Diễn đàn Người lao động 2023:

Quyền lợi của người lao động phải được bảo đảm

Chủ Nhật, 30/07/2023 17:40  | Hải Triều

|

(CATP) Nhiều tâm tư, nguyện vọng của người lao động trên cả nước đã được trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn".

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về nhà ở cho công nhân

Mang tâm tư của người lao động về vấn đề nhà ở đến Diễn đàn, chị Đào Thị Loan (Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ, tỉnh Bình Dương) cho biết, đây là một trong những mối quan tâm, bức xúc của nhiều công nhân lao động. Công nhân từ miền Bắc, miền Trung và cả miền Tây lên Bình Dương và các tỉnh, thành phố làm việc, hầu hết phải thuê nhà trọ. Nhà thuê thường diện tích chật hẹp, ẩm thấp, tạm bợ, khó khăn trong sinh hoạt.

"Tôi rất mừng khi được biết Chính phủ có đề án xây 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp, nhất là gần đây trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận, đã cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Đây là một tin vui đối với công nhân, nhưng tôi vẫn lo lắng khi báo chí nói các doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội" - chị Loan bày tỏ.

Chung mối quan tâm, ông Nguyễn Minh Sơn - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam (LĐLĐ TP.Hà Nội) cho hay, anh chị em công nhân rất vui mừng, trông đợi vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, áp dụng cho cả chủ đầu tư dự án và người mua, thuê nhà ở xã hội do Chính phủ vừa ban hành trong Đề án một triệu căn hộ.

Thế nhưng, ông Sơn lo ngại, mức lãi suất 8,2%/năm vẫn là rất cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp; thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động khi vay.

Toàn cảnh Diễn đàn Người lao động năm 2023

Trả lời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, vấn đề chăm lo bảo đảm chính sách an sinh xã hội cũng như quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và đã thể chế hóa trong luật.

Chính sách phải giữ người lao động gắn bó với hệ thống BHXH

Bức xúc trước tình trạng DN nợ BHXH, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch CĐCS Công ty Taekwang Vina, tỉnh Đồng Nai truyền tải tâm tư của nhiều công nhân lao động về vấn đề BHXH. Ông Phúc nói, khi một số công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở lấy ý kiến công nhân lao động về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đã có nhiều ý kiến băn khoăn dường như quyền lợi của người lao động đang có xu hướng suy giảm sau nhiều lần sửa luật. Ví dụ như nâng số năm đóng BHXH đối với người lao động để được hưởng mức tối đa 75% lên 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ (tăng 5 năm so với trước đây); mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định, người lao động bị giảm 2%, trước đây chỉ giảm 1%.

Trong lần sửa đổi Luật BHXH tới đây, ông Phúc đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành các quy định để không làm suy giảm quyền lợi của người lao động; tạo sự linh hoạt, hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH.

Tương tự, chị Lương Thị Tho (công nhân Xí nghiệp Quản lý và Xử lý chất thải Đình Vũ, TP.Hải Phòng) bức xúc, công nhân lao động rất lo lắng trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động. Theo chị Tho, pháp luật cần có cơ chế phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; có cơ chế tín dụng ưu đãi hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn để người lao động không phải chọn rút BHXH một lần.

Hồi âm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, trong tháng 8 này, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc sửa Luật BHXH.

Ông Dung nói rõ, việc sửa đổi luật lần này tập trung chỉnh sửa, điều chỉnh những vấn đề bất cập, mở theo hướng phát triển BHXH và tăng quyền lợi cho người lao động chứ không tập trung hạn chế quyền lợi người lao động. Để khắc vục việc chậm đóng, trốn đóng và nợ đóng BHXH, theo ông Dung, hiện Bộ đang phối hợp với đơn vị bảo hiểm xử lý, khoanh lại để tập trung xử lý.

Kết luận Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận, các ý kiến của đoàn viên, người lao động đã phản ánh đúng thực tiễn tình hình đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, mối quan tâm của đoàn viên, người lao động cả nước và những bất cập trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật khiến đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động còn băn khoăn, bức xúc.

Qua phản ánh này, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của công nhân, viên chức, lao động đã được cải thiện đáng kể, nhưng trên thực tế, một bộ phận đoàn viên, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn.

Về cơ bản, hệ thống pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn đã không ngừng được hoàn thiện, song theo Chủ tịch Quốc hội, vẫn còn không ít các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa sát thực tiễn. Việc thực thi pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm, còn xảy ra vi phạm.

Từ diễn đàn hôm nay, Chủ tịch Quốc hội mong rằng, các đoàn viên, công nhân, người lao động sẽ chủ động hơn nữa trong việc tham gia phản ánh, góp ý với quá trình xây dựng và thực thi chính sách. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẵn sàng lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các anh chị em công nhân, người lao động.

Bình luận (0)

Lên đầu trang