(CATP) Sài Gòn có lịch sử hình thành cách đây hơn 330 năm. Bắt đầu từ một xóm nhỏ có diện tích hơn 1km2, nằm ven kênh Tàu Hủ, người ta gọi đó là Chợ Lớn.
Chợ Lớn do người gốc Hoa thành lập năm 1778, nằm gọn trong khu vực từ đường Tản Đà tới Kim Biên và từ đường Nguyễn Trãi xuống kênh Tàu Hủ. Năm 1782, kết thúc giao tranh giữa Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn, khu vực này bị tàn phá. Những tưởng Chợ Lớn quá vãng, nhưng ít lâu sau người gốc Hoa từ Cù lao Phố (Biên Hòa - Đồng Nai) di cư xuống xây dựng lại một Chợ Lớn sung túc, phồn hoa hơn.
Khi Chợ Lớn ra đời, phía Quận 1 thuộc Thành Gia Định vẫn chưa hình thành. Đến khi Pháp chiếm Nam Kỳ, ngày 06/6/1865 Đô đốc Roze kí quyết định thành lập TP.Chợ Lớn. Danh từ “Chợ Lớn” được đặt làm thành phố. Ngày 01/7/1882, tuyến đường xe điện đầu tiên ở Việt Nam dài 5km, nối Sài Gòn - Chợ Lớn bắt đầu hoạt động. Đến năm 1930, hai thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn đã giáp nhau ở chỗ nay là đường Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Thiện Thuật. Ngày 27/4/1931, chính quyền Pháp ký sắc lệnh hợp nhất TP. Sài Gòn và TP. Chợ Lớn thành đơn vị hành chính mới gọi là Khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Bình Tây - ngôi chợ lâu đời ở Chợ Lớn
Năm 1951, Khu Sài Gòn - Chợ Lớn đổi thành Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn và đến năm 1956 đổi là Đô thành Sài Gòn. Kể từ đây, địa danh Chợ Lớn chỉ còn được dùng để chỉ toàn bộ khu vực Quận 5, Quận 6 và một phần Quận 11 của Sài Gòn; trong đó Quận 5 và Quận 6 là khu vực sinh sống chủ yếu của cộng đồng người Việt gốc Hoa tại TPHCM ngày nay.
Tính đến thời điểm này, Chợ Lớn vẫn là nơi duy nhất tại TPHCM còn bảo tồn nguyên vẹn nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc của hàng trăm năm trước. Điều này có thể thấy rất rõ trên những mái nhà lợp ngói ống ở dãy phố đường Hàm Tử, Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, Châu Văn Liêm… Bụi thời gian nhuốm màu nâu xám rất đẹp, vẻ đẹp ấy cùng với kiến trúc đặc trưng nơi đây phảng phất một nét đẹp xưa vừa lạ lẫm vừa gần gũi.

Hội quán người Hoa ở Quận 5 luôn thu hút sự quan tâm của du khách.
Chợ Lớn còn là nơi tập trung hàng chục nhà hàng, khách sạn cỡ 3 - 4 sao mà hầu như dân Sài Gòn từ hạng trung lưu trở lên khi tổ chức đám cưới hay đại tiệc đều nhớ đến. Những Equatorial, Đồng Khánh, Bát Đạt, Ngọc Lan Đình, Soái Kình Lâm, Ái Huê, Thiên Hồng, Á Đông... khách nườm nượp vào ra ngay khi thành phố lên đèn. Ban ngày, Chợ Lớn người mua kẻ bán tấp nập, gần như không có món hàng nào lưu thông trên đất nước này mà Chợ Lớn không bán.
Theo ông Voòng Tắc Xiền - Giám đốc Công ty tư vấn Trí Luật, trong làm ăn người Hoa luôn coi trọng chữ tín, nhằm tạo ra lợi ích hài hòa với nhau. Chính vì thế trong làm ăn “bạc triệu” với nhau, nhiều lúc họ chỉ cần “hợp đồng miệng” cũng xong, vậy nhưng hiếm khi xảy ra tranh chấp. Đặc biệt, việc làm ăn của mỗi người được cả cộng đồng quan tâm, kịp thời tiếp tay khi cần.
Cộng đồng người Hoa ở Việt Nam nói chung và người Hoa ở TPHCM nói riêng đều là công dân Việt Nam, đóng góp những giá trị quý giá trong tiến trình phát triển của đất nước.