TPHCM: Đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống mua bán người trong tình hình mới

Thứ Hai, 14/07/2025 10:05

|

(CAO) Thời gian qua, tại TPHCM, tội phạm hoạt động mua bán người (MBN) vẫn đang diễn biến phức tạp bằng nhiều hình thức và thủ đoạn rất tinh vi như: thông qua việc tuyển chọn, chuyển giao để đưa người đi lao động trong nước cũng như đưa lao động ra nước ngoài, ký kết làm ăn kinh tế hoặc tham quan, du lịch, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi, bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em. Đối tượng bọn tội phạm mua bán người thường lựa chọn chiếm đa số là phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, kiến thức hiểu biết pháp luật hạn chế và nơi hoạt động ngầm của bọn tội phạm MBN chính là các hội, nhóm kín trên các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo, Wechat,...

Nâng cao công tác tuyên truyền trong phòng, chống mua bán người

Mới đây, trong báo cáo kết quả công tác phòng, chống MBN và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TPHCM, Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh, trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, những năm qua, các sở, ngành có liên quan tăng cường sự phối hợp với các địa phương; thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh các hoạt động về phòng ngừa và phòng, chống tội phạm mua bán người gắn với thực hiện chương trình an sinh xã hội trên địa bàn TP; kết hợp việc bố trí ngân sách nhà nước cùng với tăng cường huy động đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Theo đó, Sở Y tế TPHCM xác định công tác truyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống MBN là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành và hành động của người dân trên địa bàn.

Các đối tượng trong đường dây mua bán người bị Công an TPHCM bắt giữ

Sở Y tế đã chủ động tổ chức 52 buổi tuyên truyền, truyền thông về Luật Phòng, chống MBN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cung cấp đến các tầng lớp Nhân dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm MBN, hậu quả của tệ nạn MBN với 2.745 lượt người tham dự; xây dựng 01 bảng tin điện tử; 59 buổi phát thanh; xây dựng, in ấn và phát hành 11.000 tờ rơi, 6.500 cuốn cẩm nang với các thông điệp như: “Hãy cảnh giác và ngăn chặn nạn mua bán người”, “Đừng trở thành nạn nhân của mua bán người vì thiếu hiểu biết”, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác đối với các phương thức, thủ đoạn của tội phạm MBN, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư vào công tác phòng ngừa và tố giác tội phạm MBN tại địa phương.

Hiện Sở Y tế TP cũng đang quản lý 12 cơ sở trợ giúp xã hội được giao chức năng thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, trong đó Trung tâm Hỗ trợ xã hội đóng vai trò chính trong công tác tiếp nhận, chuyển tuyến và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giúp nạn nhân ổn định tâm lý, an tâm tái hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế, các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, nhất là tại các cơ sở, đơn vị trực thuộc, nơi trực tiếp nuôi dưỡng, bảo trợ và chăm sóc đối tượng; kịp thời phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương giải quyết triệt để các vụ việc liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm MBN; làm tốt công tác quản lý những đối tượng có nguy cơ phạm tội, vi phạm pháp luật tại đơn vị.

Cũng theo báo cáo, trong giai đoạn 2020 - 2025, Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp nhận 07/07 trường hợp là nạn nhân bị mua bán trở về (trong đó có thêm 02 trẻ em đi cùng nạn nhân), tăng 40% so với giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp tiếp nhận và bố trí nơi ăn, ở phù hợp và chăm sóc một cách tốt nhất trong thời gian lưu trú tạm thời tại Trung tâm (03 tháng) đối với 02 trường hợp là trẻ sơ sinh (01 nữ và 01 nam) là nạn nhân trong đường dây mua bán người được Công an TPHCM điều tra, khám phá; chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố hỗ trợ tư vấn kịp thời về thực hiện các thủ tục trình báo với Công an, chính quyền địa phương nơi cư trú, nơi xảy ra vụ việc đối với 01 trường hợp là bé gái (02 tuổi) bị mẹ ruột đem bán cho người khác để lấy tiền, thông tin được tiếp nhận qua Tổng đài 1900 545559.

Cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị

Trong thời gian tới, Sở Y tế TP nhận định, sự biến động dân cư sau sắp xếp hành chính thành TPHCM mới cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ hình thành các điểm nóng về tội phạm mua bán người. Vì vậy, Sở đang tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người di cư an toàn trên địa bàn TP.

Thông qua mô hình này, người dân sẽ được cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ tiếp cận với các dịch vụ xã hội cần thiết, từ đó giảm nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán của các đường dây MBN.

Cụ thể, các hoạt động sẽ được phối hợp, lồng ghép nội dung phòng chống MBN và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về vào các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế, vay vốn, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em tại địa phương.

Công an TPHCM triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh núp bóng hoạt động cho nhận con nuôi liên tỉnh.

Ngoài, Sở Y tế sẽ đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phòng, chống MBN; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống MBN gắn với phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; cho nhận con nuôi; giới thiệu việc làm; đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài; tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam,... và các hoạt động kinh doanh dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi MBN, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống MBN từ sớm, từ xa, từ cơ sở để giữ vững ổn định trật tự xã hội tại địa phương.

Sở cũng sẽ tập trung thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nhằm tạo bước chuyển biến mới về công tác phòng, chống MBN trong tình hình hiện nay.

Theo ông Nguyễn Tăng Minh- PGĐ Sở Y tế TPHCM, bên cạnh những mặt thuận lợi thì công tác phòng, chống MBN và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 cũng còn vướng một số tồn tại, hạn chế nhất định như: địa bàn rộng gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý; nạn nhân được tội phạm MBN hướng đến thường là những đối tượng không có việc làm ổn định, lại hạn chế hiểu biết về pháp luật, thiếu cảnh giác đối với các phương thức, thủ đoạn của tội phạm MBN; một số nạn nhân và gia đình nạn nhân không tự giác khai báo do còn mặc cảm, sợ kỳ thị, sợ bị trả thù nên việc điều tra, thống kê xác định nạn nhân còn gặp khó khăn…

Đáng nói, tình hình hoạt động của tội phạm MBN có nhiều diễn biến phức tạp thông qua các trang mạng xã hội với thủ đoạn, phương thức và hành vi mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, xuyên quốc gia. Đối tượng phạm tội đa dạng, ngoài những đối tượng có tiền án, tiền sự hoạt động chuyên nghiệp, một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng nước ngoài khi trở về nước đã dụ dỗ, lừa bán người khác; nhiều trường hợp sử dụng công nghệ cao để phạm tội; vì vậy gây khó khăn trong việc phát hiện, điều tra và truy tố kẻ phạm tội cũng như khó khăn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời để bảo vệ nạn nhân bị mua bán và người thân của họ.

Dự báo tình hình tội phạm MBN trong thời gian tới sẽ có những diễn biến khó lường với đa phương thức, đa thủ đoạn; đối tượng của tội phạm MBN có thể là người lạ, bạn bè hoặc người quen, thậm chí cả người thân. Do đó, theo Sở Y tế TPHCM cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, nhất là từ cấp cơ sở trong công tác phát hiện, tố giác các loại tội phạm liên quan đến MBN và tham gia giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại địa phương để họ sớm vượt qua sự mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Đồng thời, Sở Y tế cũng nhấn mạnh, để ngăn ngừa có hiệu quả việc MBN thì cơ quan thông tin đại chúng có vai trò quan trọng trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống MBN, giúp tác động trực tiếp tới ý thức của từng người dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và MBN nói riêng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang