TP.HCM: Bắt đầu kiểm soát việc bán rau online

Thứ Sáu, 29/04/2016 06:15  | Ngô Đồng

|

(CAO) Lo ngại trước tình trạng nguồn thực phẩm từ các chợ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), nhiều bà nội trợ đã đặt niềm tin vào những mặt hàng được gọi là “sạch” rao bán trên những trang mạng.

Nắm bắt được tâm lý của những bà nội trợ luôn “khát” thực phẩm sạch, nhiều nhà cung cấp đã rao bán đủ các loại, từ thực phẩm tươi sống, thức ăn đã chế biến sẵn cho đến các món ăn đặc sản dân dã của các vùng miền.

Tất cả đều được gắn mác “sạch” kèm với lời quảng cáo “của nhà làm, đảm bảo an toàn”.

Tại buổi tọa đàm "Bán hàng ăn uống và giấy chứng nhận An toàn thực phẩm" tổ chức tại trụ sở Báo Pháp Luật TP.HCM sáng 28-4, bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng quản lí An toàn thực phẩm, Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) cho biết, bên cạnh những cơ sở bán hàng có uy tín, không ít cơ sở kinh doanh theo hình thức “3 không”: không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, không đăng ký chất lượng vệ sinh ATVSTP.

Thực tế, theo bà Thoa, việc nhìn bằng mắt thường không thể nào biết được rau có lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép hay không. Như cơ quan nhà nước còn phải lấy mẫu sau 12 tiếng mới có kết quả.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng quản lí An toàn thực phẩm, Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM chia sẻ về việc giám sát việc kinh doanh qua mạng. Ảnh: Ngô Đồng

Theo đó, thời gian qua, Chi cục cũng đã tiến hành rà soát và giám sát việc bán rau sạch trên mạng. Sau đó Chi cục sẽ liên hệ đến chủ tài khoản để đế hướng dẫn họ. Cụ thể, nếu họ rao bán rau hữu cơ hay rau Viet Gap thì hướng dẫn họ phải có giấy chứng nhận.

Bà Thoa khuyến cáo, người kinh doanh phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Theo đó, người kinh doanh thực phẩm nên tự bảo vệ mình bằng các biện pháp kiểm soát như phải có hợp đồng và hóa đơn khi giao dịch với những nơi cung cấp thực phẩm. Nói rau sạch thì phải chứng minh, đầu tiên là nguồn gốc rõ ràng. Trong hợp đồng nên ghi rõ các điều khoản đảm bảo thực phẩm là an toàn.

Trong trường hợp, là sản phẩm tự sản xuất thì cũng phải đảm bảo theo luật An toàn vệ sinh thực phẩm.

Qua tìm hiểu, nhiều mặt hàng thực phẩm được bán online là những sản phẩm được chế biến tại hộ gia đình. Tuy nhiên, thói quen chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm ngay tại hộ gia đình cũng là một trong số nguyên nhân tiềm ẩn gây ngộ độc.

Do đó, người sản xuất phải có thói quen bảo quản thực phẩm đúng quy định, đúng chủng loại thì mới tránh được ngộ độc.

Theo quy định của Bộ Công Thương, từ ngày 20-1-2015, mọi hoạt động kinh doanh qua mạng sẽ phải kê khai thông tin và đóng thuế. Tuy nhiên, do nhiều trở ngại trong việc xác định các cơ sở kinh doanh online nên cho đến thời điểm này, việc quản lý kinh doanh qua mạng nói chung và quản lý kinh doanh thực phẩm trên facebook nói riêng vẫn ngoài tầm kiểm soát.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM chia sẻ:

Trên thị trường thực phẩm sạch rao bán nói chung, trên mạng nói riêng, có những người thực sự kinh doanh thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng; nhưng cũng có những người "đục nước béo cò", lợi dụng tâm lý của người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải sáng suốt trong việc lựa chọn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang