(CAO) Dư luận hiện nay cho rằng giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hiện do nhiều cơ quan cấp và điều đó có sự trùng lắp. Người sản xuất kinh doanh đang lúng túng nên phải tăng cường công tác tập huấn, giải thích cho người dân.
Người sản, xuất kinh doanh cần chuẩn bị gì?
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TP.HCM (Sở Y tế), hiện trên địa bàn TP có khoảng 60.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, trong đó phần lớn (hơn 49.000 cơ sở) do các địa phương quản lý (quận huyện, phường xã).
TP.HCM là địa bàn đông dân nhất nước và là TP lớn nên dịch vụ ăn uống nói riêng và các cơ sở ăn uống nói chung rất nhiều. Ảnh: Saigonamthuc
Ông Hòa cho biết, việc phân cấp quản lý tuân thủ theo nguyên tắc cơ sở đăng ký kinh doanh ở cấp nào thì cấp đó sẽ cấp. Tuy nhiên, nếu quy mô vượt quá 200 suất thì sẽ do TP cấp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết thêm, có thể lựa chọn 2 hình thức kinh doanh: hộ cá thể hoặc đăng ký thành lập doanh nghiệp. Đối với hộ cá thể, có thể đăng kí tại UBND quận/huyện. Khi hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng kí thành lập doanh nghiệp theo qui định Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phải tiến hành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.
Để được cấp Giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện vệ sinh trong quá trình sản xuất; phải thêm điều kiện về con người, tức là phải cung cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống và kết quả khám sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Kinh doanh nhỏ lẻ có quy định như thế nào?
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TP.HCM, những cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, không có yêu cầu bảo quản sản phẩm đặc biệt, bán hàng rong thì không buộc phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Bán hàng rong thì không buộc phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Ảnh: Ngô Đồng
Đối với các bếp ăn tập thể (nấu cho công nhân của công ty ăn), không có mục đích kinh doanh thì chỉ cần ký cam kết mà thôi.
Tuy nhiên, nếu vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn phải tiến hành xử phạt khi bị kiểm tra.
Đối với cơ sở dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh (theo điều 7, TT 47/2014/TT-BYT) thì trước khi tổ chức hoạt động và định kì 3 năm, chủ cơ sở dịch vụ ăn uống phải cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với cơ quan quản lý tương đương.
Tóm lại, với loại hình kinh doanh cá thể thì không cần phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm mà chỉ cần có cam kết đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, nếu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh thì vẫn bị xử phạt.
Hướng dẫn kinh doanh thực phẩm qua mạng
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), người kinh doanh phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình như người bán rau.
Đối với các trang mạng, chúng tôi đã và đang có những chương trình tập huấn cho các thương nhân, chủ cơ sở.
Để bảo vệ mình, trước hết người kinh doanh phải trang bị kiến thức pháp lý. Theo đó, trước khi quyết định đầu tư, cần tìm hiểu pháp luật liên quan đến ngành nghề dự định đầu tư. Đối với hành vi không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thì sẽ xử phạt theo Nghị định 178.
Kinh doanh dịch vụ ăn uống trong hoàn cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động thì rủi ro rất cao. Cách tốt nhất trước khi bước vào kinh doanh bạn hãy chuẩn bị thật tốt các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà pháp luật quy định. Chuẩn bị tốt là chấp hành pháp luật tốt và cũng đồng nghĩa với việc hạn chế được rủi ro kinh doanh và nâng cao uy tín cơ sở kinh doanh của mình.