(CAO) UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch về đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù tại TPHCM năm 2023.
Theo kế hoạch, UBND TPHCM xác định mục tiêu nhằm quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP đến các ngành, các cấp, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng Nhân dân; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, thể hiện tính nhân văn trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước góp phần phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; huy động các đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP nhằm thực hiện đạt mục tiêu, yêu cầu để ra.
Bên cạnh đó, đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù tại TPHCM tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, khả năng của đối tượng, nhu cầu của người sử dụng lao động và điều kiện thực tế của địa phương.
Theo kế hoạch đối tượng được hỗ trợ là người chuẩn bị mãn hạn tù và người chấp hành xong hình phạt tù.
Chính sách hỗ trợ:
a) Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề đối với người chấp hành xong hình phạt tù
(1) Người khuyết tật: tối đa 06 triệu đồng/người/khóa học.
(2) Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn: tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học.
(3) Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân: tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học.
(4) Người thuộc hộ cận nghèo: tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học.
(5) Người học là phụ nữ, lao động nông thôn không thuộc các đối tượng quy định tại (1); (2); (3); (4): tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học.
(6) Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù đồng thời thuộc các đối tượng nêu tại (1); (2); (3); (4); (5) thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất.
b) Đối với người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng nêu tại mục a của phần này, việc tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng được thực hiện trên cơ sở đồng thuận của người học và người học tự chi trả toàn bộ chi phí đào tạo. Trường hợp Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp đối với người chấp hành xong hình phạt tù trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thì thực hiện hỗ trợ theo quy định.
c) Hỗ trợ tiền ăn, đi lại:
- Mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học.
- Mức hỗ trợ tiền đi lại: 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.
UBND TPHCM cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức tư vấn để vận động người chấp hành xong hình tù tham gia các khóa học nghề phù hợp. Bên cạnh đó, tổ chức điều tra, khảo sát tình hình người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú tại địa phương; trên cơ sở đó tổng hợp, phân loại và đề xuất các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở có các biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ thích hợp, kịp thời đối với người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương để họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.