(CAO) Đại diện Xí nghiệp 1 – Công ty Cổ phần Công trình giao thông Sài Gòn cho biết, bộ 5 thiết bị hiện đại dùng để thu gom rác trên mặt nước đang được TPHCM chạy thử công đoạn cuối cùng, dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 3.
Trao đổi với phóng viên, ông Lâm Tấn Kiệt, Giám đốc Xí nghiệp 1 thông tin, 2 trong 5 thiết bị hiện đại dùng vớt, thu gom rác trên mặt nước đã được hạ thủy. "Hiện các thiết bị này đang chạy thử công đoạn cuối trước khi đi vào hoạt động trong tháng 3 năm nay" – ông Kiệt thông tin.
Dự án được UBND TPHCM chấp thuận dựa trên đề xuất của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) về phương án sử dụng bộ thiết bị này để thu gom chất thải rắn trên tuyến sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương (đoạn từ sông Sài Gòn đến Khu công nghiệp Tân Bình). Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, căn cứ đề xuất của Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn, tháng 10-2020, Sở GTVT đã tổ chức vận hành thử nghiệm các thiết bị vớt, thu gom rác thải này trên sông Vàm Thuật - Bến Cát (khu vực hạ lưu cầu Chợ Cầu thuộc quận Gò Vấp, TP HCM).
TPHCM sẽ triển khai mô hình
vớt rác trên sông bằng tàu chuyên dụng từ tháng 3
Buổi thử nghiệm kéo dài trong 7 giờ, sử dụng 2 tàu vớt rác bằng gàu xúc và 1 sà lan 90T gom rác có gắn gàu ngoạm, thu gom được 30 tấn rác, lục bình. Thời điểm này, 2 thiết bị còn lại vẫn đang được các kỹ sư Việt Nam phát triển, hoàn thiện.
Thời gian chính thức triển khai từ tháng 3 đến cuối năm 2021. Mỗi tháng vớt 15 lần, khối lượng chất thải rắn sau khi vớt và xử lý gần 4.500 tấn. Bộ thiết bị chuyên dụng này bao gồm: 1 sà lan 90 tấn, có gắn gàu ngoặm; 1 tàu thu gom rác tự động với sải cánh thu gom rộng 12 m chạy trên luồng chính và có hệ thống nén rác để tiết kiệm diện tích chứa; 2 máy gắp rác nhỏ có tính cơ động cao, di chuyển rác và đưa về sà lan; một tàu kéo tàu chính.
Dự án được UBND TPHCM chấp thuận dựa trên đề xuất của Sở Giao thông Vận tải
Tổng giá trị đầu tư là 20 tỉ đồng, trong đó 2 máy gắp rác cơ động được nhập từ Mỹ, có giá 3,5 tỉ đồng/chiếc. Kinh phí dự kiến để vận hành bộ thiết bị trong 10 tháng là 12,915 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí bốc xúc, vận chuyển chất thải rắn sau khi vớt từ bãi tập kết để vận chuyển đến khu xử lý tập trung của TP do UBND quận, huyện liên quan thực hiện.
TP sẽ sử dụng nguồn kinh phí duy tu đường thủy năm 2021. UBND TP giao Sở GTVT dự toán thu chi ngân sách Nhà nước năm 2021. "Mức giá nói trên chỉ là mức giá ban đầu do TP đặt hàng trong năm đầu tiên vận hành. Đến cuối năm 2021, hội đồng định mức sẽ kiểm tra và ra định mức chính xác. Sau đó sẽ tổ chức cho các đơn vị tham gia đấu thầu" – ông Kiệt cho biết.