(CATP) Dư luận đánh giá cao sự nghiêm túc của hãng Hàng không quốc gia (Vietnam Airlines), khi vừa cho một phi công nghỉ việc do trước đó dương tính với ma túy. Di chuyển bằng máy bay đang ngày càng được nhiều hành khách lựa chọn nhờ những ưu điểm vượt trội, vì thế yếu tố an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu.
Cũng mới đây, sự cố 2 máy bay suýt va vào nhau trên đường băng sân bay Nội Bài (Hà Nội), có nguyên nhân từ kiểm soát viên không lưu khiến nhiều người thót tim. Nắm trong tay sinh mạng của hàng trăm người cùng chiếc máy bay hàng triệu đôla, đôi khi một sự cố cũng có thể gây tai họa cho cả những người dưới đất, thậm chí không hề liên quan đến chuyến bay. Vậy nên một động tác cẩn thận dù nhỏ cũng không hề thừa. Đặc biệt với những bộ phận trực tiếp điều hành, phục vụ bay hoặc điều khiển máy bay.
Việc phát hiện kịp thời cơ trưởng có sử dụng trái phép chất kích thích, chứng tỏ khâu "khám sàng lọc" trước giờ khởi hành được thực thi chặt chẽ, sát sao. Sẽ thật khủng khiếp nếu để lọt một phi công lên buồng lái trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn hoặc chất gây nghiện. Chúng tôi chợt nhớ chuyến công tác tại một Trung đoàn không quân đóng tại TX. Đông Hòa (Phú Yên). Đây là nơi đào tạo và huấn luyện máy bay tiêm kích duy nhất tại Đông Nam Á, bao gồm những loại máy bay Su hiện đại nhất nước ta.
Sau khi tay bắt mặt mừng, biết chúng tôi đường xa ra miền Trung, một người bạn là phi công tối hôm đó từ chối dù chỉ một ly rượu cho ngày tái ngộ. Lý do được đưa ra là trong 24 tiếng đồng hồ trước khi vào buồng lái, phi công không được sử dụng chất kích thích. Thậm chí còn phải test lại vào sáng hôm sau. Đó là điều mà mỗi phi công luôn khắc ghi và không bao giờ quên trong nhiệm vụ bảo vệ vùng trời của Tổ quốc hay chuyên chở hành khách của khối dân sự.
Hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất
Đường bộ, đường hàng không tuân thủ nghiêm ngặt việc kiểm tra sức khỏe đối với người điều khiển phương tiện. Người dân cũng mong áp dụng tương tự với đường sắt, đường thủy. Dẫu biết hiện nay vẫn duy trì kiểm tra thường xuyên, song do đặc thù trên sông nước, cần có thêm nhiều hơn những "tài công" được chứng minh bằng kết quả test âm tính với các chất gây nghiện. Một thoáng lơ là mất tập trung có thể dẫn đến tai nạn vô cùng thảm khốc.
Về phía hành khách cũng không thể thiếu ý thức tự giác chấp hành các quy định liên quan đến an toàn bay, tinh thần trách nhiệm khi tham gia các chuyến bay. Những hình ảnh phản cảm như "tự sướng" khi đứng gần máy bay đang vận hành động cơ, sử dụng điện thoại lúc đang bay, ngồi hẳn lên băng chuyền hành lý... cần chấm dứt triệt để. Ngành hàng không cũng đau đầu với tình trạng điều khiển thiết bị bay không người lái flycam tại những khu vực cấm. Vấn nạn chiếu tia laser vào buồng lái của phi công cũng uy hiếp an toàn bay nghiêm trọng.
Sân bay Pleiku (Gia Lai)
Do vậy, để các chuyến bay hạ cánh an toàn, đi đến nơi về đến chốn, không chỉ trông chờ vào những đơn vị tham gia khai thác đường bay, cần có cả nhiều ban ngành, người dân chung tay. Những cá nhân dù ở mặt đất cũng vẫn phải chấp hành tuyệt đối các khuyến cáo nhằm bảo vệ sân bay, máy bay. Theo chúng tôi, Cục Hàng không (Bộ Giao thông vận tải) nên có quy định trong Luật Hàng không dân dụng sắp tới: hành khách được quyền nhìn thấy danh sách đoàn tiếp viên và phi hành đoàn niêm yết cụ thể trước mỗi chuyến bay thay vì cách thông báo qua loa như hiện nay từ tiếp viên trưởng.
Sẽ càng chu đáo hơn khi mỗi hãng bay phải đính kèm kết quả khám sức khỏe, xét nghiệm của phi hành đoàn trước giờ cất cánh, giúp mọi người yên tâm. Đó là quyền tiếp cận thông tin về tổ lái, tiếp viên trong lĩnh vực hàng không mà người dân cần được biết. Bởi lẽ họ đang bỏ tiền ra mua dịch vụ và "nuôi sống" các hãng bay.