Đề xuất chế tài cơ quan quản lý để xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm

Chủ Nhật, 01/05/2016 05:42

|

(CAO) Ngoài việc xử lý người dân, cơ sở vi phạm, còn có ý kiến đề xuất có biện pháp chế tài đối với người đứng đầu cơ quan quản lý để xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế TP.HCM) cho biết, TP.HCM là địa bàn đông dân nhất nước và là TP lớn nên dịch vụ ăn uống nói riêng và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nói chung rất nhiều.

Hiện trên địa bàn TP có gần 60.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, trong đó phần lớn (hơn 49.000 cơ sở) do các địa phương (quận/huyện, phường/xã) quản lý.

Nơm nớp lo thực phẩm bẩn

Ông Hòa nhìn nhận, do phạm vi quản lý quá rộng nên tình hình an toàn thực phẩm chưa được như nhà quản lý mong muốn, lâu lâu lại xuất hiện tình trạng bê bối về an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng quản lí An toàn thực phẩm, Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) cũng cho biết, riêng nguồn rau cung cấp cho thành phố hiện chỉ có 30% được sản xuất tại TP, còn lại 70% từ các chợ là từ 5 tỉnh chủ đạo gồm Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh cung ứng và nhập khẩu, trong đó có Trung Quốc.

70% rau quả từ các chợ là từ 5 tỉnh chủ đạo gồm Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh và nhập khẩu

"Với nguồn rau lấy từ TP, 95% đã đủ điều kiện trong rau toàn, hộ nông dân trong rau các trung tâm đã tiến hành tổ chức đào tạo học và thi để cấp giấy chứng nhận chuyên môn sản xuất rau an toàn. Người trồng rau còn phải trải qua kiểm tra đột xuất trên đồng ruộng nữa. Còn với các cửa hàng kinh doanh thuốc cũng đều bị kiểm tra để biết thuốc nào nên bán và thuốc nào không nên bán.

Riêng 70% thực phẩm nhập từ các tỉnh và nhập khẩu vào chợ đầu mối và vào chợ truyện thống cũng như chợ tự phát, thì thông qua tỉnh và tiến hành kiểm tra theo quy trình tương tự như các nguồn cung cấp rau TP", bà Thoa cho hay.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác thanh kiểm tra lấy mẫu các sản phẩm xét nghiệm mức độ an toàn chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục đối với lô hàng chuyển về tại tất cả các chợ đầu mối, siêu thị, chợ truyền thống.

Từ đầu năm đến nay, Chi Cục bảo vệ thực vật đã tiến hành kiểm tra 45 hộ nông dân trồng rau; 29 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và 132 vựa tại 3 chợ đầu mối. Kết quả, vẫn có 5 vựa tại 3 chợ đầu mối có vi phạm, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng phòng Thú Y cộng đồng Chi cục Thú y TP.HCM, hàng tuần, Chi cục cũng xử lý trên dưới 200 trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền.

Tuy nhiên, việc lấy mẫu thực phẩm kiểm định phải tốn ít nhất 3 ngày, với rau thì ít nhất phải 12 tiếng, nhiệm vụ bảo quản hàng giao cho chủ hàng nên khi có kết quả kiểm tra thì sản phẩm chứa chất nguy hại có khi đã bị tiêu thụ hết.

Đề xuất chế tài cả cơ quan quản lý

Luật sư Phạm Minh Tâm, Văn phòng luật sư Phạm Minh Tâm cho biết, hiện nay đi chợ nào người dân cũng có tâm lý lo sợ mua nhầm thực phẩm bẩn. Bún, bánh phở chứa phoóc-môn, chất tẩy trắng, chất làm sáng; urê trong cá biển; rồi thịt heo nuôi bằng chất tạo nạc, cho uống thuốc ngủ; cá nuôi bằng kháng sinh; rau của quả ngậm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật…

"Hậu quả của thực phẩm bẩn mà con người phải dung nạp trong suốt thời gian dài đã khiến số người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam trong nhóm dẫn đầu thế giới", luật sư Tâm nói.

Hiện nay đi chợ nào người dân cũng có tâm lý lo sợ mua nhầm thực phẩm bẩn

Không thể phủ nhận, thực phẩm bẩn là do những người kinh doanh, sản xuất vì hám lợi trước mắt nên đã cố tình đưa chất cấm vào quá trình sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề an toàn thực phẩm.

Hiện nay, Việt Nam có tới 3 bộ gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương cùng chia nhau phân cấp quản lý các vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn thực phẩm không an toàn vẫn vô tư tràn vào thị trường gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Luật sư Phạm Minh Tâm, khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ thấy chế tài xử phạt đối với người sản xuất, kinh doanh. Cơ quan quản lý nhà nước, ngoài những quy định về trách nhiệm, thì không thấy có chế tài, xử lý nào đối với hành vi tắc trách trong quản lý, chất lượng thực phẩm.

Luật sư Phạm Minh Tâm (Văn phòng luật sư Phạm Minh Tâm) đề xuất Quốc hội nên chấn chỉnh kịp thời bằng các quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hoặc xử lý những cá nhân tắc trách, buông lỏng quản lý gây hậu quả cho xã hội.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TP.HCM cũng đồng tình. Theo ông, khi mới thành lập các cơ quan quản lý nhà nước cũng đi kèm quyền hạn và trách nhiệm, đánh giá nó tốt hay xấu, bị kỷ luật hay thưởng huy chương. Tuy nhiên, nếu đi theo hướng xử lý người đứng đầu trong thời gian sắp tới, ông cũng mong có luật để quản lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang