ngày; giảm thời gian nằm viện 13,4%; giảm 50% tỷ lệ loét tì đè mắc phải trong bệnh viện (HAPUs); giảm 8,8% chi phí y tế.

Bác sĩ Lưu Ngân Tâm minh chứng: Chỉ tính riêng về hiệu quả chăm sóc dinh dưỡng đối với các bệnh nhân viêm thủy cấp thì điều trị dinh dưỡng tốt giúp rút ngắn quá trình điều trị đến 3 ngày, tiết kiệm chi phí từ 7-8 triệu.

Tình trạng suy dinh dưỡng ở Việt Nam hiện chưa được nhận thức đầy đủ. Do đó Hội dinh dưỡng lâm sàng TP.HCM sẽ có kế hoạch áp dụng chương trình Gia Tăng Hiệu Quả Điều Trị như là một nghiên cứu điển hình về giải pháp cải thiện quy trình dinh dưỡng tại nhiều bệnh viện trên toàn quốc trong 2 năm tới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang