TP.HCM: Báo động tình trạng dư kháng sinh trong thịt động vật

Chủ Nhật, 26/06/2016 06:40  | Ngô Đồng

|

(CAO) Việc tồn dư lượng kháng sinh và chất cấm trong sản phẩm thịt là mối nguy cơ của thành phố, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thông tin trên được BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết tại Hội nghị sơ kết 5 năm về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố.

BS Hưng chỉ ra, từ năm 2013 đến tháng 11/2015, Chi cục Thú Y đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thịt động vật kinh doanh tại thành phố (bằng phương pháp sắc khí lỏng cao áp - HPLC).

Qua kiểm tra cho thấy, tỷ lệ bình quân tồn dư kháng sinh trong các mẫu thịt được xét nghiệm là khoảng 27%; trong đó, Sulfadimidin là 14,8%; Tetracycline là 12,3%.

Người Sài Gòn hoang mang lo lắng vì thịt heo tiêm thuốc an thần

Đáng lo ngại là tỷ lệ không có dấu hiệu giảm qua từng năm. Nếu năm 2014 chỉ có 17,6% mẫu thịt bị phát hiện tồn dư kháng sinh thì sang năm 2015, tỷ lệ mẫu bị phát hiện tăng lên 39,6%.

Từ năm 2011 đến 2015, các ngành chức năng đã kiểm tra 484 lô hàng gia súc thịt heo và lấy 1.784 mẫu nước tiểu tại cơ sở giết mổ phân tích kiểm tra các chất cấm, phát hiện có tới 61 lô có tồn dư chất tăng trọng; 57 lô bị phát hiện dương tính với chất tạo nạc nhóm Beta-agonist.

Việc sử dụng chất cấm khiến nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Kiểm tra chất cấm tại các cơ sở chăn nuôi, chỉ tính riêng trong năm 2015, tỷ lệ cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm (nhóm Beta-agonist) vẫn còn, chiếm 5,77%. Chất cấm Salbutamol là chất thường được các hộ chăn nuôi sử dụng, các hộ này thuộc đị bàn quận 9, Hóc Môn, Củ Chi, quận 12 và Bình Chánh.

Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn tồn tại, nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy vậy, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay vẫn còn rất nhiều bất cập. Trong đó, có lí do về hệ thống văn bản pháp luật chồng chéo, chưa đồng bộ; lượng nhân sự chuyên trách về an toàn thực phẩm tại quận huyện còn thiếu; năng lực của các nơi kiểm nghiệm còn chưa phân tích được mối nguy về chất lượng thực phẩm…

Ngoài ra, theo phân tích của BS Hữu Hưng, do công tác quản lí an toàn thực phẩm giữa các tỉnh chưa đồng bộ nên cũng tạo khó khăn cho TP.HCM trong phát hiện, xử lý và truy nguyên nguồn gốc thực phẩm không an toàn. Hiện nay, đến 80% nguồn thực phẩm tại TP.HCM có nguồn gốc xuất xứ từ các tỉnh thành.

Để ngăn chặn tình trạng trên, các bộ ngành liên quan cần phải sớm đề ra biện pháp xử lý đối với loại vi phạm tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm động vật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang