Suất ăn rẻ tiền, kém chất lượng làm học sinh ngộ độc hàng loạt

Thứ Sáu, 06/05/2016 05:05

|

(CAO) Việc khó kiểm soát chất lượng an toàn của nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể tại trường học là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học.

Theo thống kê của Cục thống kê TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM có khoảng khoảng 0,5 triệu các bé mầm non sử dụng suất ăn hằng ngày và một bộ phận không nhỏ các học sinh cấp 1, 2 bán trú sử dụng suất ăn.

Do đó, nhu cầu sử dụng suất ăn cho học sinh trên địa bàn TP.HCM là rất lớn, đặt ra thách thức cho các cơ quan quản lý trong việc giám sát chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho các suất ăn trên địa bàn TP.

Nhu cầu sử dụng suất ăn của học sinh trên địa bàn TP.HCM là rất lớn

Bùng phát ngộ độc thực phẩm trong trường học

Thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM hiện có 2.821 trường học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, ĐH, CĐ, trung cấp có dịch vụ ăn uống. Trong đó 1.620 trường có bếp ăn tập thể, trên 883 trường có căn tin, 318 trường hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.

Trong năm 2012 và 2013, toàn TP đã không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học; tuy nhiên, trong hai năm 2014-2015, mỗi năm đều có một vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học (năm 2014 có 97 học sinh ngộ độc và năm 2015 là 65 học sinh).

Đặc biệt, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016 tại TP đã có 3 vụ ngộ độc tại trường học. Cụ thể, tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.Thủ Đức) có 26 học sinh bị ngộ độc do ăn thức ăn tại căn tin trường và Trường Tiểu học Trần Quang Khải (Q.1) vào ngày 10-3 có đến 72 học sinh nhập viện. Và một vụ việc mới xảy ra cận ngày 30-4.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết. “Cận dịp lễ 30-4 vừa qua, tại một trường học ở TP.HCM đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm. Hiện Chi cục ATVSTP đang gửi mẫu thức ăn để phân tích nguyên nhân. Nâng số vụ ngộ độc thực phẩm trong 4 tháng đầu năm 2016 này lên tới 6 vụ. Bằng với số vụ ngộ độc tập thể của cả năm 2015 (6 vụ)".

Thức ăn kém chất lượng, bảo mẫu không rửa tay

Nguyên nhân các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật gây ra. Gần đây nổi lên nguyên nhân là do bảo quản thực phẩm không đảm bảo từ nguyên liệu đến khi thành phẩm.

Cụ thể, các vụ ngộ độc gần đây có liên quan đến histamin có trong thủy sản (cá thu, cá ngừ, cá cờ…) do không được bảo quản tốt.

Theo Chi cục ATVSTP, nếu quản lý tốt nguồn gốc thực phẩm biến chất có chứa histamin thì có thể giảm tới 24% các vụ ngộ độc thực phẩm.

Mặt khác, trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm, vận chuyển suất ăn từ nơi cung cấp đến nơi tiêu thụ không đảm bảo cũng tạo điều kiện cho vi sinh xâm nhập.

Chi Cục ATVSTP khuyến cáo các đơn vị có bếp ăn tập thể không sử dụng các loại hải sản không tươi sống vào trong quá trình chế biến, đặc biệt là cá ngừ.

Một nguyên nhân khác, là hiện nay thực phẩm tăng giá mà bữa ăn cho học sinh chỉ dao động từ 10.000 đồng đến 13.000 đồng/học sinh. Do vậy nhiều bếp ăn chỉ mua nguyên liệu rẻ tiền, kém chất lượng.

"Có bếp ăn ra chợ đầu mối mua cá nhưng thay vì mua lúc 11-12 giờ có giá vài chục ngàn/kg thì họ đi chợ lúc 3-4 giờ chiều nên cá chỉ còn vài ngàn đồng/kg nên rất dễ bị ngộ độc do histamin gây ra”, bác sĩ Mai cho biết.

Nhiều bếp ăn chỉ mua nguyên liệu rẻ tiền, kém chất lượng dễ dẫn đến ngộ độc

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân gây ra ngộ độc tập thể cũng có tác động từ phía bảo mẫu, giáo viên của nhà trường.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, do không rửa tay trước khi phân chia suất ăn nên các cô đã truyền vi khuẩn từ tay qua cơm, thịt… góp phần gây ngộ độc cho học sinh. Cũng có trường hợp do mặt bằng chật hẹp nên có trường để thức ăn dọc hành lang khiến bụi bặm dễ bám.

Cụ thể, bác sĩ Mai dẫn chứng, trong năm 2015 vừa qua, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (Q.3) khiến 65 học sinh mắc bệnh. Sau khi phân tích các mẫu thức ăn lưu, cơ quan chức năng không phát hiện nguy cơ. Cuối cùng, nguyên nhân gây ngộ độc được xác định do chuối bị nhiễm vi khuẩn E.coli.

“Chuối không được rửa nên vi khuẩn E.coli bám trên vỏ chuối. Học sinh lại thích ngậm chuối trước khi lột vỏ nên bị nhiễm E.coli”, bác sĩ Mai nói.

Chi cục ATVSTP khuyến cáo các trường học có trên 1.000 học sinh thì nên tự tổ chức bếp ăn tập thể để kịp thời giám sát ATVSTP. Ảnh minh họa

Trước đó, vụ ngộ độc tại Tiểu học Long Bình (Q.9) cũng xuất phát từ món cơm chiên dương châu. Sau khi phân tích thì phát hiện tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Staphylococus aureus với hàm lượng cao. Vi khuẩn này hay xuất hiện trong móng tay con người nên có thể do móng tay tiếp xúc với thức ăn gây ra ngộ độc.

Việc sử dụng chất cấm, kháng sinh không được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chất kích thích tăng trưởng trong một số sản phẩm nông nghiệp hay chất thúc đẩy nhanh quá trình chín của trái cây cũng góp phần làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Chi Cục ATVSTP đưa ra khuyến cáo, ngành giáo dục cần tích cực phối hợp với ngành y tế để vận hành hệ thống tự kiểm tra ATVSTP đối với bếp ăn tập thể trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, khuyến cáo các trường học có trên 1.000 học sinh thì nên tự tổ chức bếp ăn tập thể để kịp thời giám sát ATVSTP.

Đối với các trường sử dụng suất ăn chế biến thì phải đảm bảo từ khi chế biến xong đến khi ăn không quá 4 giờ (nếu có thiết bị bảo quản nóng, lạnh) và trường hợp không có thiết bị bảo quản thì thời gian không quá 2 giờ.

Đa số vụ ngộ độc thực phẩm từ cơ sở cung cấp suất ăn sẵn

Theo Chi cục ATVSTP TP.HCM, phân tích số liệu từ năm 2012 - 2016, có đến 13/15 (tỉ lệ 52%) vụ ngộ độc thực phẩm do cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Riêng năm 2015, có 4/6 vụ do cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, 1/6 vụ là do bếp ăn tập thể của một đơn vị bên ngoài vào thầu nấu, 1/6 vụ sử dụng cơm của quán nhỏ lẻ.

Từ đầu năm 2016 đến nay, có 3/5 vụ ngộ độc thực phẩm do cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, 1/5 vụ là do bếp ăn tập thể của một đơn vị bên ngoài vào thầu nấu, 1/5 vụ là do cơ sở nấu đám tiệc gây ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang