Hàng việt rộng đường vào siêu thị

Thứ Sáu, 12/07/2019 08:00

|

(CAO) Là hệ thống siêu thị thuần Việt, Saigon Co.op luôn rộng cửa với hàng hoá sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng Việt Nam chất lượng tốt.

Với tốc độ phát triển các sản phẩm mới vào siêu thị đạt mức trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 mặt hàng (sku), số lượng điểm bán tăng nhanh, cơ hội cho các nhà cung cấp vào hệ thống siêu thị này là rất lớn.

Không ngừng tìm kiếm nhà cung cấp mới

Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op - cho biết trong ngành may mặc, rất nhiều nhà cung cấp của hệ thống Saigon Co.op đang là nhà cung cấp cho các hệ thống bán lẻ khác nhau. Với hệ thống siêu thị thuần Việt nên nguyên tắc bất di bất dịch của Saigon Co.op là luôn mở rộng cửa với hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng. Vì vậy, không phân biệt đó là nhà cung cấp của bất kỳ hệ thống bán lẻ nào, nếu đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, giá cả và thị hiếu của khách hàng thì Saigon Co.op sẵn sàng tiếp nhận phân phối.

Theo ông Huy, do đặc tính mỗi nhà phân phối có phân khúc khách hàng khác nhau nên một trong những tiêu chí để tiếp nhận hàng hóa vào phân phối là hàng hóa đó phải phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của phân khúc khách hàng của nhà bán lẻ. Để đa dạng hóa sản phẩm, tăng thêm lựa chọn cho khách hàng, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt hiệu quả hơn đồng thời gia tăng sức cạnh tranh, bộ phận thu mua của Saigon Co.op luôn tích cực mở rộng điểm bán, đa dạng hóa mô hình kinh doanh. Song song đó là tìm, bổ sung thêm nhiều hàng hóa sản phẩm mới.

Mới đây, Saigon Co.op đạt được thỏa thuận tiếp nhận lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Auchan Việt Nam sau khi tập đoàn bán lẻ của Pháp rút khỏi Việt Nam, bao gồm 12 cửa hàng đã đóng cửa và 3 cửa hàng đang hoạt động. 12 cửa hàng còn lại tùy diện tích sẽ lần lượt được cải tạo theo nhận diện Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food. Chủ trương của Saigon Co.op là thể hiện trách nhiệm đối với khách hàng, nhà cung cấp… của Auchan, từ đó có thêm cơ hội mới cho các nhà sản xuất muốn tham gia cung ứng cho kênh bán lẻ hiện đại.

“Saigon Co.op đang kinh doanh khoảng 350.000 mã hàng, trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 mặt hàng mới vào siêu thị. Số doanh nghiệp sản xuất, cung ứng muốn tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại tăng nhanh”, ông Huy nói.

Cùng nhau phát triển

Trong kế hoạch phát triển năm nay, Saigon Co.op dự kiến sẽ có thêm khoảng 300 điểm bán mới, nâng tổng số điểm bán trên cả nước lên 1.000 điểm. Do đó, nhà bán lẻ cũng cần tìm thêm nhà cung cấp cho những điểm bán sắp ra đời để kinh doanh phục vụ người tiêu dùng.

Ông Đỗ Quốc Huy cho rằng các doanh nghiệp muốn đưa hàng vào siêu thị thành công cần phải nắm bắt được xu thế của thị trường. Chẳng hạn ngành hàng may mặc vốn đề cao yếu tố thời trang, mốt, màu sắc, các gu này thay đổi khá nhanh, doanh nghiệp phải luôn cập nhật thị hiếu của thị trường nếu muốn bán được hàng. Dù có thể không đẹp hay xịn như những hàng thương hiệu thời trang quốc tế, nhưng ít nhất hàng hoá phải thoả mãn được nhu cầu của một phận người dùng đến siêu thị.

Cũng theo ông Huy sự đa dạng trong chủng hàng hóa cũng giúp nhà bán lẻ tăng tính cạnh tranh hơn. Do đó, chiến lược bán hàng ở đây là kế hoạch khuyến mãi, làm chương trình phát triển thị trường trên kênh phân phối, chọn nhà cung cấp có năng lực. “Khi siêu thị cân nhắc loại bỏ hay giữ một mặt hàng nào đó thì yếu tố quyết định là doanh thu và hiệu quả bán hàng của mặt hàng đó”, ông Huy giải thích thêm.

Tuy có nhiều “tham vọng” hỗ trợ hàng Việt, nhưng với mô hình HTX, Saigon Co.op gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính cho công tác phát triển mạng lưới, logistics, đầu tư cho công nghệ thông tin, nâng cao thu nhập người lao động…

“Về trung và dài hạn, nếu bài toán tài chính giải chậm, Saigon Co.op sẽ khó cạnh tranh với các nhà bán lẻ ngoại có nguồn tài chính dồi dào và lợi thế huy động được nguồn tài chính xã hội với chi phí thấp”, ông Huy chia sẻ.

Hiện, Saigon Co.op đang nỗ lực tìm giải pháp để khắc phục hạn chế này. Bên cạnh đó, từng bước nâng cấp cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản trị, kinh doanh; sử dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm nâng cao hiệu quả của mảng kinh doanh nền tảng là offline. Song song đó, thử nghiệm một số mô hình online để phù hợp với xu hướng phát triển chung.

Tái hiện sinh động hành trình 30 năm bán lẻ điển hình Thành phố từ sơ khai đến kỷ nguyên số.

Lần đầu tiên tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở trung tâm quận 1, TP.HCM, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) sẽ tổ chức tái hiện lại hành trình 30 năm từ bán lẻ thô sơ trở thành mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả điển hình của TP.HCM, cũng là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam ghi dấu trên bản đồ bán lẻ hiện đại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Chương trình diễn ra trong 3 ngày liên tục, từ 19/7 đến 21/7/2019, với điểm nhấn là khung cảnh chợ và cửa hàng từ thời kỳ 1989 cho đến những siêu thị mua sắm hiện đại và đặc biệt siêu thị siêu hiện đại trong kỷ nguyên số tương lai cũng được lắp đặt để người dân thành phố có thể trực tiếp trải nghiệm. Hàng loạt sao Việt cũng được huy động biểu diễn liên tục trong 3 đêm này để phục vụ hàng nghìn người dân tham quan sự kiện.

Thông điệp xuyên suốt chương trình là tinh thần tự hào về quê hương đất nước, tự hào về Thành phố mang tên Bác, và tự hào về Saigon Co.op - Một thương hiệu bán lẻ thuần Việt, do người Việt tạo dựng và vì người Việt phục vụ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang